Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) là giải pháp then chốt đưa doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, thời gian qua, nhiều DN đã chủ động ứng dụng thành tựu của KH-CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Công nhân làm việc tại Nhà máy STADA Việt Nam, Công ty CP PYMERPHACO. Ảnh: THÁI HÀ

Giải pháp then chốt giúp phát triển bền vững

Theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - VCCI, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu đòi hỏi DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng công nghệ vào sản xuất, nếu không sẽ trở thành sân sau cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài, vừa làm mất tài nguyên, vừa mang lại giá trị kinh tế thấp.

Tiền thân là doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất và phân phối thuốc sử dụng nuôi trồng thủy sản, trong quá trình phát triển, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đã quyết định đầu tư máy móc công nghệ sản xuất phân bón vi sinh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năm 2017, Hoàng Long Vina tổ chức khánh thành Nhà máy Sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao đầu tiên ở Việt Nam làm tiền đề để tạo ra nhiều loại phân bón khoáng hỗn hợp kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều loại cây trồng, ở các giai đoạn sinh trưởng và điều kiện canh tác khác nhau.

Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK bằng kỹ thuật tạo hạt tháp cao là đề tài cấp quốc gia được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để Hoàng Long Vina thực hiện. Kết quả, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ này đã giúp cho sản phẩm của Hoàng Long Vina đạt Cúp vàng Nhãn hiệu cạnh tranh, giải thưởng Sao vàng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Thương hiệu xanh, chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, giải thưởng Doanh nghiệp triển vọng hội nhập ASEAN…

Gần 30 năm tích cực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nêu cao tinh thần “Danh dự - Khoa học - Tận tụy - Sáng tạo - Tiên phong” trong sản xuất kinh doanh, đến nay Công ty CP PYMEPHARCO đã vươn tầm thương hiệu khi nằm trong Top 3 doanh nghiệp dược hàng đầu cả nước và trở thành doanh nghiệp KH-CN uy tín trên lĩnh vực sản xuất dược phẩm.

Từ một đơn vị sinh sau đẻ muộn trong ngành dược Việt Nam, PYMEPHARCO đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đơn vị dẫn đầu trong sản xuất dược phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GMP-EU tại Việt Nam.

Ông Trần Phúc Yên, Giám đốc Nhà máy dược phẩm PME I cho rằng, trong thời đại 4.0, yếu tố KH-CN đặc biệt quan trọng và là yếu tố quyết định trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhận thức rõ điều này, công ty đã đầu tư mạnh vào KH-CN, lựa chọn công nghệ tiên tiến, mở rộng sản xuất, phát triển công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng với khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế cao.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Coi doanh nghiệp là trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH-CN, thời gian qua, từ trung ương đến địa phương đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư KH-CN, nâng cao năng suất chất lượng, thương hiệu.

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, đa số các doanh nghiệp của Phú Yên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực trạng công nghệ của các doanh nghiệp này đang ở trình độ chưa cao so với mặt bằng chung của cả nước; các phương tiện và điều kiện sản xuất còn hạn chế dẫn đến năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất cao và hệ quả tất yếu là lợi nhuận thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu…

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, Bộ KH-CN đã có hàng chục chương trình, dự án như: Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, Chương trình hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH-CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ phát triển tối thiểu 3 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển tối thiểu 8 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ địa phương, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Quy định về đối tượng và mức hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý và công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Quy định nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KH-CN, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tự chủ của tổ chức KH-CN công lập trên địa bàn tỉnh; Quy định nội dung và mức chi thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên...

Để giúp doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, việc phát triển thị trường KH-CN là vô cùng cần thiết và cấp bách.

“Những chính sách từ trung ương, địa phương về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển thị trường KH-CN, những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ là cú hích cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng để qua đó tạo nền tảng, hỗ trợ sự phát triển, tăng cường sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Dương Bình Phú kỳ vọng.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/247560/ho-tro-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-%C2%A0.html