Hồ sơ bóng đá: Giải mã sự thành công của bóng đá Nhật Bản (Kỳ 1)

Chiến tích vô địch AFC U19 Championship của Nhật Bản vừa qua phản ánh sự vượt trội của bóng đá trẻ nước này. Loạt chuyên đề Hồ sơ bóng đá sẽ giải mã sự thành công đó.

Nhật Bản là nền bóng đá được nhắc đến nhiều nhất những năm gần đây khi liên tiếp vô địch các giải đấu lớn ở cấp độ châu lục cũng như thế giới. Nay lần đầu vô địch giải trẻ U19 của châu Á , xứ sở hoa anh đào đang cho thấy sự thống trị của họ với bóng đá châu lục ở mọi cấp độ. Vậy bí quyết nào giúp bóng đá Nhật bản nói chung và bóng đá trẻ Nhật Bản nói riêng có được thành quả như ngày hôm nay? Hãy cùng Bongda.com.vn đi tìm câu trả lời.

1. Ký ức vàng son năm 1998 đến từ sự ra đời của J League

Có thể nói, bóng đá Nhật Bản là một trong những nền bóng đá có bước phát triển nhanh nhất thế giới trong vài thập niên qua. Đến tận những năm 1992, cái tên Nhật Bản hầu như chưa xuất hiện trên bản đồ bóng đá thế giới. Chỉ 6 năm sau, họ khiến thế giới phải tìm hiểu về mình nhiều hơn với suất dự World Cup 1998.

Thành quả đó chắc hẳn không thể từ trên trời rơi xuống. Mốc son 1992 đánh dấu bước chuyển mình của bóng đá Nhật Bản khi ý tưởng của một giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên ra đời. Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo cho năm 1993, năm đầu tiên Giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J.League) được thành lập. Dĩ nhiên, nước nào cũng có khả năng thành lập một giải vô địch quốc gia, nhưng cách mà người Nhật xây dựng bản lề cho nền bóng đá quốc dân bằng giải vô địch quốc gia thật đáng nể phục vì tầm nhìn.

Liên đoàn bóng đá Nhật Bản lúc đó quyết định sẽ lựa chọn 10 đội bóng còn non trẻ đạt được sự ủng hộ nhiều nhất từ cộng đồng để gia nhập J League. Các đội bóng này còn là đại diện cho những vùng địa lý khác nhau của đất nước mặt trời mọc.

10 đội bóng J League đầu tiên năm 1993. Ảnh: Internet.

Cần biết rằng có đến 20 CLB từ giải Japan Soccer League (giải đấu dành cho các CLB nghiệp dư của Nhật) xin gia nhập J.League. Nhưng Liên đoàn bóng đá Nhật Bản chỉ chấp nhận 10 đội có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cộng đồng vào biên chế. Tuy nhiên, J.League 1996 chứng kiến sự suy giảm đáng kể lượng khán giả đến sân. Năm 1997, chỉ có trung bình 10.131 khán giả đến sân trong khi con số này là 19.000 năm 1994.

2. Cải tổ với hai giải pháp

Lãnh đạo J League lập tức nhận ra bóng đá không thể sống thiếu khán giả. Một CLB không được khán giả yêu mến sẽ không có nguồn thu để tồn tại và bị đào thải. Do vậy, họ quyết tâm cải tổ với hai giải pháp

Thứ nhất là công bố bản kế hoạch "Tầm nhìn 100 năm J.League". Theo kế hoạch này, bóng đá Nhật bản phải có 100 CLB bóng đá chuyên nghiệp trực thuộc Liên đoàn từ đây cho đến năm 2092. Ban tổ chức J.League cũng khuyến khích các CLB chú trọng công tác xã hội, truyền bá những môn thể thao liên quan hoặc không liên quan đến bóng đá để thu hút nhiều tài trợ nhất có thể. Triết lý của lãnh đạo nền bóng đa Nhật lúc đó rất đơn giản: càng có quan hệ tốt với các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thì càng kiếm được nhiều tài trợ vì đội bóng là hình ảnh của địa phương.

Thứ 2 là tái cấu trúc hệ thống J.League đang rệu rã. Giải đấu hàng đầu nước Nhật quyết định tiếp nhận thêm 9 đội bóng từ giải Bán chuyên, Japan Football League. Ban tổ chức J League sau đó tiếp tục tách giải đấu này thành 2 phần: J1 gồm 16 đội bóng cũ và J2 với 10 đội bóng mới được sát nhập.

Lý do của hai giải pháp này đó là, càng nhiều CLB thì càng có nhiều địa phương nhảy vào cuộc chơi bóng đá. Càng nhiều địa phương nhảy vào cuộc thì tính cạnh tranh, sát phạt sẽ cao hơn khiến các trận cầu diễn ra hấp dẫn hơn. Càng nhiều đội bóng cũng có nghĩa là sức hút của giải đấu sẽ lan tỏa đến mọi ngõ ngách của nước Nhật do có nhiều CĐV hơn từ khắp các địa phương.

16 đội bóng J1 League năm 1999.

Và thế là, một lần nữa nhịp sống bóng đá lại được lan tỏa ở xứ sở mặt trời mọc. Nhưng Nhật Bản không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục tạo ra các sân chơi cho cầu thủ trẻ sau thành công bước đầu từ khi thành lập J League. Có thể nói J League chính là tiền đề cho sự phát triển bóng đá trẻ ở Nhật. Bóng đá trẻ Nhật Bản ra đời thế nào, vận hành ra sao và vì sao họ có được vinh quang ngày nay? Tất cả sẽ có trong kỳ 2 của Hồ sơ bóng đá.

Túc Cầu - Thể Thao Việt Nam | 23:57 02/11/2016

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/ho-so-bong-da-giai-ma-su-thanh-cong-cua-bong-da-nhat-ban-ky-1-d365906.html