HLV Riedl qua góc nhìn của người lái xe

13 năm sau ngày Alfred Riedl chia tay tuyển Việt Nam, những kỷ niệm về ông vẫn hiện lên sống động, đầy xúc cảm trong tâm tưởng người bạn cũ, tài xế Nguyễn Văn Dậu.

Trên tay ông Dậu, có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ được mua hơn chục năm trước. Đó là món quà mà huấn luyện viên Alfred Riedl trực tiếp lựa chọn và mang về từ châu Âu. Ông Dậu bảo mình luôn đeo nó để nhớ về người bạn cũ.

Trong cuộc đời lái xe của mình, Nguyễn Văn Dậu là tài xế cho ba đời HLV trưởng tuyển Việt Nam gồm Dido, Edson Tavares và Alfred Riedl. Trong đó, Riedl là người ông Dậu gắn bó và có nhiều tình cảm hơn cả.

Với ông Dậu, Riedl là người bạn, người thầy đáng kính bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Không thích ăn phở, chỉ dùng bữa ở Metropole

- Lần đầu tiên ông gặp HLV Alfred Riedl là khi nào?

- Tôi gặp ông ấy lần đầu năm 2003, ở nhiệm kỳ thứ 2 của Riedl tại Việt Nam. Tôi hơn Riedl 5 tuổi, nên được ông ấy coi như người anh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Riedl là người cực kỳ nghiêm túc. Nhiều người không biết Riedl vốn là người Áo nhưng mang nhiều phong cách Đức. Ông ấy làm việc gì cũng quy củ, có văn hóa, nói năng, suy nghĩ đều thận trọng, không bao giờ bừa bãi. Nhìn chung, Riedl rất khó tính.

Dù vậy, tôi và ông ấy không rời nhau một bước suốt hai nhiệm kỳ sau của Riedl. Ông ấy khen tôi lắm. Riedl vẫn thường bảo “gia đình tôi ở Việt Nam không sống được nếu không có anh Dậu”.

- Nhiều người bảo ông có lẽ là người hiểu và gắn bó nhất với HLV Alfred Riedl tại Việt Nam?

- Tôi nghĩ đúng như thế. Để tôi lấy ví dụ, báo hay viết ông Riedl thích ăn phở. Điều đó là sai, ông ấy không bao giờ thích phở. Chỉ có những ngày rất vui, Riedl mới bảo “Mr Dậu ơi, mai chúng ta đi ăn phở đi”. Những năm ở Việt Nam, ông ấy cũng chỉ ăn phở ở một quán tại Lê Phụng Hiểu. Quán ấy nay đã đóng cửa.

Riedl là người tinh tế. Mỗi khi chúng tôi đi với nhau, biết tôi thích ăn phở, ông ấy gọi cho tôi, nhưng bản thân không ăn. Vì không thích, ông ấy vẫn gọi phở là súp.

Ông Nguyễn Văn Dậu với chiếc đồng hồ bên tay trái do HLV Alfred Riedl tặng. Ảnh: Minh Chiến.

- Có đúng HLV Riedl xuất thân trong gia đình quý tộc ở Áo?

- Tôi không chắc về điều đó, nhưng khẳng định nhà Riedl là danh gia nền nếp. Cách sống của ông ấy có những nét xưa cũ như người Việt. Cả gia đình vẫn sống thế cho tới bây giờ.

Ví dụ trong chuyện ăn uống, Riedl không bao giờ ăn sáng bên ngoài, không bao giờ lê la vỉa hè. Nếu muốn gì, ông ấy sẽ mua đồ về từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau, hai vợ chồng tự ăn trong phòng.

Ông ấy cũng không bao giờ ăn đồ trong khách sạn. Mỗi lần huấn luyện đội tuyển từ Nhổn về, Riedl nhẹ nhàng bảo “anh Dậu ơi, anh chờ tôi một lát. Tôi tắm rửa xong rồi anh đưa vợ chồng tôi ra khách sạn Metropole (Lý Thái Tổ)”. Bao nhiêu năm, ông ấy thường chỉ ăn ở khách sạn này.

- Vậy còn về bóng đá, ai là người thân thiết với ông Riedl nhất ở các đội tuyển?

- Tôi nghĩ đó là HLV Mai Đức Chung. Lúc ấy, ông Chung làm phó cho ông Riedl, nhưng chủ yếu phụ trách hậu cần. Ông Hải “Lơ” cũng có thời gian làm việc cùng Riedl. Tuy nhiên, ông Hải hay nói quá, ông Riedl không thích điều đó. HLV Mai Đức Chung lành tính, không hay phát biểu. Tính cách ấy hợp với Riedl hơn.

- Một người kỹ tính như vậy hẳn không thích mọi người nói quá nhiều quanh mình?

- Riedl ghét những người đưa chuyện hay nói xấu sau lưng. Hôm nay trước mặt, anh khen tôi, nhưng hôm sau lại nói xấu tôi sau lưng là tuyệt đối không được. Trước khi tiếp cận một phóng viên, Riedl luôn hỏi rất kỹ những trợ lý người Việt. Nếu họ nhận xét người này ổn, Riedl mới tiếp chuyện.

Những tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 2005 là nỗi đau lớn trong đời Riedl. Ảnh: Minh Chiến.

Nỗi đau học trò bán độ ở SEA Games 2005

- Ông Riedl khả kính và mực thước. Tuy nhiên, thời cầm quân của ông lại chứng kiến vụ bán độ lớn nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Điều đó có làm tổn thương HLV Alfred Riedl?

- Đợt bán độ ấy, Riedl là người buồn nhất. Trở về từ Philippines, ông ấy đóng cửa, trốn trong phòng suốt mấy ngày. Cứ về tới phòng, Riedl liền ở lỳ trong đó. Bình thường, khi không làm việc, Riedl sẽ đưa vợ đi chơi. Nhưng lần này, ông ấy rất buồn.

Thực ra, trước khi vụ việc vỡ lở, ông Riedl đã phong thanh biết trước thông tin. Ông ấy từng có ý định bắt cầu thủ nộp lại điện thoại trước SEA Games để ngăn chặn nguy cơ gian dối. Tuy nhiên, giải đấu đã cận kề, Riedl sợ làm thế sẽ ảnh hưởng tới lòng quân.

Buổi sáng trước khi đi Philippines, ông ấy đã có linh cảm về chuyện này. Tuy nhiên, ông ấy không có bằng chứng, nói ra lúc này thì ai nghe. Giờ lên đường đã cận kề, tôi phải vỗ vai động viên ông ấy.

Không nhiều người biết khi đó Riedl vừa có lần mổ thận. Bác sĩ Hiền (Nguyễn Trọng Hiền - PV) còn nói ông ấy khó có đủ sức khỏe để đảm đương công việc ở SEA Games.

- Ông Riedl có kỳ vọng nhiều trước giải đấu năm đó?

- Ông ấy kỳ vọng nhiều. Riedl từng nói lứa ấy gần như chắc chắn vô địch. Ông ấy bảo ở Đông Nam Á lúc này, U23 Việt Nam là nhất. Chúng tôi đều tiếc cho Riedl.

Ông ấy muốn vô địch ở SEA Games 2005 và hy vọng đội tuyển giành được tấm HCV. Riedl còn đùa với tôi: “Nếu chuyến này, đội tuyển vô địch SEA Games, VFF sẽ cấp xe ô tô mới, xịn hơn cho chúng mình anh Dậu ạ”.

- HLV người Áo có dành nhiều tình cảm cho lứa Văn Quyến, Quốc Vượng?

- Tôi phải nói rằng không có HLV Riedl, Văn Quyến hỏng lâu rồi. Ông ấy đã khuyên bảo Quyến rất nhiều. Trong số tuyển thủ U23, Quốc Vượng là “gấu” nhất. Tuy nhiên, cậu ấy còn dễ bảo hơn, biết nghe lời hơn Văn Quyến.

Có lần, Văn Quyến trốn trại đi chơi, lên tuyển mà còn trốn trại luôn. Biết chuyện, HLV Mai Đức Chung dặn mấy người thân thiết không được nói với Riedl. Mọi người đều sợ ông Riedl sẽ buồn.

- Vậy còn mối quan hệ với Lê Công Vinh, người từng dành những lời không mấy tốt đẹp cho ông Riedl trong cuốn tự truyện?

- Hãy để tôi kể chuyện này. Có một lần, phóng viên hỏi Riedl sao tôi thấy Công Vinh mệt rồi mà ông chưa thay cậu ấy ra ngoài. Riedl nghe xong, nói lại luôn: “Đến khi nào cô làm HLV trưởng, tôi sẽ hỏi lại cô câu ấy”.

Năm 2007, khi Riedl về nước chuẩn bị thay thận, ông ấy dành nhiều thời gian nói chuyện với các tuyển thủ. Ông ấy nói chuyện với Công Vinh rất lâu. Ông ấy bảo nếu đó là lần gặp cuối cùng, Riedl mong Công Vinh luôn giữ được những điều anh đang có bây giờ.

Phát biểu nổi tiếng của ông Riedl vẫn được xem như sự khái quát chính xác nhất về bóng đá Việt Nam thời kỳ ấy. Đồ họa: Minh Phúc.

Quả thận cứu sống HLV Riedl

- Ông vừa nhắc tới năm 2007, đó là cũng là năm HLV Riedl thay thận. Đấy hẳn là khoảng thời gian đáng nhớ của ông thầy người Áo?

- Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của HLV Riedl. Trước đó một năm, quả thận bị bệnh của ông Riedl đã kém lắm, ngày càng yếu đi và lây luôn sang quả thận còn lại. Những ngày huấn luyện đội tuyển, cứ thấy Riedl ngồi xuống quả bóng là biết ông ấy mệt lắm rồi. Các trợ lý phải mời HLV Riedl nghỉ, không cho làm gì cả và để ông Lê Thụy Hải dẫn dắt thay.

Việc tìm người hiến thận lúc ấy rất khó khăn. Các bác sĩ xét nghiệm hơn 40 người mới tìm nổi một người. Đó là một giáo viên nghèo 30 tuổi ở Thanh Hóa. Cậu ấy nói mình cần tiền xây nhà cho bố, giá khi ấy là 15.000 USD. Ông Riedl lo cho cậu ấy mọi chi phí ăn uống, visa, vé máy bay sang Áo. Tôi là người trực tiếp đưa cậu ấy đi làm các giấy tờ.

Những công việc liên quan tới cậu ấy đều phải tuyệt đối bí mật. Khi cậu ấy từ Thanh Hóa bắt xe ra Hà Nội, tôi mới được biết mặt cậu ấy. HLV Riedl và cậu ấy đều xét nghiệm tại Bệnh viện 103. Kết quả được chuyển sang châu Âu. Đôi bên làm việc qua lại liên tục trước khi quyết định đưa người hiến sang Áo.

- Toàn bộ quá trình đó mất bao nhiêu thời gian?

- Từ lúc tìm được người tới khi phẫu thuật thành công, tất cả mất 4 tháng.

- Sau lần ấy, sức khỏe của Riedl có tốt hơn không?

- Ông ấy biết ơn Việt Nam. Sau khi thay quả thận, sức khỏe ông ấy tốt hơn nhiều, hai vợ chồng ôm nhau hạnh phúc, phấn khởi lắm. Ai ở gần sẽ thấy nước da Riedl hồng hào, khỏe khoắn trở lại. Khi Riedl tới Việt Nam ở AFF Cup 2016, tôi thấy ông ấy vẫn đẹp lão lắm. Bởi thế, tôi ngỡ ngàng khi nhận tin Riedl qua đời.

- Sống lâu ở Việt Nam, ông Riedl hẳn hiểu văn hóa, lối sống Việt?

- Ông Riedl cũng bị “nhiễm” nhiều tính cách đấy. Tính cách Việt Nam mà ông bị nhiễm là sự tình cảm và chân thành. Dù vậy, ông ấy vẫn đặc biệt ghét bị nói xấu. Riedl mực thước nhưng một khi đã thù ai, ông ấy thù rất dai. Có lần, một phóng viên viết xấu về ông ấy, Riedl nói thẳng rằng không biết phải dựa cột mà nghe.

- Ông đã bao giờ thấy HLV Riedl thể hiện những cảm xúc đặc biệt như nổi nóng hay buồn bã?

- Ông ấy nổi cáu trong sân thì nhiều, nhưng ngoài đời hiếm khi bộc lộ cảm xúc. Chỉ một lần, tôi thấy điều đó ở Agribank Cup 2006. Năm ấy, Thái Lan cử đội B sang Việt Nam dự giải. Vậy mà ở lượt trận cuối, tuyển Thái B vẫn cầm hòa Việt Nam 2-2 rồi lên ngôi vô địch.

Hôm ấy, ông Riedl không dám về đường chính. Ông ấy sợ CĐV quây xe phản đối. Riedl hướng dẫn tôi đi đường phụ Mỹ Đình, ngược lên Tây Tựu rồi mới vòng về Nhổn. Tôi ngạc nhiên vì ông ấy giỏi, biết cả đường mà lái xe không biết. Đó là một trong những thất bại mà Riedl nhớ mãi.

- Không lâu sau khi cùng tuyển Việt Nam tới tứ kết Asian Cup 2007, ông Riedl buộc phải từ chức vì thất bại ở SEA Games 24. Những ngày cuối cùng của Riedl ở tuyển Việt Nam diễn ra thế nào?

- Từ thâm tâm, HLV Riedl vẫn muốn tiếp tục. Ông ấy từng bảo muốn xây dựng trung tâm đào tạo trẻ vì Việt Nam còn thiếu trung tâm đó. Riedl bảo nếu có đủ cầu thủ tốt, ông ấy không cần giữ lại những người vô kỷ luật dù người đó có tài năng tới đâu. Ông ấy luôn nói bóng đá Việt Nam muốn đi xa thì cần bài bản. Câu “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” chính là thể hiện suy nghĩ ấy của Riedl.

Trước khi chia tay, Riedl bảo tôi nếu không làm tuyển Việt Nam nữa, ông ấy có lẽ vẫn tiếp tục ở Đông Nam Á. Nếu có đội tuyển khác trong khu vực mời, Riedl sẽ đi. Sau này, ông ấy quả thực đã dẫn dắt Indonesia tới 2 trận chung kết AFF Cup.

Năm 2010, khi Indonesia vào chung kết, kênh CNN Indonesia sang tận Hà Nội tìm tôi làm phóng sự. Họ mời tôi tới Đại sứ quán Indonesia xem chung kết. Người Indonesia ca ngợi Riedl ghê lắm. Ông đại sứ nhắc đi nhắc lại việc bóng đá Indonesia cần giữ cho được Riedl.

- Sau này, ông có gặp lại Riedl thêm lần nào không?

- Mấy lần tuyển Việt Nam sang Indonesia, các cầu thủ về kể lại với tôi rằng “ổng vẫn nhớ và nhắc tới bố”. (chỉ xuống tay) Tôi vẫn đeo chiếc đồng hồ Riedl trực tiếp mua ở châu Âu, tặng từ chục năm trước. Tới bây giờ, nó vẫn chạy tốt.

Có lần, khi tuyển Indonesia tới Việt Nam, Riedl rủ tôi đi uống cà phê ở Nhà thờ Hà Nội. Ông ấy đưa tôi 200 USD. Tôi từ chối, nói chúng ta gặp nhau là vui rồi. Riedl vui lắm. Ông ấy hẹn khi nào về Áo, sẽ rủ tôi qua đó chơi. Tiếc rằng, dự định ấy không còn thực hiện được nữa.

- Nếu có lời cuối tiễn biệt người bạn già, ông sẽ nói điều gì?

- Một trong những điều tôi nhớ nhất về Riedl là tình yêu ông ấy dành cho bà Jolanda. Riedl chiều vợ kinh khủng. Ông ấy không bao giờ để vợ phải nấu ăn, vất vả. Những khi công việc rảnh rang, ông đều đưa Jolanda đi chơi và mua sắm.

Trong những chặng đường dài chúng tôi từng đi, có lần Riedl đã kể về gia đình mình. Người vợ đầu phản bội Riedl khi ông còn là cầu thủ. Người thứ hai ông gặp được ở quán cà phê rồi đem lòng yêu thương. Ông luôn tự hứa với mình sẽ nâng niu Jolanda, người đã giúp ông có lại tình yêu một lần nữa.

Sau khi Riedl mất, đọc được những dòng thương tiếc của Jolanda, tôi tin bạn mình đã sống hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.

10 cột mốc của HLV Riedl với bóng đá Việt Nam Trong 3 nhiệm kỳ làm việc với bóng đá Việt Nam (1998-2000, 2003 và 2005-2007), huấn luyện viên Alfred Riedl đã cùng các học trò tạo nên những cột mốc đáng nhớ.

Đỗ Hải - Minh Chiến
Đồ họa: Minh Phúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hlv-riedl-qua-goc-nhin-cua-nguoi-lai-xe-post1129765.html