Hình thức xử lý đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác?

Bạn đọc Danh Hòa ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hình thức xử lý đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

* Bạn đọc Đỗ Đình Thắng ở xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định của pháp luật nghiêm cấm công dân đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với những công việc nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 12 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Cụ thể như sau:

a) Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;

b) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;

c) Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;

d) Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-rích, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh;

đ) Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;

e) Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);

g) Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hinh-thuc-xu-ly-doi-voi-toi-xam-pham-cho-o-cua-nguoi-khac-708798