Hình thành các trung tâm mới của đô thị Hà Nội

Đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn là TP dịch vụ, hội nhập quốc tế, trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao,...

Chiều 9/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với UBND các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn tổ chức tọa đàm về các định hướng lớn Quy hoạch Thủ đô, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, chuyên đề liên quan đến phương án phát trển và tổ chức không gian kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện.

Còn nhiều điểm nghẽn

Báo cáo hiện trạng khu vực phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho biết, toàn khu vực rộng khoảng 631 km2, dân số khoảng 1 triệu người. Theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (QHC 1259) xác định khu vực sẽ phát triển vùng đô thị tại hai huyện Đông Anh – Mê Linh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là trung tâm giáo dục và đào tạo. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông đường Vành đai 4. Khu vực nông thôn của các huyện là hành lang xanh, vành đai xanh và nêm xanh.

Trong khu vực có sân bay Nội Bài, hệ thống khu cụm công nghiệp. Khu vực có ga đường sắt trung tâm Bắc Hồng; một số công trình hạ tầng kỹ thuật như Khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang… Đây cũng được xác định là vùng du lịch gắn với núi Sóc.

Triển khai thực hiện QHC 1259 từ năm 2011 đến nay, khu vực này còn những điểm nghẽn, đó là sự liên kết và kết nối vùng, kết nối hai bên sông Hồng còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Dự án tạo việc làm và dự án chiến lược đã hoạch định nhiều nhưng chưa triển khai, chưa hình thành.

Các dự án chậm triển khai, dự án treo theo mô hình khu ở dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển. Tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều vấn đề. Nguồn lực đầu tư phát triển và chính sách phát triển chưa có đột phá

Định hướng phát triển là TP dịch vụ, hội nhập quốc tế

Trên cơ sở phân tích hiện trạng, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn là TP dịch vụ, hội nhập quốc tế; Trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích văn hóa, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

Về định hướng phát triển không gian, điều chỉnh mở rộng không gian phát triển trên toàn bộ lãnh thổ huyện Đông Anh; một phần phía Tây đường Vành đai 4; một phần phía bắc thị trấn Sóc Sơn. Khai thác cải tạo các tuyến sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Thiếp, đầm Vân Trì, sông Ngũ huyện Khê là không gian cảnh quan đô thị. Xây dựng đô thị năng động gắn với sân bay, mở rộng sân bay theo định hướng quy hoạch quốc gia.

Sơ đồ phát triển không gian vùng phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn

Cùng đó, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc trục xuyên Á, trục Nhật Tân – Nội Bài, tạo dựng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế, kết nối toàn cầu. Phát triển đô thị theo mô hình TOD, thông minh, gắn với hệ thống giao thông công cộng.

Ngoài ra, hình thành các trung tâm mới của đô thị, của khu vực và quốc tế (trung tâm hợp tác quốc tế, KCN kỹ thuật cao, trung tâm chuyển giao công nghệ mới, trung tâm tài chính giao th ương quốc tế, trung tâm vui chơi giải trí). Phát triển các khu thể thao quốc gia, cấp quốc tế. Bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử gắn với hoạt động du lịch. Phát triển các khu vực nông nghiệp gắn chất lượng cao gắn với khai thác du lịch. Bảo vệ tuyết đối hệ sinh thái rừng Sóc Sơn.

Đánh giá rõ về hiện trạng để định hướng phát triển

Góp ý vào phương án phát triển 3 huyện, chuyên gia, lãnh đạo các huyện đều cho rằng, để có định hướng phát triển phù hợp, có tầm nhìn dài hạn, bền vững, đơn vị tư vấn cần đánh giá rất rõ về hiện trạng và xác định nguồn lực để phát triển khu vực này.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu góp ý tại tọa đàm

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, khu vực 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch quan trọng của TP, với định hướng 2 cụm du lịch trọng điểm là núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa và nằm trên một trong 2 tuyến vành đai du lịch quan trọng của TP là vành đai sông Hồng.

Do đó, Sở Du lịch đề xuất đơn vị tư vấn quan tâm nghiên cứu địa điểm thuận lợi, ưu tiên các quỹ đất rộng (từ 50 - 100ha) phát triển các tổ hợp dịch vụ - du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, như tổ hợp thể thao gắn với du lịch (khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn), tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao gắn với khai thác du lịch (huyện Mê Linh, Sóc Sơn), tổ hợp mua sắm outlet (huyện Sóc Sơn, Đông Anh)…

Về đề xuất cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần xác định Đông Anh là trung tâm của TP phía Bắc sông Hồng. Về phân bố không gian nên giữ nguyên, không có điều chỉnh, động lực phát triển là hai trục Nhật Tân – Nội Bài và Vành đai 4. Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng đề xuất phát triển, chuyển hóa khu vực đất bãi sông Hồng theo hướng sinh thái, du lịch, thể dục thể thao…

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh đề nghị, TP phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn cần được định hướng là đô thị loại 1, hoặc đô thị đặc biệt trong Thủ đô. Riêng với quy hoạch đô thị Đông Anh trên cơ sở 3 tiêu chí: xanh, ngầm, công cộng. Về kinh tế chú trọng phat triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Ngoài 3 vùng kinh tế tư vấn đưa ra, huyện đề xuất bổ sung vùng ngoài bãi sông Hồng với hơn 2 nghìn ha để phát triển đô thị sinh thái.

Đưa ra đề xuất về phương án phát triển địa phương, Chủ tịch huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho rằng, đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ hơn thực trạng địa bàn các huyện. Trong đó, Sóc Sơn là huyện đặc thù giáp với 4 huyện của 4 tỉnh đang có tốc độ phát triển rất mạnh trong khi đó huyện còn nhiều hạn chế do thiếu quy hoạch, thiếu cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư. Do đó, mong muốn đơn vị có những đánh giá rõ những hạn chế về quy hoạch tại 3 huyện, để có cơ chế giúp 3 huyện phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, khi mở rộng sân bay Nội Bài huyện sẽ phải di dời lượng lớn dân cư, cần tư vấn đánh giá những tác động của các dự án quốc gia ảnh hưởng đến địa bàn. Về du lịch huyện có cảnh quan núi Sóc, rừng, hồ, đề xuất nghiên cứu kinh tế đêm tại khu vực này...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Sau khi nghe ý kiến đề xuất của lãnh đạo các huyện, sở ngành và chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các huyện, đơn vị tư vấn bám sát yêu cầu của khung định hướng quy hoạch để thống nhất trong việc đưa ra định hướng phát triển cho các huyện. Đồng thời, thể hiện rõ hơn và sâu hơn những yếu tố mới, đột phá, tầm nhìn dài hạn và khát vọng trong phát triển của từng địa phương.

Về nhiệm vụ xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô, trong đó có TP tại khu vực phía Bắc sông Hồng (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, mô hình này được xác định sẽ là nguồn lực, động lực trong tương lai của Hà Nội. Do đó, các đơn vị cần nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao với sứ mệnh đem lại động lực mới, nguồn lực mới không chỉ cho 3 huyện mà cho cả thành phố và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hinh-thanh-cac-trung-tam-moi-cua-do-thi-ha-noi.html