Hiệu trưởng chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kì ở tiểu học

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hướng dẫn các Phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22 và sơ kết học kì I cấp tiểu học năm học 2016-2017 tại văn bản 1792/SGDĐT-GDTH, ngày 6/12.

Theo hướng dẫn này, Hiệu trưởng chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kì. Tuy nhiên, để có sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đảm bảo sự khách quan, chất lượng của đề kiểm tra, Sở GD&ĐT khuyến kích các trường thực hiện việc ra đề kiểm tra theo phương án: Đề kiểm tra do giáo viên chủ nhiệm soạn (giáo viên chuyên ngành soạn các môn Ngoại ngữ, Tin học,…), sau đó nộp về Tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn chọn lọc và gửi cho Ban Giám hiệu từ 2 đến 3 đề (trừ trường hợp đặc biệt khi trường chỉ có 1 lớp/khối thì chỉ cần gửi 1 đề). Ban Giám hiệu sẽ chịu trách nhiệm duyệt đề và chọn lại 2 đề (1 đề chính thức và 1 đề dự phòng) làm đề kiểm tra cho khối.

Đề kiểm tra cần chính xác, khoa học, đánh giá được kết quả thực chất của học sinh; đảm bảo phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh và yêu cầu giảm tải theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT.

Đề kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

Mức 1: Nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kỹ năng đã học;

Mức 2: Hiểu kiến thức, kỹ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân;

Mức 3: Biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống;

Mức 4: Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt;

Câu lệnh trong đề kiểm tra cần tường minh, chặt chẽ, khoa học. Phần hướng dẫn chấm phải chi tiết, rõ ràng từng câu và có đáp án chính xác. Đáp án phải phù hợp với yêu cầu của lệnh đề. Coi trọng sự tiến bộ của học sinh trong học tập và rèn luyện.

Chấm bài kiểm tra, theo quy định của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Giáo viên không được tùy tiện nâng điểm, hạ điểm khi chấm bài làm của học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-truong-chi-dao-viec-ra-de-kiem-tra-dinh-ki-o-tieu-hoc-2678010-v.html