Hiệu quả từ việc cải tiến bể lọc nước phèn

NDĐT - Trăn trở với những khó khăn của nhân dân do khan hiếm nguồn nước sạch để sử dụng tại các xã vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ông Cổ Thế Hành, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Định Quán đã mày mò, nghiên cứu nhiều năm liền và đưa ra giải pháp cải tiến bể lọc nước phèn được nhiều hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng rộng rãi.

Từ thực tiễn cuộc sống Sinh năm 1962, tại Gio Linh, Quảng Trị, ông Hành tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm, ngành chế biến gỗ năm 1985. Sau đó về công tác tại huyện Định Quán. Sống trong vùng nước nhiễm phèn nặng ở ấp Hòa Trung xã Ngọc Định nên điều trăn trở lớn nhất của ông là làm sao có nước sạch để gia đình và bà con nơi đây sử dụng sinh hoạt. Từ suy nghĩ đó, ông Hành đã bắt tay tiến hành nghiên cứu cải tiến bể lọc nước phèn truyền thống với mục đích nâng cao chất lượng, tính hiệu quả và giá thành thấp để mọi nhà đều có thể làm được. Suốt nhiều năm liền tìm tòi và thử nghiệm đủ cách, hằng ngày, cứ sáng sớm đi làm, chiều về ông lại vào bể hì hục với các phương án thiết kế cho đến tận khuya. Cuối cùng, sau nhiều lần thất bại, ông đã thử nghiệm thành công phương pháp lọc nước phèn bằng cát trong bể. Với một bể lọc nước 2,5m3, ông Hành chia ra làm hai ngăn, một ngăn chứa nước bị nhiễm phèn thể tích 1,15m3 và ngăn hai chứa nước đã lọc từ ngăn một 1,35m3. Tại ngăn chứa nước phèn ông cho xây thêm một ô chứa cát kích thước cao 0,4m, rộng 0,3m, dài 1m giáp với vách của ngăn hai. Trong đó, vách xây ô chứa cát không tô vữa xi măng, nhằm tận dụng triệt để nước thấm qua cát. Theo ông Hành, khi cho cát vào ô này, nhất thiết phải rửa cát thật sạch và nén cát lại thật kỹ. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình lọc nước, bởi nước phèn vào ngăn một sẽ thấm qua ô cát này để chảy qua ngăn hai qua ba ống nhựa có đường kính 2,7cm (được làm dưới lớp cát) theo nguyên tắc bình thông nhau và phèn sẽ được ngăn giữ lại tại ô chứa cát này. Qua thực tế ứng dụng cho thấy, bể lọc nước với kích thước trên có công suất lọc nước được 720 lít/giờ. So với các phương pháp bể lọc truyền thống cùng quy mô trước đây, phương pháp này có tốc độ lọc nước nhanh hơn từ 40 đến 50 lần. Đặc biệt, sau một năm sử dụng, chỉ cần tiến hành rửa cát một lần với thời gian chỉ mất nữa tiếng đồng hồ. Ông Hành cho biết: “Có bốn cái mới của bể lọc này là ít tốn cát, giá thành rẻ, vật liệu sẵn có dễ tìm, tốc độ lọc nhanh đủ để gia đình sử dụng trong sinh hoạt gia đình hằng ngày”. Áp dụng vào thực tế Sinh sống lâu năm với nghề sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Phạm Văn Huề ngụ tại ấp 6, xã Suối Nho, huyện Định Quán là một trong nhiều hộ dân tại đây đã áp dụng giải pháp của ông Hành vào thực tế. Những năm trước đây, nguồn nước giếng của ông cũng như mọi người trong vùng bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong trong chăn nuôi. Cuối năm 2009, nghe mọi người nói về giải pháp của ông Hành, thấy chi phí không tốn kém là mấy, ông đã tiến hành xây bể và hiệu quả đem lại ngoài cả sự mong đợi của ông. Ông Huề vừa hướng dẫn cách lọc nước phèn vừa nói với chúng tôi, “Kinh phí để đầu tư xây dựng một bể lọc nước phèn theo phương pháp cũ khá cao, trung bình từ vài triệu đồng trở lên, các gia đình nơi đây thường không có khả năng làm. Bên cạnh đó, phương pháp lọc truyền thống sử dụng nhiều thứ như: cát, sỏi, than… nhược điểm là tốc độ nước chảy chậm, sau một thời gian sử dụng vệ sinh bể lọc mất nhiều thời gian và công sức. Dẫn đến chất lượng nước càng ngày càng giảm. Sau khi áp dụng phương pháp của ông Hành, chi phí tốn kém chỉ hơn một triệu, nhưng ngược lại, chất lượng nước bảo đảm, phèn trong nước giảm rất nhiều. Tôi cũng như nhiều người ở đây rất yên tâm sử dụng”. Ưu điểm của phương pháp cải tiến của ông Hành là ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Đặc biệt có thể áp dụng trên quy mô lớn. Trường mầm non Phú Hiệp, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán là trường có quy mô khá lớn với khoảng 400 cháu, vì vậy nhu cầu sử dụng nước sạch để phục vụ cho các cháu trong sinh hoạt trong những năm qua là hết sức bất thiết. Cùng với việc xây dựng cơ sở trường lớp, năm 2003 nhà trường cũng đã đầu tư khoan giếng và lắp đặt thêm bồn chứa nước. Thế nhưng từ đó đến năm 2008, nguồn nước từ giếng khoan này không sử dụng được vào bất cứ công việc gì do bị nhiễm phèn rất nặng. Cuối năm 2008, khi được phòng giáo dục huyện giới thiệu về giải pháp lọc nước phèn của ông Hành, nhà trường nhanh chóng áp dụng và đã xử lý phèn hiệu quả. Từ nguồn nước váng phèn vàng ố, sau khi lọc đã cho nước sạch hơn và trong hơn. Cô Nguyễn Thị Biên, Phó hiệu trưởng trường mầm non Phú Hiệp cho biết: “Do lúc trước không có xây dựng bể lọc này thì nguồn nước phèn nhà trường không sử dụng được. Nhưng từ khi xây dựng hệ thống lọc nước mới thì nước trong hơn và tạo cho nhà trường có nguồn nước sạch để cung cấp cho các cháu làm vệ sinh, cho nước sinh hoạt hàng ngày. Nói chung, bể lọc xây dựng theo phương pháp của ông Hành mang lại hiệu quả cao, đồng thời rất dễ áp dụng dù bất cứ địa hình nào cũng có thể xây dựng được”. Nói về cải tiến của mình, ông Hành cho rằng, “Nói chung phương pháp lọc này thì cũng dân gian thôi nhưng mà có hiệu quả là ít tốn công, có một bể sẵn rồi mình chỉ cần cải tạo lại. Cái quan trọng là phải làm cho nó kỹ về cát, ống ra phải nghiên cứu cho vừa độ thoát nước, chứ nếu thoát ra nhiều quá thì phèn sẽ chảy qua. Sau khi nghiên cứu xong bể này, tôi cảm thấy rất hài lòng. Hài lòng ở chỗ giá thành rẻ, thứ hai là nguồn nước sạch đảm bảo cho người sử dụng”. Sáng kiến dân dã nhưng hiệu quả của ông Cổ Thế Hành đã vượt qua nhiều đề tài nghiên cứu khác để đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai vừa qua. Giải pháp của ông được đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như hiệu quả ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Đặc biệt, đề tài của ông rất được nhiều hộ gia đình, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa áp dụng vào thực tế để tìm nguồn sạch sử dụng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/khoa-h-c/khoa-h-c/hi-u-qu-t-vi-c-c-i-ti-n-b-l-c-n-c-phen-1.275450