Hiệu quả từ nhóm kết nối chỉ huy đơn vị với gia đình

Nhiều đơn vị trong toàn quân đã tổ chức các nhóm zalo kết nối đơn vị với gia đình chiến sĩ, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc tổ chức, hoạt động của các nhóm này cần bảo đảm chặt chẽ để tránh lộ lọt thông tin và vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội trong Quân đội. Trang Ý kiến chiến sĩ ghi nhận, phản ánh thực tế tại một số đơn vị thuộc Quân khu 9.

Trung đoàn 152, Quân khu 9 là đơn vị đóng quân ở một xã đảo, vì thế, người thân chiến sĩ ít có điều kiện thăm con em mình. Từ thực tế này, khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cán bộ các trung đội đã tìm hiểu thông tin nhân thân rồi điện thoại hỏi thăm gia đình, vận động cung cấp thông tin, số điện thoại để tiện liên lạc bằng cách tạo nhóm zalo kết nối với thân nhân chiến sĩ.

Ngoài cán bộ trung đội, người thân chiến sĩ, các nhóm zalo còn có cán bộ đại đội để kịp thời nắm bắt thông tin, giải đáp thắc mắc của gia đình chiến sĩ. Theo Đại úy Trần Trọng Nguyên, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152: “Chúng tôi còn tạo điều kiện cho chiến sĩ liên lạc với người thân bằng video call vào giờ nghỉ. Những giải pháp này giúp các gia đình ít có điều kiện đi thăm chiến sĩ gần gũi, đồng cảm với nhau, đồng thời xích lại gần đơn vị hơn. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp chiến sĩ thoải mái tư tưởng, gia đình thêm an tâm khi con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị”.

Người thân thăm chiến sĩ mới ở Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9. Ảnh: ĐÌNH MINH

Thiếu úy QNCN Nguyễn Hoàng Em, thợ sửa chữa của Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 (Quân khu 9) hiện đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 13, Trung đội 5, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, chia sẻ: “Năm 2024 là năm đầu tiên tôi đảm nhiệm cương vị này. Theo chủ trương của đơn vị, chúng tôi thành lập nhóm zalo “Nhóm gia đình chiến sĩ” của Trung đội 5. Nhờ có nhóm này mà chúng tôi đã thông báo kịp thời đến người thân chiến sĩ mọi chế độ được hưởng, quy định của đơn vị, nhất là chế độ bảo hiểm y tế, thời gian lên thăm bộ đội... Bên cạnh đó, trong giờ nghỉ, chúng tôi còn chụp những khoảnh khắc vui vẻ, sinh hoạt đời thường của chiến sĩ gửi về cho người thân, tạo sự kết nối để họ yên tâm”.

Từ thông tin cập nhật trong nhóm zalo “Nhóm gia đình chiến sĩ” của Trung đội 5, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, chị Lâm Thị Hạnh, quê ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, mẹ của Binh nhì Trần Chí Nhân, chiến sĩ Tiểu đội 14, Trung đội 5, rất yên tâm về tinh thần phấn đấu của con trai.

Đến đơn vị thăm con vào dịp cuối tuần gần đây, chị Lâm Thị Hạnh chia sẻ: “Nhờ chỉ huy đơn vị hướng dẫn thông qua nhóm zalo nên tôi nắm chắc thông tin về giờ giấc lên thăm và các loại đồ dùng không được mang vào đơn vị. Chỉ huy đơn vị cũng đã gửi video, hình ảnh hoạt động của bộ đội... làm tôi rất yên tâm. Lên đơn vị tôi mới thấy các con trưởng thành, chững chạc thế nào, đơn vị chính quy ra sao... Tôi thấy hoạt động của nhóm zalo này rất thiết thực”.

Theo Trung tá Nguyễn Bá Lương, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, mỗi trung đội thuộc đơn vị đều có một nhóm zalo với tên gọi “Nhóm gia đình chiến sĩ” để kịp thời thông báo đến người thân chiến sĩ các chế độ được hưởng; môi trường học tập, rèn luyện tốt; con em mình luôn mạnh khỏe, trưởng thành, tạo niềm tin để bà con tuyên truyền ở địa phương về hình ảnh tốt đẹp của đơn vị, góp phần tạo thuận lợi hơn trong các đợt tuyển quân, huấn luyện những năm tiếp theo. Đồng thời, qua sinh hoạt, giao ban..., Tiểu đoàn quán triệt bộ đội chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng internet, tham gia mạng xã hội trong Quân đội, không để lộ lọt thông tin bí mật quân sự và ảnh hưởng đến thời gian quản lý, huấn luyện.

Cụ thể, Công văn số 04/CT-BVAN ngày 4-1-2021 của Cục Chính trị Quân khu 9 về tăng cường giáo dục quân nhân chấp hành nghiêm quy định khi tham gia mạng xã hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị: “Quán triệt cho mọi quân nhân về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet. Thực hiện nghiêm quy định về việc sử dụng điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình trong đơn vị, đặc biệt là đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ. Trong huấn luyện, diễn tập, chỉ huy đơn vị phải chấp hành và thực hiện đúng mọi quy định của trên về việc ghi âm, ghi hình; bảo đảm an toàn, chống lộ lọt thông tin”.

Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm với các đơn vị khi triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn, phù hợp này.

THANH HUY

--------------------------------

Có thể nhân rộng

Cũng như các đơn vị thuộc Sư đoàn 312, Quân đoàn 12, nhiều năm trở lại đây, từ cấp đại đội, tiểu đoàn trong Trung đoàn 209 đã được cấp các loại máy điện thoại Homephone kèm theo sim miễn cước của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) để bộ đội liên lạc với gia đình, người thân vào giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Chúng tôi thấy đây là chủ trương rất đúng đắn, thiết thực, giúp hạ sĩ quan, chiến sĩ thuận lợi trong việc liên lạc với bố mẹ, vợ con... mà hoàn toàn miễn cước phí.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 đọc báo trong giờ nghỉ. Ảnh: NGỌC LÂM

Để thực hiện tốt chủ trương này, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chính trị và các đơn vị quán triệt cho hạ sĩ quan, binh sĩ nắm các quy định của trên về thời lượng được gọi trong tháng, thời gian, địa điểm sử dụng điện thoại và phải đăng ký vào sổ chặt chẽ việc nghe, gọi điện thoại của bộ đội nhưng vẫn bảo đảm quyền riêng tư của quân nhân. Từ khi thực hiện chủ trương trên, việc kết nối giữa đơn vị và từng quân nhân với gia đình được thường xuyên hơn.

Hạ sĩ quan, binh sĩ được trao đổi, nói chuyện với gia đình, người thân nhiều hơn trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ. Đồng thời, việc quản lý nghe, gọi điện thoại tập trung giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của hạ sĩ quan, binh sĩ, xác định chính xác biện pháp quản lý tư tưởng, giáo dục phù hợp.

Gần đây, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, mạng xã hội, nhiều đơn vị đã lập các nhóm zalo để liên lạc, trao đổi thông tin với gia đình chiến sĩ. Chúng tôi thấy đây cũng là mô hình hay, cần được nhân rộng, lan tỏa, giúp tạo thuận tiện trong trao đổi thông tin với gia đình, nâng cao hiệu quả phối hợp giáo dục, quản lý chiến sĩ.

Trung tá PHẠM VĂN KỲ (Chính ủy Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12)

--------------------------------

Hiệu quả thiết thực và những điều cần lưu ý

Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã có nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, giáo dục, nắm bắt tình hình tư tưởng bộ đội, nhất là chiến sĩ mới. Trong đó, đơn vị đã lập nhóm zalo để chủ động phối hợp với gia đình chiến sĩ trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình hậu phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục bộ đội. Theo đó, Trung đoàn đã chỉ đạo mỗi trung đội lập một nhóm zalo kết nối với gia đình các chiến sĩ.

Bộ đội Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Hằng ngày, đồng chí trung đội trưởng gửi thông tin, hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của chiến sĩ, sinh nhật đồng đội, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tọa đàm, diễn đàn... vào nhóm zalo để phụ huynh các chiến sĩ biết; hằng tuần sẽ thông báo kết quả huấn luyện, rèn luyện của các chiến sĩ.

Đối với những chiến sĩ có dấu hiệu dao động về tư tưởng, hiệu quả công tác thấp, đồng chí trung đội trưởng trao đổi riêng với phụ huynh các đồng chí đó để nắm bắt tư tưởng và phối hợp giáo dục. Ngoài ra, trước khi lên thăm con em, các phụ huynh có thể đăng ký qua nhóm zalo để đơn vị tạo điều kiện sắp xếp cho chiến sĩ gặp gia đình...

Việc lập nhóm zalo kết nối với gia đình chiến sĩ thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong nắm, quản lý tư tưởng, kỷ luật của bộ đội. Nhiều vấn đề như gia đình chiến sĩ gặp khó khăn đột xuất, người thân ốm đau, chiến sĩ gặp trắc trở trong chuyện tình cảm hay những tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ... được gia đình phản ánh kịp thời. Bên cạnh đó, việc đơn vị thường xuyên thông báo tình hình, đăng tải một số hình ảnh hoạt động sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được thông tin, động viên con em mình yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, để nhóm zalo kết nối hậu phương hoạt động hiệu quả, đúng định hướng, điều quan trọng là cần phải bồi dưỡng cho đồng chí trung đội trưởng (trưởng nhóm) nắm chắc những kỹ năng xử lý tình huống, lựa chọn thông tin, hình ảnh cung cấp cho phụ huynh, tránh để lộ lọt bí mật quân sự; không đưa những hình ảnh phản cảm, nội dung không rõ ràng, hình ảnh không đúng tác phong quân nhân lên mạng...

Đồng thời, chỉ huy đại đội, tiểu đoàn cần quan tâm tạo mọi điều kiện cho cán bộ trung đội đăng tải thông tin, tiếp nhận, trả lời ý kiến của các phụ huynh, tạo niềm tin để phụ huynh chia sẻ thông tin với đơn vị; phân công chỉ huy tham gia theo dõi, giám sát hoạt động nhóm zalo của các trung đội để vừa bảo đảm thông tin phù hợp, vừa không để lộ lọt bí mật quân sự.

Trung tá TRẦN VĂN TƯ (Chính ủy Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4)

--------------------------------

Có kế hoạch cụ thể để thông tin hiệu quả

Để tiện liên lạc, phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục chiến sĩ, đơn vị chúng tôi thành lập các nhóm zalo với tên gọi “zalo kết nối hậu phương”.

Tôi thấy đây là một kênh rất hiệu quả để liên lạc, cập nhật tình hình gia đình cũng như kết quả rèn luyện của chiến sĩ. Thông qua các nhóm “zalo kết nối hậu phương”, chúng tôi thông tin kết quả huấn luyện, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của chiến sĩ trong đơn vị; biểu dương những đồng chí tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo được áp dụng trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, những trường hợp tiết kiệm tiêu dùng cá nhân dành tiền phụ cấp gửi về gia đình, nhặt được của rơi trả người bị mất, sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc ốm đau cũng như khi thực hiện nhiệm vụ...

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) chơi thể thao trong giờ nghỉ. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Những thông tin này góp phần giúp người thân của các chiến sĩ hiểu hơn về môi trường quân ngũ và sự trưởng thành của con em mình; tuyên truyền sâu rộng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối với các chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ, thông qua nhóm zalo giúp từng đồng chí thường xuyên được trao đổi, chia sẻ với người thân, vơi đi nỗi nhớ nhà, bỡ ngỡ trong những ngày đầu xa gia đình. Từ những nội dung trò chuyện, trao đổi cũng giúp chỉ huy đơn vị nắm được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của các chiến sĩ và gia đình để có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Việc thường xuyên trao đổi thông tin, hình ảnh của đơn vị với gia đình chiến sĩ có nhiều ưu điểm, song cũng dễ dẫn đến lộ lọt bí mật quân sự như hoạt động huấn luyện, diễn tập, vũ khí, trang bị kỹ thuật... Để phát huy ưu điểm, hạn chế mặt trái, đơn vị chú trọng giáo dục, quản lý bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật, đồng thời xây dựng kế hoạch cung cấp thông tin với nội dung, hình ảnh, thời gian cụ thể và được cấp trên phê duyệt.

Thượng úy PHẠM KHẮC CƯƠNG (Chính trị viên Đại đội 14, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-tu-nhom-ket-noi-chi-huy-don-vi-voi-gia-dinh-770831