Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Các chương trình tín dụng chính sách tại các địa phương đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn chính sách cũng đã trở thành 'điểm tựa' giúp các hộ vay vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân trực tiếp nhận nguồn vốn giải ngân ưu đãi ngay tại điểm giao dịch xã tại tỉnh Bắc Ninh.

"Đòn bẩy" về vốn

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là "đòn bẩy" để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Ninh đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Công tác cho vay vốn được hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.

Giai đoạn 2020-2023, nguồn vốn ưu đãi của chi nhánh đã góp phần giúp hơn 20.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 2.800 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho hơn 34.000 lao động từ vốn giải quyết việc làm; xây dựng hơn 100.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 1,2% năm 2020 xuống còn 0,75% năm 2023 và là một trong các tỉnh, thành có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay theo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả tích cực. Đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Hiện nay, chi nhánh đang triển khai cho vay ưu đãi 14 chương trình tín dụng, theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Ở cấp cơ sở là các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các tổ chức chính trị-xã hội.

Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp các xã, phường, thị trấn. Từ các buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, các chủ trương, chính sách của Nhà nước được phổ biến công khai, việc bình xét cho vay minh bạch và dân chủ. Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao.

Gia đình anh Trần Văn Đợi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách.

Những mô hình sản xuất hiệu quả để thoát nghèo

Từ những "điểm tựa" về vốn, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Về thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Trần Văn Đợi, dân tộc Cơ Tu, ở thôn A Giai, xã Thượng Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), từ 40 triệu đồng được Hội Nông dân huyện hỗ trợ, gia đình anh được NHCSXH huyện Nam Đông cho vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với lợi thế đất vườn rộng rãi, anh Đợi đầu tư trồng 1 ha bưởi da xanh với hơn 90 gốc.

Sau 6 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bưởi da xanh phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Từ đó, anh Đợi mạnh dạn mua thêm 3 con bò giống và hơn 100 con gà để nuôi lấy thịt. Hiện nay, lợi nhuận trung bình từ mô hình nuôi trồng kết hợp đạt gần 100 triệu đồng/năm.

Cũng như anh Đợi, gia đình anh Hồ Văn Hôi ở thôn A Gôn, xã Thượng Long trước đây thuộc diện hộ nghèo. Từ khi biết nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện, anh đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để đầu tư vào xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Từ đó, gia đình có thu nhập ổn định, mạnh dạn thoát nghèo.

Ngoài ra, nhiều mô hình kinh tế đã trở thành thế mạnh của địa phương có vay vốn từ NHCSXH. Một trong các mô hình trên được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận "Nhãn hiệu tập thể" đó là Cam Nam Đông, xây dựng mô hình trồng quế, mô hình chăn nuôi bò sinh sản mà UBND huyện đang triển khai.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW hàng năm, nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện Nam Đông để ưu tiên cho vay đầu tư và chăm sóc cây cam, quế, bò. Đến nay, nguồn vốn để thực hiện đề án trên là 6.250 triệu đồng và hiện có hơn 50 hộ đã vay để thực hiện mô hình.

NHCSXH huyện Nam Đông đang quản lý 16 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ đạt 311.871 triệu đồng, hơn 5.200 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, gần 2.500 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 154.225 triệu đồng, chiếm 49,4%/tổng dư nợ…

Mô hình nuôi dế thịt, cung cấp trứng dế và làm các dịch vụ cho nghề nuôi dế của ông Vinh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hay như mô hình "Nuôi dế thương phẩm", sau gần 10 năm thực hiện, ông Trần An Vinh ở xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đã có thu nhập tốt. Tổng doanh thu mỗi lần xuất bán dế thịt; cung cấp trứng dế, thức ăn; thu mua dế thương phẩm... đạt 70 triệu đồng/tháng.

Năm 2013, ông Trần An Vinh là hội viên nông dân thuộc Chi hội nông dân ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận đã mạnh dạn học hỏi nghề nuôi dế và các dịch vụ đi kèm nghề nuôi dế. Cái duyên đến với nghề nuôi dế xuất phát từ việc gia đình ông Vinh rất thích ăn món dế rang, ông luôn yêu cầu vợ đi chợ sớm để có dịp mua dế đồng để ăn.

Sau nhiều lần vợ đi chợ mà không còn dế để mua, nhận thấy nhu cầu thị trường cao đối với dế thương phẩm, từ đó ông đã nghĩ đến việc nuôi dế. Ông tìm đến các trang trại dế ở tỉnh Long An để học tập kỹ thuật và mua 1 khay trứng dế về nuôi. Với một khay trứng dế, sau 35 ngày nuôi dưỡng, ông Vinh đã thu hoạch được 3 kg dế thịt và có thêm 03 khay trứng.

Từ quá trình nuôi rút ra kinh nghiệm và được Hội Nông dân xã Lợi Thuận hướng dẫn vay vốn NHCSXH huyện Bến Cầu số tiền 40 triệu đồng chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, ông Vinh đã mở rộng diện tích và chỉnh trang chuồng trại, tăng lồng nuôi để tăng đàn. Từ thành công ban đầu, ông đã hướng dẫn các hội viên nông dân kỹ thuật nuôi và thành lập Tổ hợp tác nuôi dế do ông làm Tổ trưởng (với 13 thành viên) và hoạt động có hiệu quả cho đến nay.

Hiện ông đã phát triển được 30 lồng nuôi, mỗi lồng có chiều rộng 2 m dài 3 m chuồng, cao 0,5 m; bình quân 1 tháng ông xuất khoảng 1,5 tấn dế thương phẩm. Ngoài ra ông còn trang bị thêm 02 xe tải nhẹ để thu mua dế thương phẩm của các hội viên nông dân các địa bàn huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng với số lượng 15 tấn dế thịt/tháng để cung cấp ra thị trường tại TPHCM, Long An, Đồng Nai,…

Hiện mô hình nuôi dế của ông Vinh có đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, không yêu cầu sức lao động lớn, có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập. Đặc biệt, do thích nghi với thời tiết mùa hè, nên trong những thời điểm nắng nóng, cây trồng vật nuôi khó phát triển, thì dế vẫn sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. Đây là mô hình chăn nuôi tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nên cần được áp dụng học tập và nhân rộng.

BT

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hieu-qua-tu-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-102240502144245954.htm