Làm rõ kết quả đầu ra của từng chính sách

Tại Kỳ họp thứ Bảy khai mạc sáng mai (20.5), Quốc hội sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng. Đây không phải lần đầu tiên hai địa phương này được Quốc hội xem xét, quyết định cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Với Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này là sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Còn với tỉnh Nghệ An, trước đó, vào năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đây có thể xem là một thuận lợi cơ bản khi Quốc hội xem xét, quyết định hai dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Bảy, nhưng đồng thời, cũng đặt ra thách thức lớn bởi để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội thì các cơ chế, chính sách mới được đề xuất phải thực sự đích đáng, thực sự tạo được động lực, sức bật mới cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An, qua đó tác động lan tỏa đối với sự phát triển của vùng, khu vực và cả nước.

Tại Phiên họp thứ 33 vừa qua, kết luận với từng dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Quốc hội. Đây cũng là những vấn đề căn cốt cần được các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá, xem xét kỹ lưỡng tại Kỳ họp thứ Bảy.

Trong đó, với Đà Nẵng là việc cho phép thành phố quyết định nguồn vay trong nước và ngoài nước trong tổng số vay sẽ tác động như thế nào đối với điều hành chung vay nợ quốc gia, đúng định hướng vay nợ, bảo đảm tỷ trọng vay nợ trong nước và ngoài nước của quốc gia. Hay việc không đưa vào Nghị quyết việc giao Chính phủ nghiên cứu cơ chế chính sách thí điểm phát triển Trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng; việc giao cho Chính phủ chủ động ban hành chính sách; danh mục ngành nghề ưu đãi để thu hút đầu tư; các chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh thực hiện quy định về thuế tối thiếu toàn cầu; quy định về miễn trừ trách nhiệm đối với thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; tính hiệu quả và khả năng quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với khu thương mại tự do; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan trong ban hành, thực thi chính sách…

Với Nghệ An, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cần đánh giá thêm ảnh hưởng, hạn chế của các chính sách, mức độ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố để đề xuất hợp lý, khả thi, cân đối lợi ích mang lại không chỉ riêng cho tỉnh Nghệ An mà còn trong khu vực, vùng và đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, nhất là các chính sách tăng chi, giảm thu ngân sách trung ương, hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương. Hay với chính sách cho các dự án BT, cần rà soát để quy định rõ thêm tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quyết định đầu tư các dự án này; đánh giá kỹ tác động để có quy định về điều kiện được thực hiện, bảo đảm cân đối ngân sách, quyền lợi của người dân…

Việc có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là cơ chế đột phá, vượt trội áp dụng cho một số địa phương trong bối cảnh hiện nay là cần thiết bởi mỗi địa phương có tầm nhìn, phương hướng phát triển và “sứ mệnh” riêng trong tổng thể phát triển chung của đất nước. Việc kiểm nghiệm trong thực tiễn một số cơ chế, chính sách như vậy cũng sẽ giúp đánh giá chính xác hơn hiệu quả, tác động và khả năng áp dụng chung cho cả nước để quyết định có luật hóa được hay không hoặc luật hóa ở mức độ nào.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương vừa qua cũng luôn trên tinh thần "cả nước vì địa phương, địa phương vì cả nước". Do vậy, để các cơ chế, chính sách đặc thù được triển khai hiệu quả nhất, đạt tối đa các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng, khu vực và cả nước thì đúng như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải làm rõ kết quả đầu ra của từng chính sách, đặc biệt là các chính sách mới. Từng chính sách phải có điều kiện bảo đảm để được thực hiện, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư; không trái với Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội, đời sống nhân dân.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/lam-ro-ket-qua-dau-ra-cua-tung-chinh-sach-i372183/