Hiệu quả từ Dự án 3 Chương trình 1719 ở Mường Trà

Từ tháng 5/2023, một số hộ đồng bào DTTS ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã bỏ cây lúa năng suất, giá trị thấp để chuyển sang liên kết với Hợp tác xã (HTX) trồng cây bí xanh.

Tham gia chuỗi liên kết, trong vụ đầu, các hộ được vốn của Dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ từ 90 - 95% chi phí giống, phân bón, vật tư. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân góp đất sản xuất, tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Lợi nhuận thu được được chia theo tỷ lệ người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận, hợp tác xã hưởng 40%.

Đến nay, mô hình liên kết trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1 đã cho 10 đợt thu hoạch. Mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Ông Lò Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mươn phấn khởi chia sẻ, nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giúp xã thực hiện được một nhiệm vụ rất khó, đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây cũng là mô hình chuyển đổi sản xuất đầu tiên của xã, mang lại lợi nhuận cao cho bà con.

Đầu tư vào sản xuất là cách tốt nhất để thúc đẩy tiến trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phương Liên

Ở huyện Mường Chà, ngoài xã Mường Mươn, Dự án trồng Bí xanh còn được thực hiện tại xã Ma Thì Hồ. Tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 1,210 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết, Mường Chà là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, gần 95% dân số là đồng bào DTTS. Nền kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Vì thế, làm thế nào để tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong huyện.

Ở Mường Chà, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân, các xã được trao quyền chủ động tự lựa chọn những nội dung nào cần làm trước, nội dung nào cần làm sau, mức độ làm đến đâu cho phù hợp. Với đặc thù của huyện miền núi, sinh kế của đại đa số đồng bào các dân tộc đều nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên các xã đều tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án liên quan trực tiếp đến sản xuất, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, bởi đây chính là cách tốt nhất để gia tăng năng lực sản xuất cho đồng bào - chìa khóa quan trọng nhất thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Qua 3 năm thực hiện Chương trình nói chung, Dự án 3 nói riêng, một bài học kinh nghiệm nữa được huyện Mường Chà rút ra là phải thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Người dân được đề xuất nguyện vọng Nhà nước hỗ trợ trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả, liên kết với doanh nghiệp, HTX nào, tỷ lệ phân chia lợi nhuận sau liên kết...

Tuy vậy, để thu hút được sự tham gia của người dân thì công tác tuyên truyền vận động quần chúng luôn được huyện Mường Chà coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thông qua tuyên truyền để làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình. Đó chính là yếu tố quyết định thành công của quá trình đưa Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vào thực tiễn đời sống và sản xuất.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hieu-qua-tu-du-an-3-chuong-trinh-1719-o-muong-tra-post277956.html