Hiệu quả trong xét tuyển

Mấy ngày sau khi các trường đại học công bố điểm xét tuyển đợt một, chị Nga, một phụ huynh học sinh ở tỉnh miền trung thấy con gái xem điểm xong đầy lo lắng: - Con đăng ký xét tuyển nguyện vọng một Trường đại học Sư phạm nhưng trường đưa ra mức điểm xét tuyển quy chuẩn và không quy chuẩn cho nên không biết mình đỗ hay trượt mẹ ạ.

- Sao lại có điểm quy chuẩn và không quy chuẩn? Chị Nga thắc mắc. - Nhà trường công bố ngành Sư phạm Tin học điểm không quy chuẩn là 27 nhưng quy chuẩn lại chỉ 12,75 điểm. Trong khi đó, ngành Giáo dục mầm non điểm không quy chuẩn 18,5 nhưng điểm quy chuẩn cũng vẫn 18,5 điểm. Cả 15 ngành của trường đều có điểm xét tuyển kỳ lạ như vậy đấy ạ! Thấy khó hiểu, chị Nga vội gọi điện tới phòng đào tạo và được giải thích do trường đại học đưa ra cách tính điểm ưu tiên môn chính nhân hệ số theo ngành đào tạo. Con gái chị được 21 điểm chắc chắn trúng tuyển. Mặc dù vậy, chỉ đến khi nhận được giấy báo trúng tuyển của trường, chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Trường hợp của chị Nga không phải là hiếm trong kỳ tuyển sinh năm nay. Mặc dù, theo cách tính điểm thi của trường đại học Sư phạm, các ngành đều có điểm chuẩn từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (15,5 điểm) trở lên. Tuy nhiên, với cách tính điểm trúng tuyển lòng vòng, khó hiểu để đưa ra điểm quy chuẩn một số ngành là 12,75 điểm không khỏi khiến các thí sinh và phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Những năm gần đây, thực hiện Luật Giáo dục đại học, các trường đại học đã được tự chủ khá nhiều, trong đó có vấn đề tuyển sinh. Tuy nhiên, một số trường đã đưa ra những phương án mang tính kỹ thuật chuyên môn sâu trong xét tuyển để thí sinh phải “đau đầu” mà không biết mình trúng tuyển hay không. Trong tuyển sinh, các trường càng minh bạch, đưa ra những cách xét tuyển đơn giản mà vẫn hiệu quả thì càng nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Cần hạn chế những phương pháp gây bối rối cho thí sinh và gia đình, tạo nên những lo lắng không cần thiết.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33783402-hieu-qua-trong-xet-tuyen.html