Hiệu quả trong quản lý và bảo vệ nguồn nước sạch ở vùng cao Lào Cai

Một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 là nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được triển khai xây dựng, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tâm xã Bản Lầu. Ảnh: Thúy Phượng

Nước sinh hoạt hợp vệ sinh có vai trò quan trọng đối với sức khỏe người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu 98%, tiếp đến năm 2030 đạt 100% người dân sẽ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, có 50% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Do vậy, chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai đã tích cực trong việc bảo vệ nguồn nước và đưa nước sạch về vùng cao.

Là xã rẻo cao ở cửa ngõ biên giới huyện Mường Khương, Bản Lầu có đường biên giới Việt -Trung dài 13,5km. Xã Bản Lầu có diện tích tự nhiên gần 6.000ha, 11 dân tộc anh em sống đan xen ở 21 thôn, bản. Toàn xã có hơn 1.400 hộ với 6.140 nhân khẩu. Trong đó, có 800 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao.

Hiện, xã Bản Lầu có 10 công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đã có một số công trình xuống cấp hoặc không sử dụng được. Nguyên nhân là do không được quản lý, bảo dưỡng kịp thời như công trình cấp nước tại thôn Đồi Gianh đã ngưng hoạt động. Các hộ dân ở đây phải dùng bơm, lấy nước giếng về sử dụng, chất lượng không đảm bảo. Anh Tráng Dìn Diu, ở thôn Đồi Giang cho biết: “Nguồn nước giếng ở đây cũng không đảm bảo vệ sinh cho gia đình. Người dân chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ tạo nguồn nước sạch sinh hoạt cho gia đình”.

Để khắc phục tình trạng này, xã Bản Lầu đã ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ nước sạch Lào Cai để tiện quản lý, khai thác vận hành được tốt hơn. Nhờ đó, 5 công trình được đầu tư sau này đã hoạt động hiệu quả. Nước sạch hợp vệ sinh được dẫn về từng hộ gia đình. Vì vậy, gia đình ông Chấu Seo Tỏa ở thôn Na Lim không phải đi xa lấy nước về. Được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân ai cũng mừng, vì nước về đến tận nhà, phục vụ bà con ăn, uống, tắm giặt. Ông Tỏa vui vẻ nói: “Bây giờ đã có nguồn nước sạch, người dân sử dụng không còn lo bệnh đến nữa. Chúng tôi rất vui, biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống”.

Có nguồn nước sạch sử dụng hợp vệ sinh, chất lượng sống của người dân vùng cao sẽ ngày càng được nâng cao. Ảnh: Thúy Hạnh

Đến nay, xã Bản Lầu có trên 80% số hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, trên 43% được sử dụng nước sạch. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, ông Nguyễn Văn Mão cho biết: “Từ khi giao khoán cho công ty nước sạch đi vào quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp, các công trình hoạt động rất hiệu quả, người dân được sử dụng nước đảm bảo chất lượng và ổn định, nhất là công tác dịch vụ rất nhiệt tình, nên được người dân ủng hộ”.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, việc sử dụng nước không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da, giun sán và suy dinh dưỡng ở trẻ em..., gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, chính quyền địa phương đã vận động người dân tham gia di chuyển khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa nguồn nước sinh hoạt, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Cùng với đó, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng đến giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt hiệu quả. Đồng thời, nhằm duy trì các công trình nước sạch, đảm bảo hiệu quả và bền vững, tỉnh thường xuyên tăng cường truyền thông, nâng cao, bảo dưỡng, duy tu các công trình nước sạch, giúp đồng bào dân tộc được tiếp cận với nguồn nước đảm bảo, thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh làng, bản. Tới đây, với cách làm phù hợp, các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao xã Bản Lầu được tiếp tục xây dựng. Có thêm một công trình nước sạch, là có thêm một niềm vui, sức khỏe cho những người dân vùng cao này.

Nước sạch đem đến cho người dân sức khỏe ngày một tốt hơn. Khi môi trường sống được cải thiện sẽ tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, góp phần tạo điều kiện cho người dân vùng biên cùng lực lượng chức năng giữ gìn và bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-trong-quan-ly-va-bao-ve-nguon-nuoc-sach-o-vung-cao-lao-cai-post473420.html