Hiệu quả sử dụng vốn vay và nợ công: Nhìn từ sự lựa chọn dự án

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, “nếu lấy trần nợ công hiện nay tương đương 61,3% GDP như báo cáo của Bộ Tài chính chia cho trên 93 triệu dân hiện nay, thì mỗi người dân đang “cõng” khoảng 30 triệu đồng nợ công - tương đương 1.500 USD”. Nợ công nước nào cũng có, vấn đề đặt ra nếu chúng ta không sử dụng hiệu quả đồng vốn đi vay, dẫn đến làm ăn thua lỗ, trong khi cả lãi, lẫn nợ nước ngoài vẫn phải trả đều, gánh nặng nợ nần của quốc gia sẽ gia tăng!

Lỗ, vẫn phải trả nợ!

Cách đây 4 - 5 năm, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, cùng với Nhà máy Nhiệt điện, thì dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được coi là bước đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh này. Thế nhưng, kể từ khi đưa vào hoạt động, từ năm 2012 đến nay Nhà máy này liên tục bị thua lỗ. Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vanchem) làm chủ đầu tư có số vốn 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng), nhưng vốn tự có của Vinachem cho dự án chỉ 100 triệu USD.

Sau khi đàm phán, Vinachem quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer của nước này làm tổng thầu thực hiện dự án. Ngân hàng Eximbank Trung Quốc (ngân hàng xuất nhập khẩu) được ủy thác cho vay, lãi suất vay 4%/năm, thời hạn vay 15 năm. Với lãi suất vay được cho là ưu đãi như vậy, mỗi năm dự án này phải trả cho đối tác trên 500 tỉ đồng, chưa kể tiền khấu hao tài sản. Vì vậy, để cứu dự án này, vừa qua, Vinachem đã trình Chính phủ đề nghị có các biện pháp về ưu đãi thuế...

Nhà máy đạm Ninh Bình đang “sống dở, chết dở” bởi thua lỗ liên tục.

Nguyên nhân dẫn đến sự đầu tư thiếu hiệu quả của đạm Ninh Bình theo nhận định của các chuyên gia cũng như phía Vinachem là do “cả yếu tố khách quan và chủ quan”. Nếu như trước năm 2012 giá urê trên thị trường thế giới là 430 USD/tấn, nay chỉ còn 230 USD/tấn. Đặc biệt, nguồn cung thời gian qua lớn (Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động, Đạm Hà Bắc mở rộng...) trong khi tổng nhu cầu của Việt Nam chỉ khoảng 2,2 triệu tấn/năm (trong khi công suất nhà máy 560 ngàn tấn/năm), nên sản phẩm của Đạm Ninh Bình có gặp khó khăn trong tiêu thụ. Không bán được hàng tồn kho nhiều, lỗ chồng lên lỗ.

Đầu tư quy mô dự án quá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ nhỏ đã dẫn đến những hệ lụy như trên đã đành, song còn một vấn đề mà các chuyên gia cũng như các cơ quan hoạch định chính sách đang rút kinh nghiệm trong quá trình đàm phán đi vay, cụ thể: Với vay ODA có luật bất thành văn phía đi vay phải chấp nhận để bên cho vay chọn các doanh nghiệp của họ làm tổng thầu, doanh nghiệp của bên vay chỉ làm thầu phụ. Còn đối với các dự án vay qua Eximbank (của bên cho vay) phải chấm nhận thêm cam kết phải sử dụng công nghệ của nước nọ, nhà thầu của họ, thậm chí cả công nhân nước họ. Nghĩa là bên cho vay thì nhận được tiền lãi hằng năm, đồng thời họ lại xuất khẩu được cả công nghệ, doanh nghiệp họ lại trúng thầu, còn bên đi vay hầu như chỉ có mặt bằng để đặt nhà máy. Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình là ví dụ. Chính vì thế, trong cơn bĩ cực, đạm Ninh Bình vẫn phải gồng mình trả lãi suất 4%/năm.

Cùng với dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng, Dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng), đạm Ninh Bình là những dự án điển hình về đầu tư thiếu hiệu quả dẫn đến nợ công tăng lên!

Nợ không sợ bằng lựa chọn sai!

Theo nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tính đến cuối năm 2015, nợ công của chúng ta tương đương 61,3% GDP (nằm trong ngưỡng an), song nợ Chính phủ tương đương 50,3%, (vượt ngưỡng an toàn). Tính ra, mỗi người dân đang nợ 1.500 USD. Tới đây, nếu công tác đầu tư không được chấn chỉnh, nợ công sẽ còn tăng cao.

Trong thông điệp sau lễ nhậm chức Thủ tướng tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề có tính cấp bách đặt ra với Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 là không được sử dụng lãng phí tiền của dân. Phải đầu tư hiệu quả để đưa nợ công về ngưỡng an toàn”. Thông điệp thể hiện sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng, các chuyên gia kinh tế và đông đảo người dân kỳ vọng tới đây, số nợ nước ngoài mà mỗi người dân phải gánh sẽ không còn tăng cao.

Để chấn chính công tác quản lý Nhà nước về đầu tư công nói chung và các dự án có vay nước ngoài nói riêng, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đầu tư công và đã có hiệu lực từ 1.1.2015. Tuy nhiên, làm thế nào để không còn xảy ra những “đại dự án” như gang thép Thái Nguyên mở rộng, đạm Ninh Bình dẫn đến hiệu quả đầu tư là con số không tròn trĩnh, nợ nước ngoài tăng cao, là vấn đề cần phải giải quyết.

Các chuyên gia cho rằng, để các dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều đầu tiên phải có dự án đánh giá khả thi về cung - cầu của thị trường. Cung - cầu ở đây cần tính đến những hệ lụy bất khả kháng từ thị trường thế giới để xem mình đầu tư có mang lại hiệu quả hay không. Ví như nhu cầu tiêu thụ phân lân Ure chỉ có vậy, nhưng các nhà đầu tư đã tính toán sai, dẫn đến công suất thiết kế nhà máy quá lớn. Hệ lụy cung - cầu không gặp nhau, sản phẩm làm ra tồn kho, lỗ chồng lên lỗ.

Tiếp đó, trong vấn đề chọn nguồn vốn vay, cương quyết không vay khi đối tác ủy quyền thông qua các ngân hàng xuất nhập khẩu của nước cho vay. Bởi như đã nói, khi đã vay qua ngân hàng này thì định chế đi kèm bao gồm ngoài lãi suất phải trả (dẫu lãi suất thấp) phải sử dụng nhà thầu, nguyên vật liệu, thậm chí công nhân của họ. Điều này dẫn đến việc, chỉ cần bên cho vay hay tổng thầu dùng “thủ thuật” tạo ra “trục trặc” kỹ thuật về chuyển giao công nghệ để đội giá, kéo dài thời gian thi công… thì sẽ dẫn đến đội vốn. Bài học nhãn tiền này đã được các nhà kinh tế cảnh báo đối với dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) và hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đang xin Chính phủ được phép tự làm dự án theo hình thức BOT thay vì để Bộ GTVT làm chủ đầu tư thông qua hình thức vay vốn như đạm Ninh Bình!

Trong thông điệp sau lễ nhậm chức Thủ tướng tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề có tính cấp bách đặt ra với Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 là không được sử dụng lãng phí tiền của dân. Phải đầu tư hiệu quả để đưa nợ công về ngưỡng an toàn”. Thông điệp thể hiện sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng, các chuyên gia kinh tế và đông đảo người dân kỳ vọng tới đây, số nợ nước ngoài mà mỗi người dân phải gánh sẽ không còn tăng cao. Chỉ dừng ở mức 1.500 USD/người như hiện nay, thậm chí còn giảm hơn nữa. Đồng thời, người dân sẽ không còn thấy những dự án như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên mở rộng…

H.P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-su-dung-von-vay-va-no-cong-nhin-tu-su-lua-chon-du-an-41469.html