Hiệu quả phong trào thi đua 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'

ĐTO - Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2021 đến nay, các chương trình giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, đời sống người dân.

Hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh nhận quà từ nguồn vận động các nhà hảo tâm do UBND xã Mỹ Hội thực hiện

NHIỀU MÔ HÌNH, CÁCH LÀM HAY

Giai đoạn 2021 - 2023, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua với nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội như: mô hình “Tổ hùn vốn”, “Mỗi Chi hội giúp ít nhất 1 hộ hội viên nghèo thoát nghèo”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Thi đua phụ nữ vượt khó khởi nghiệp”, được thực hiện rộng khắp đến các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh và được đông đảo hội viên, phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tỉnh đoàn, các cơ sở Đoàn thực hiện phong trào “Khởi nghiệp trong thanh niên”. Thông qua hoạt động phong trào giúp đỡ, hỗ trợ nhiều thanh niên (TN) phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đáng chú ý, các cơ sở Đoàn luôn tiên phong trong tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho TN ở nông thôn, TN khuyết tật, TN hoàn lương, TN xuất ngũ, TN đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, với nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả cao như: hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hằng năm, Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo tỉnh thực hiện phong trào thi đua “Vận động mạnh thường quân đóng góp chăm lo cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo”, đã vận động các tổ chức, cá nhân mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phương tiện (xe lăn, xe lắc), phẫu thuật tim, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ chi phí sản xuất, chăn nuôi, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, “Tết nhân ái”, “Tháng nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức, phát động, nhằm kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí, hàng hóa trợ giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các hoạt động công trình, phần việc từ thiện nhân đạo trợ giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn với tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Đồng Tháp bàn giao nhà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Hồng Ngự

TỶ LỆ HỘ NGHÈO GIẢM 0,73%/NĂM

Thông qua các chương trình, phong trào thi đua và công tác giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Việc thực hiện tốt các nhóm chính sách giúp người nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp nhận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Trong thời gian qua, các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thông suốt, giúp các đối tượng được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định. Qua đó, góp phần giúp nhiều hộ gia đình khó khăn ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất để tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các Đoàn giám sát, kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình. Qua giám sát giúp nắm bắt nhanh tình hình, kịp thời chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác triển khai thực hiện, phân bổ, tiến độ giải ngân nguồn vốn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”.

Thực hiện các chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, doanh số đạt trên 1.580 tỷ đồng, với hơn 37.600 hộ vay, đã cấp gần 278.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 87.000 lượt học sinh; hỗ trợ xây mới 2.030 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ dạy nghề cho gần 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện gần 30.000 lượt hộ nghèo.

Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa (huyện Tam Nông) tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi

Gia đình ông Phan Hoài Chúc Phương ở Ấp 5, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình trước đây kinh tế rất khó khăn, nhà ở tạm bợ, dột nát. Từ khi được địa phương xét tặng căn nhà tình thương, gia đình ông có chỗ ở ổn định, yên tâm phấn đấu lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Phan Hoài Chúc Phương, cho biết: “Nhờ Hội Nông dân xã giới thiệu, tôi vay được 30 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Có được nguồn vốn vay, cộng với tiền mượn từ cha mẹ 2 bên, tôi mạnh dạn thuê 30 công đất để trồng lúa, nhờ tiếp thu những kiến thức sản xuất từ các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân, vợ chồng tôi luôn dành thời gian thăm đồng, quá trình canh tác nên lúa trúng mùa, trúng giá. Bên cạnh đó, tôi còn xin vào làm công nhân tại Công ty Thủy sản Hoàng Long, vợ tôi còn làm thuê mùa vụ cho bà con trong xã. Qua hơn nửa năm phấn đấu và gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất, thu nhập gia đình ngày càng ổn định, tích lũy trả xong nợ vay ngân hàng, gia đình tôi xin thoát nghèo. Hiện thu nhập bình quân đầu người của gia đình tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống cơ bản ổn định vợ chồng tốt phấn đấu nuôi các con ăn học đàng hoàng”.

Qua thực hiện các phong trào thi đua, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2023 là 0,73%/năm theo quy định chuẩn nghèo của Chính phủ; thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2023 tăng lên 1,3 lần so với năm 2020. Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, có hơn 9.600 hộ đã thoát nghèo, quy mô hộ nghèo giảm 57%.

NGUYỄN LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-phong-trao-thi-dua-vi-nguoi-ngheo-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau--119322.aspx