Hiệu quả phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh cần được làm rõ với các tiêu chí cụ thể

Đây là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 được Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 15/11/2016 tại TP Hồ Chí Minh.

Cục trưởng Cục IV Phạm Trọng Đạt đã thông tin PACA INDEX 2016. Ảnh: NG

Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của 28 tỉnh, thành khu vực phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ.

Thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Cục trưởng Cục IV Phạm Trọng Đạt đã thông tin đến các đại biểu về kết quả ban đầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng khi áp dụng bộ công cụ PACA INDEX 2016, với đối tượng là UBND cấp tỉnh, thành trong cả nước. Đây là công cụ hiệu quả để khắc phục hiện tượng đánh giá chung chung đã xảy ra trong thời gian qua khi thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Đến nay, đã có 62 tỉnh, thành hoàn thành báo cáo về áp dụng bộ công cụ PACA INDEX 2016, chỉ có UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là chưa có báo cáo. Là cơ quan chuyên trách của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực này, Cục IV tổ chức hội nghị này với mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp khách quan, công tâm, có tinh thần xây dựng để phát huy hiệu quả bộ công cụ PACA INDEX 2016, với những tiêu chí cụ thể nhằm công bố công khai kết quả phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành.

Lãnh đạo các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của 28 tỉnh, thành khu vực phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ tham gia hội nghị. Ảnh: NG

Tại hội nghị, các đại biểu đã được cán bộ Cục IV thông báo quá trình xây dựng phương pháp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng với các tiêu chí mới. Đó là sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch và phê duyệt PACA INDEX, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị tập huấn các bước triển khai, lập hồ sơ, xây dựng báo cáo và chấm điểm cho cán bộ thanh tra các tỉnh, thành phố.

Trong quá trình triển khai, Cục IV đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, thiết lập cơ chế hỏi đáp điện tử để hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc, đồng thời lập 3 tổ công tác tới các tỉnh, thành phố để đôn đốc, hướng dẫn xây dựng hồ sơ, báo cáo đánh giá.

Kết quả, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố đã hoàn chỉnh báo cáo đánh giá gửi Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố, Thanh tra Chính phủ đã hoàn chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 đối với UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh tra các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ tham dự hội nghị. Ảnh: NG

Nhiều ý kiến của lãnh đạo thanh tra các tỉnh, thành tại hội nghị đã đánh giá cao PACA INDEX 2016. Tuy nhiên do đây là năm đầu tiên thực hiện, bộ chỉ số nhiều, phức tạp có liên quan đến nhiều đơn vị, thời gian thực hiện ngắn nên việc triển khai còn chậm, chưa có sự phối hợp chăt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong việc đánh giá, tự đánh giá và tổng hợp điểm số, tài liệu chứng minh còn chưa đầy đủ và kịp thời… Vì vậy, một số đại biểu đã kiến nghị Cục IV cần hướng dẫn cụ thể hơn những tiêu chí xây dựng hồ sơ đánh giá, xây dựng báo cáo, chấm điểm để hạn chế độ sai lệch giữa địa phương và kết quả thẩm định lại của Bộ, ngành.

Kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục IV Phạm Trọng Đạt đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các tỉnh, thành phố trong công tác xây dựng báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 theo PACA INDEX 2016.

Những kiến nghị, đóng góp của các đại biểu sẽ được Cục IV nghiên cứu, rà soát đánh giá lại hiệu quả của việc thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh nhằm điều chỉnh các tiêu chí, các công thức tính và hướng dẫn chi tiết các địa phương trong việc xây dựng hồ sơ, tài liệu, báo cáo hoàn chỉnh báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng để hạn chế hiện tượng hình thức trong phòng, chống tham nhũng.

Ngọc Giang - Cảnh Nhật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/hieu-qua-phong-chong-tham-nhung-cap-tinh-can-duoc-lam-ro-voi-cac-tieu-chi-cu-the_t114c1059n112074