Hiệu quả kinh tế từ trồng bươỉTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch

Người dân xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn chăm sóc bưởi

– Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng bưởi và chú trọng sản xuất theo hướng an toàn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Trong những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã tập trung mở rộng diện tích trồng bưởi và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và sản xuất cây ăn quả Nhật Tiến (HTX), xã Nhật Tiến đã triển khai sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Báo, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, các hộ trồng bưởi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng bưởi chưa cao. Đến năm 2017, HTX được thành lập với các thành viên là các hộ đã trồng bưởi trước đó. Năm 2018, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn trồng bưởi theo quy trình VietGAP với diện tích 25 ha. Qua đó, các thành viên đã áp dụng vào sản xuất, quả bưởi có mẫu mã đẹp hơn, được nhiều thương lái tìm mua. Trung bình mỗi năm, sản lượng bưởi của HTX đạt hơn 700 tấn, thu về trên 7 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 520 ha bưởi, trong đó có hơn 400 ha đang cho thu hoạch, năng suất trong hai năm trở lại đây đạt 86 đến 90 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.900 tấn. Để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi, hằng năm, phòng tổ chức 10 đến 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, trong đó có nội dung về kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi. Hiện nay, chúng tôi tuyên truyền, khuyến khích người dân chú trọng áp dụng sản xuất bưởi theo hướng an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng.

Được biết, trước đây, người dân chỉ trồng những giống bưởi thường phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bưởi tăng, cùng với đó, nhận thấy đồng đất phù hợp để trồng bưởi, cây sinh trưởng, phát triển tốt, người dân đã chủ động đưa những giống bưởi có chất lượng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Bởi vậy, không chỉ có huyện Hữu Lũng, tại các huyện khác trong tỉnh, người dân cũng đưa cây bưởi vào trồng, đem lại hiệu quả kinh tế. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, diện tích cây bưởi của toàn tỉnh hiện đạt hơn 1.480 ha, trong đó có trên 940 ha đã cho thu hoạch. Trong hai năm trở lại đây, năng suất bưởi đạt từ 70,8 đến 72,6 tạ/ha, sản lượng đạt trên 6.800 tấn.

Để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi, trong 5 năm trở lại đây, các cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGAP với diện tích 398,5 ha tại các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng. Cùng đó, cơ quan chuyên môn tuyên truyền người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bưởi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đánh giá của phòng chuyên môn các huyện có diện tích bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP (huyện Chi Lăng, Hữu Lũng) cũng như các hộ dân thực hiện mô hình, chất lượng quả bưởi thực hiện theo quy trình VietGAP được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Ông Trịnh Sơn Nam, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2010, tôi trồng 0,5 ha bưởi Diễn, lúc đó, tôi chỉ chăm sóc theo phương pháp truyền thống, mẫu mã quả chưa đẹp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ năm 2017, tôi tham gia mô hình sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã quan tâm, chăm sóc bưởi theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất bưởi ổn định, quả bưởi có mẫu mã đẹp hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn, giá bán cũng cao hơn. Từ khi triển khai mô hình VietGAP đến nay, mỗi năm, tôi thu được hơn 80 triệu đồng từ trồng bưởi sau khi đã trừ chi phí.

Theo các hộ trồng bưởi, sau 3 năm trồng, cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi cây cho thu từ 60 đến 70 quả, cây sai nhiều cho thu từ 150 đến 250 quả. Trong 3 năm trở lại đây, nhiều hộ đã tính toán thời điểm ra hoa cũng như thời điểm cho thu hoạch quả để phục vụ đúng dịp tết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Các hộ cũng đã chủ động sử dụng túi bọc bưởi để giảm thiểu tác hại của mưa, gió gây thối, rụng bưởi, hạn chế ánh nắng mặt trời làm cháy rám quả bưởi, hạn chế sâu bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng quả. Trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ đã có thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm từ trồng bưởi.

Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Việc phát triển sản xuất theo hướng an toàn giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai điều tra, phát hiện sâu bệnh hại, đưa ra các văn bản hướng dẫn chăm sóc cây ăn quả nói chung, trong đó, có cây bưởi để người dân áp dụng vào sản xuất.

Thời điểm này, các hộ trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện những công đoạn cuối cùng như: dọn cỏ, cắt tỉa chồi non, tưới nước dinh dưỡng, bỏ túi bọc quả để quả hấp thu ánh nắng cho mẫu mã đẹp hơn và chờ ngày thu hái quả, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số vườn bưởi đã có thương lái đến đặt hàng với mức giá trung bình đạt từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg.

CẨM HÀ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/461955-hieu-qua-kinh-te-tu-trong-buoi.html