Hiểu đúng về nội dung đọc hiểu văn học

Câu hỏi đọc hiểu là một kiểu dạng khá mới mẻ được đưa vào đề thi THPT quốc gia nên chưa được cụ thể hóa thành một bài học riêng trong chương trình Ngữ văn THPT.

Dạng này cũng không có nhiều tài liệu, bài viết chuyên sâu để tham khảo. Nó chưa “lộ diện” thành một bài cụ thể trong sách giáo khoa, hơn nữa kiến thức đọc hiểu nằm rải rác trong chương trình học môn Văn từ cấp THCS đến THPT.

Chính vì thế mà không ít giáo viên ôn thi THPT quốc gia tỏ ra lúng túng khi hướng dẫn học sinh làm bài. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng, kết quả bài thi của học sinh.

Trong văn học thực tế dạng câu hỏi đọc hiểu rất phong phú, đa dạng. Lý thuyết đọc – hiểu nằm ở diện rộng rải rác từ chương trình học ngữ văn THCS (lớp 6,7,8,9) đến ngữ văn THPT (lớp 10,11,12). Ngữ liệu có thể nằm trong chương trình sách giáo khoa và cả ngoài sách giáo khoa.

Quan niệm về đọc hiểu

Đọc hiểu là hoạt động cơ bản của con người để chiếm lĩnh văn hóa. Khái niệm đọc hiểu (comprehension reading) có nội hàm khoa học phong phú có nhiều cấp độ gắn liền với lí luận dạy học văn, lí thuyết tiếp nhận tâm lí học nghệ thuật, lí thuyết giao tiếp thi pháp học, tường giải học văn bản học …

Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe.

Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống. Hiểu là phải trả lời được các câu hỏi Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào?

Đọc hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng- sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt. Mục đích trong tác phẩm văn chương, đọc hiểu là phải thấy được: Nội dung của văn bản; mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng; ý đồ, mục đích.

Thấy được tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm; giá trị đặc sắc của các yếu tố nghệ thuật; ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản; thể loại của văn bản, hình tượng nghệ thuật…

Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản thông qua khả năng tiếp nhận của học sinh. Đọc hiểu là tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật.

Với quan điểm phát huy vai trò chủ thể của học sinh, xuất phát từ đặc thù của văn chương (nghệ thuật ngôn từ), mà vấn đề đọc hiểu văn bản ngày càng được quan tâm .

Văn bản đọc hiểu

Trong chương trình Ngữ văn của Việt Nam nêu hai loại văn bản để dạy đọc hiểu, đó là: Văn bản văn học và văn bản nhật dụng. Trong đó các văn bản được sếp theo tiến trình lịch sử hoặc theo thể loại. Các văn bản văn học đa dạng hơn các văn bản nhật dụng. Hai loại văn bản này cũng chính là các ngữ liệu để học sinh khai thác.

Thực tế cho thấy văn bản đọc hiểu nói chung và văn bản đọc hiểu trong nhà trường nói riêng rất đa dạng và phong phú. Có bao nhiêu loại văn bản trong cuộc sống thì có bấy nhiêu loại được dạy trong nhà trường.

Điều đó cũng có nghĩa là văn bản Đọc hiểu trong các đề thi rất rộng. Đề thi có thể là văn bản các em đã được tiếp cận, đã được học, hoặc cũng có thể là văn bản hoàn toàn xa lạ.

Từ năm 2014 Bộ GD&ĐT đưa phần đọc hiểu vào đề thi môn Ngữ văn đã đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh. Việc làm này có tác động tích cực đến quá trình rèn khả năng tiếp nhận văn bản đọc hiểu của các em.

Vấn đề đọc hiểu môn Ngữ văn trong nhà trường THPT

Nhằm phát huy khả năng chủ động tiếp cận văn bản của học sinh, từ đề thi Tốt nghiệp năm 2014 Bộ GD&ĐT chính thức đưa câu hỏi Đọc hiểu vào đề thi. Khi có quyết định nhiều học sinh, các thầy cô tỏ ra lung túng vì cho rằng đây là vấn đề hoàn toàn mới mẻ.

Nhưng thực chất bản chất của vấn đề không hoàn toàn mới. Vì hoạt động đọc hiểu vẫn diễn ra thường xuyên trong các bài giảng văn. Các thầy cô vẫn thường cho học sinh tiếp cận văn bản bằng cách đọc ngữ liệu, sau đó đặt câu hỏi để học sinh trả lời, nghĩa là đang diễn ra hoạt động đoc hiểu.

Tuy nhiên giữa hoạt động đọc hiểu và dạng câu hỏi đọc hiểu có nét tương đồng và khác biệt. Nét tương đồng là phương thức tiếp cận văn bản là giống nhau: bắt đầu từ đọc rồi đến hiểu.

Còn nét khác biệt là Đọc hiểu trong dạy học văn nói chung là hoạt động trên lớp có sự định hướng của người thầy, còn câu hỏi đọc hiểu trong đề thi là hoạt động độc lập, sáng tạo của học sinh, nhằm đánh giá năng lực người học.

Hơn nữa những kiến thức trong dạng câu hỏi đọc hiểu rất phong phú, học sinh phải biết huy động những kiến thức đã học ở các lớp dưới để trả lời câu hỏi. Như vậy hoạt động đọc hiểu vẫn thường xuyên diễn ra trong môn Ngữ văn ở các nhà trường.

Đọc hiểu là quá trình thâm nhập vào văn bản với thái độ tích cực, chủ động. Đây là một năng lực cần thiết mà người học nói chung và học sinh THPT cần quan tâm.

Nếu chúng ta không có trình độ năng lực đọc thì hiểu đúng, đánh giá đúng văn bản. Không nắm vững, đánh giá được văn bản thì không thể tiếp thu, bồi đắp được tri thức và cũng không có cơ sở để sáng tạo. Vì thế vấn đề Đọc hiểu môn ngữ văn trong nhà trường là rất cần thiết.

Những vấn đề hướng tới của đọc hiểu trong trường THPT

Hiện nay đọc hiểu văn học trong nhà trường THPT thường hướng tới các vấn đề cụ thể sau:

Nhận biết đúng, chính xác về văn bản: Thể loại của văn bản (các phong cách ngôn ngữ như phong cách ngôn ngữ khoa học, báo chí, chính luận, nghệ thuật, hành chính, sinh hoạt); hiểu đề tài, nhan đề, chủ đề, tóm tắt được các nội dung của văn bản; hiểu các phương thức biểu đạt của văn bản (phương thức tự sự, biểu cảm, thuyết minh...); hiểu các thao tác lập luận (thao tác phân tích, bình luận, chứng minh, bác bỏ...)

Thông hiểu, đánh giá đúng văn bản: cCảm nhận được những đặc sắc, nổi bật của văn bản (từ ngữ, hình ảnh,chi tiết quan trọng, đặc sắc, các biện pháp tu từ...); hiểu được ý nghĩa hàm ẩn của văn bản, đánh giá được nội dung, ý nghĩa của văn bản bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình.

Vận dụng văn bản để giải quyết một vấn đề cụ thể: Liên hệ mở rộng một vấn đề nào đó từ văn bản bằng suy nghĩ, ý kiến của mình; vận dụng văn bản để trình bày phương hướng, biện pháp giải quyết một vấn đề cụ thể của cuộc sống, của xã hội.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hieu-dung-ve-noi-dung-doc-hieu-van-hoc-2367265-v.html