Hiểu bộ đội để giáo dục hiệu quả hơn

Năm 2024, Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ huấn luyện các chiến sĩ mới. Do đặc thù địa phương nên chất lượng chiến sĩ mới không đồng đều; hơn một nửa là con em các dân tộc thiểu số.

Để bảo đảm chất lượng huấn luyện đơn vị đã kết hợp nhiều biện pháp giáo dục; kết hợp giữa giáo dục chung và giáo dục riêng, lấy giáo dục riêng làm đột phá.

Tiểu đoàn 40 được Trung đoàn giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Giờ nghỉ giải lao sau buổi học điều lệnh đội ngũ, Thiếu tá Lê Thanh Tùng, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 tranh thủ trò chuyện, nắm bắt, động viên chiến sĩ mới Nguyễn Hữu Thương ở Tiểu đội 10, Trung đội 9, Đại đội 3. Thương là người dân tộc Mường, sinh ra tại thôn Thành Công, xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; em mồ côi cha từ khi còn nhỏ và phải sống với ông bà nội. Để sớm kiếm được tiền phụ giúp ông bà, Thương không thi vào trường đại học nào mà xin đi làm công nhân; với số tiền kiếm được mỗi tháng từ 6 đến 7 triệu đồng, em gửi về cho ông bà 2 phần, số tiền ít ỏi còn lại Thương phải chắt chiu tiêu dùng cho sinh hoạt cá nhân giữa đô thị đắt đỏ.

Nguyễn Hữu Thương tâm sự: “Khi có lệnh gọi nhập ngũ em chấp hành ngay, vì em nghĩ đây là trách nhiệm của mỗi công dân; vào Quân đội là cơ hội để bản thân được học tập, rèn luyện thêm. Em còn có ý định sau khi xuất ngũ, sẽ đăng ký học nghề để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm được ngành nghề phù hợp có thu nhập ổn định phụ giúp ông bà khi tuổi già. Mấy ngày đầu chưa quen cuộc sống trong quân ngũ nên cũng lo, nhưng được các anh cán bộ các cấp quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, động viên kịp thời nên chúng em nhanh chóng bắt nhịp với các quy định của đơn vị và nội dung huấn luyện".

Huấn luyện điều lệnh của Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa.

Trung sĩ Cẩm Bá Hải (người dân tộc Thái), Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 cho biết: "Ngoài chương trình học tại trường, trước mùa huấn luyện, chúng tôi đã được tập huấn kỹ trên các mặt công tác, đặc biệt là phương pháp huấn luyện và nắm bắt tư tưởng của chiến sĩ mới. Chiến sĩ trong tiểu đội tôi đến từ nhiều vùng, miền; văn hóa, nết ăn, nết ở khác nhau, nên tôi rất hiểu và chia sẻ với các đồng chí".

Được biết, để đội ngũ cán bộ sâu sát với bộ đội hơn, các đại đội đã bố trí cho cán bộ trung đội, tiểu đội thực hiện “4 cùng”: cùng ăn; cùng ở; cùng chia sẻ; cùng học tập, công tác với bộ đội. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, chiến sĩ có nhận thức chậm… từ đó kịp thời giúp đỡ, giải quyết những vướng mắc trong tư tưởng để chiến sĩ quen dần với nếp sống quân đội. Đặc biệt trong huấn luyện, người cán bộ phải sâu sát, kiên trì, tập đi, tập lại nhiều lần, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, giúp chiến sĩ vượt qua khó khăn cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ các cấp sâu sát quan tâm, động viên chiến sĩ khi ốm đau.

Nói về các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới, Trung tá Nguyễn Thọ Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 762 cho biết: “Năm 2024, đơn vị được Quân khu và Bộ CHQS tỉnh lựa chọn làm đơn vị điểm về huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Vì vậy Trung đoàn đã phát huy tối đa các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện; kết hợp hài hòa giữa giáo dục chung và giáo dục riêng; phát huy vai trò cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội...

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-bo-doi-de-giao-duc-hieu-qua-hon-768920