Hiệp hội Bất động sản TPHCM 'tố cáo' thủ phạm gây cơn sốt đất

Thủ phạm chính làm loạn thị trường và gây nên cơn sốt giá ảo là các đối tượng cò đất, không được cấp chứng chỉ môi giới. Những đối tượng này dùng thủ đoạn đổi tên, đổi chủ dự án, tự ý sửa quy hoạch và nâng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá của chủ đầu tư đưa ra để làm người mua nhầm lẫn.

Đất nền tại TP.HCM đang tăng giá mạnh - Ảnh minh họa

Cò đất bất chính thổi giá

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay thị trường bất động sản đã có hiện tượng sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, thậm chí có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Đơn cử như đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10-12 triệu đồng/m2.

Ông Châu cho rằng thủ phạm chính làm loạn thị trường và gây nên cơn sốt giá ảo là các đối tượng cò đất, không được cấp chứng chỉ môi giới. Những đối tượng này dùng thủ đoạn đổi tên, đổi chủ dự án, tự ý sửa quy hoạch của dự án bằng cách đưa thêm nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ để làm người mua nhầm lẫn. Ngoài ra, họ còn tự ý nâng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá của chủ đầu tư đưa ra.

Theo ông Châu, khách hàng chạy theo cơn sốt đất đã sập bẫy cò đất. Minh chứng là vừa qua, hàng trăm người dân mua đất tại hai dự án ở Nhơn Trạch và một dự án ở Trảng Bom (Đồng Nai) đã đến văn phòng HoREA để tố cáo công ty môi giới.

Ông Châu cũng nói rằng các đầu nậu núp bóng sau lưng các chủ đất để phân lô, bán nền là thủ phạm thứ hai làm loạn thị trường. Do đó, ông Châu đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp để quản lý đội ngũ này hoặc cũng để ngăn ngừa đầu nậu làm loạn thị trường như hiện nay.

Ngoài ra, việc tăng giá đất nền ở những khu vực này cũng là do thông tin bùng nổ về quy hoạch hạ tầng, thông tin từ huyện lên quận cũng khiến việc tăng giá lan rộng.

Đồng quan điểm với ông Châu, tại buổi tọa đàm về chủ đề tìm giải pháp ngăn chặn cơn sốt đất tại TP.HCM do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức diễn ra ngày 19.5, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Danh Khôi Á Châu cho rằng chính đội ngũ cò đất đã thiết lập nên nhiều mặt bằng giá mới cao hơn giá cũ và người mua phải tuân thủ theo giá mới.

“Giá đất tại khu Đông Tăng Long, quận 9 từ đầu năm 2016 chỉ ở vào khoảng 10-12 triệu đồng/m2, đến cuối năm đã tăng lên mức 15-17 triệu đồng/m2. Tương tự, hiện khu vực quận 9 giao dịch chủ yếu 20-24 triệu đồng/m2… Việc tăng giá như vậy đang gây hoang mang cho người mua, thậm chí có người cảm thấy hoảng sợ và không dám tham gia thị trường” ông Lâm nói.

Đặc biệt, ông Lâm còn chia sẻ hiện nay, ai cũng có thể làm môi giới bất động sản mà không có ràng buộc nào về mặt trách nhiệm. Vì vậy, ông Lâm kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải rà soát lực lượng này và có cách trị một cách hiệu quả hơn nữa.

Ăn theo cơn sốt hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho hay thông tin về hành chính, hạ tầng được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố đã khiến các cò đất dựa vào thổi giá lên thành sốt ảo. Do đó, TP.HCM cần phải có thông tin chính thức 2 chiều về quy mô dự án, tiến độ thực hiện... để người dân nắm được không chạy theo các tin đồn.

Trong khi đó, tại cuộc họp nhằm chấn chỉnh các thông tin đồn thổi, gây nên cơn sốt đất ảo đang diễn ra trên địa bàn TP.HCM do Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang chủ trì diễn ra ngày 19.5, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định có 4 nguyên nhân dẫn đến đất nền có tình trạng sốt giá ảo.

Thứ nhất là do các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP triển khai đồng bộ, xây dựng rất tốt, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Điều này đã tác động đến giá cả đất đai của khu vực lân cận.

Thứ hai là một số thông tin về dự án cụ thể ở huyện Cần Giờ, Củ Chi vừa qua xuất hiện trên truyền thông, cũng là một yếu tố gây sốt đất. Tuy nhiên, ông Khoa khẳng định việc xây dựng cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh chỉ mới chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Từ chủ trương cho đến triển khai còn nhiều quy trình phải làm, đó là chuyện trong tương lai.

Bên cạnh đó, thông tin các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn chuyển thành quận thì đến nay các địa phương này chưa đủ điều kiện. Do đó, ngay lập tức chuyển huyện thành quận là chưa có cơ sở.

Thứ ba là do năm 2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các quận huyện đã rà soát, điều chỉnh lại những quy hoạch bất cập, tức là những dự án “treo” lâu năm không triển khai được, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Khu đất bị quy hoạch “treo” sau khi điều chỉnh quy hoạch thì trở về giá trị thật.

Thứ tư là có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/hiep-hoi-bat-dong-san-tphcm-to-cao-thu-pham-gay-con-sot-dat-63496.html