Hiện vật & nỗi lo bảo quản

Kho bảo quản cho đến hệ thống trưng bày đều tận dụng lại từ công trình cũ được cải tạo lại nên không phù hợp với công năng bảo tàng; các trang thiết bị dù được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo quản hiện vật... là thực trạng mà Bảo tàng Mỹ thuật Huế - bảo tàng công lập thành lập được gần 5 năm qua, đang phải đối mặt. Nỗi lo an toàn cho hiện vật và mong ước có một kho bảo quản bài bản luôn được lãnh đạo đơn vị trăn trở.

Tham quan các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Nhiều hạn chế, khó khăn

Được thành lập vào cuối năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật Huế bao gồm ba không gian: Không gian trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi), Không gian trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (17 Lê Lợi, TP. Huế) và Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (vẫn chưa có địa điểm trưng bày).

Đến thời điểm này, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang trưng bày, lưu trữ, bảo quản hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật/hiện vật và tư liệu về mỹ thuật, gồm các loại hình: điêu khắc, hội họa, đồ họa và nghệ thuật đương đại (video art) với các chất liệu đồng, đá, nhôm, thạch cao, gốm, gỗ, thảm, vải, giấy, phim… Trong đó, gần 300 tác phẩm đang trưng bày, còn lại đang được lưu giữ, bảo quản ở kho cơ sở.

Hiện, bảo tàng có 2 loại kho lưu trữ. Kho có điều kiện nhiệt độ theo yêu cầu được bố trí trang thiết bị như máy hút ẩm, máy đo nhiệt độ và ẩm độ, máy điều hòa, hệ thống giá kim loại để đảm nhận lưu trữ các tác phẩm mỹ thuật/hiện vật được phân loại sắp xếp theo chất liệu tác phẩm, như: sơn dầu, giấy, lụa… Trong khi đó, kho ở điều kiện nhiệt độ bình thường chủ yếu là kho lưu trữ hiện vật bằng đồng, đá, gốm, nhôm, gỗ.

Ngoài ra, bảo tàng cũng đang áp dụng hai chế độ bảo quản thường xuyên và định kỳ. Công việc bảo quản tác phẩm, hiện vật luôn được triển khai thực hiện một cách khoa học và hợp lý, phù hợp với quy định bảo quản hiện vật bảo tàng. Quá trình bảo quản trải qua những bước như quan sát, nghiên cứu, phân tích đánh giá hiện trạng và nguyên nhân hư hại trên hiện vật. Tiếp đó, kiểm tra, thực hiện các phép thử cần thiết; xây dựng phương án, quy trình bảo quản hiện vật và lên kế hoạch thực hiện; thực hiện bảo quản, tu sửa hiện vật theo phương án, quy trình đã được phê duyệt.

Dù thế, nhưng theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, kho của bảo tàng hiện vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác lưu trữ tác phẩm nghệ thuật theo quy định.

Tổng diện tích kho của bảo tàng hơn 100m2 nhưng phải lưu trữ hơn 1.500 tư liệu, tác phẩm/hiện vật. Điều này dẫn đến khó thực hiện phân loại sắp xếp từng kho theo chất liệu, loại hình để đảm bảo điều kiện bảo quản về nhiệt độ, độ ẩm, cũng như các phương tiện kệ giá phù hợp cho việc sắp xếp tác phẩm, hiện vật một cách khoa học.

Cần hệ thống bảo quản bài bản

Với các không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật, chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn, thiếu các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tia cực tím… Vì thế các tác phẩm được bày biện ở đây phải chịu “áp lực” với nỗi lo hư hỏng, xuống cấp theo thời gian là khá lớn.

“Độ ẩm ở Huế khá cao, là điều kiện lý tưởng cho ẩm mốc phát triển. Điều này khiến hiện vật trưng bày có chất liệu dễ bị tác nhân gây hại như đồ dệt, giấy, tranh sơn dầu… hư hỏng nhanh, khó xử lý”, bà Trai cho hay.

Đối mặt với những nỗi lo đó, người đứng đầu Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho rằng, cần phải có khoản ngân sách để đầu tư hệ thống kho lưu giữ, bảo quản hiện vật, tiến hành cải tạo, mở rộng diện tích kho hiện vật đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu bảo quản đối với từng loại chất liệu hiện vật, hình ảnh, tư liệu. Hệ thống chiếu sáng hiện vật trưng bày, các loại máy đo tia bức xạ, ảnh sáng, bục kệ… cũng cần được nâng cấp.

Theo bà Trai, xa hơn trong tương lai hướng đến hoàn thiện tổ chức kho bảo quản một cách khoa học theo hướng kho mở, để vừa đảm bảo an toàn cho hiện vật, vừa phục vụ nghiên cứu, tra cứu hiện vật nhanh chóng, thuận tiện. Đáng chú ý, cần lập kế hoạch di chuyển hiện vật được ưu tiên theo thứ tự, đưa ra phương án, sơ đồ di chuyển hiện vật trước sự cố cháy, nổ, thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho tác phẩm cũng như phải kiểm soát an ninh, an toàn cho hiện vật trưng bày, đảm bảo không bị đánh cắp.

“Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác chuyên môn bảo tàng là yếu tố quan trọng nhất trong nguồn lực, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi bảo tàng”, bà Trai nhận định. Vì thế, bảo tàng tập trung đầu tư đào tạo chuyên môn thông qua những khóa tập huấn về nghiệp vụ bảo tàng, trong đó có công tác bảo quản hiện vật ở trong nước và nước ngoài.

Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/hien-vat-noi-lo-bao-quan-131079.html