Hiểm họa từ kính mắt không rõ nguồn gốc, chất lượng

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay nhiều loại kính thời trang, kính thuốc được bày bán tràn lan trên thị trường với giá cả, chất lượng như 'ma trận'. Điều ít ai biết rằng, đằng sau những chiếc kính này đang ẩn chứa các hiểm họa khôn lường.

Nhiều loại kính mắt không rõ nguồn gốc được bày bán tại khu vực chợ đêm phố cổ Hà Nội. (Ảnh Nhật An)

Anh Vũ Văn Tuấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh làm nghề lái xe ôm công nghệ, cho nên thường xuyên phải đeo kính để hạn chế ánh nắng và bụi. Anh cho biết, do gia đình khó khăn cho nên chỉ đủ tiền mua kính giá rẻ. Anh sử dụng một thời gian ngắn thì mắt bị lóa, khó định hình, đeo lâu thì mỏi mắt. Đi khám mắt bác sĩ cho biết anh đã bị loạn thị.

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Hữu Chinh, ở phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, con gái anh sử dụng điện thoại và máy tính khá nhiều để học online, vì thế mắt cháu nhìn không rõ như trước. Anh đã cho con đi đo mắt để cắt kính tại một cửa hàng trên phố Lê Duẩn (quận Đống Đa, Hà Nội), thì chủ cửa hàng kết luận cháu bị cận thị.

Điều đáng nói, sau một thời gian đeo loại kính này, mắt con anh Chinh nhìn ngày càng kém. Quá lo lắng, anh Chinh đưa con đến Bệnh viện Mắt trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, con anh đeo kính không đúng số dẫn tới mắt nhìn không rõ. Nếu cháu không được khám, điều trị sớm, đúng cách thì mắt có thể bị ảnh hưởng nặng hơn.

Dạo quanh nhiều tuyến phố ở Hà Nội, chúng tôi thấy nhiều điểm bán kính giá rẻ như: Chợ Đồng Xuân, chợ Sinh Viên, chợ Xanh, vỉa hè phố Giải Phóng, Nguyễn Xiển… la liệt các sạp hàng bán kính giá rẻ thu hút sự lựa chọn của khách hàng. Kính giả, kính nhái các thương hiệu nổi tiếng với mầu sắc, kiểu dáng đa dạng và nhất là có giá siêu rẻ. Trung bình giá bán từ 50.000 đến 80.000 đồng/chiếc, đắt hơn thì từ 150.000 đến 190.000 đồng/chiếc.

Thực tế cho thấy, nhiều người có nhu cầu mua, sử dụng kính mắt được bán trên vỉa hè như một món đồ trang sức hay vật dụng đeo đi làm hằng ngày, nhưng lại không lường được những nguy hại có thể gây ra. Ngỏ ý muốn mua kính về bán trên mạng, chúng tôi được chủ một cửa hàng kính mắt ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình giới thiệu, có thể cung cấp số lượng không giới hạn với bất cứ mẫu mã, từ kính cận thị, viễn thị đến kính mang thương hiệu thời trang lớn.

Tùy vào từng loại, chất lượng mà có giá thấp nhất là 20.000 đồng/chiếc, cao nhất khoảng 30.000 đồng/chiếc. Nếu muốn lấy loại rẻ hơn thì phải đặt trước, bởi loại này luôn "cháy hàng".

"Để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất kính mắt nhái các thương hiệu nổi tiếng có thể căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu hành vi vi phạm đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ Ðiều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mức phạt tiền cao nhất là 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và phạt tù đến 15 năm".

Luật sư NGÔ XUÂN PHÚC

(Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình)

Trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình, Phạm Huy Hiện, tại tỉnh có làng Lịch Động, thuộc xã Đông Các, huyện Đông Hưng, hầu hết cả làng đều lắp ráp, sản xuất, kinh doanh các loại kính mắt phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn và các tỉnh, thành phố lân cận.

Hằng năm, lãnh đạo Cục đều chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình thị trường, trong đó có mặt hàng kính mắt để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, các đơn vị của Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm hành chính năm cơ sở với số tiền xử phạt 26 triệu đồng.

Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất, mua bán các loại kính mắt nhập lậu, giả, nhái các thương hiệu lớn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thường xuyên phối hợp UBND xã Đông Các tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật chuyên đề về kinh doanh mặt hàng kính mắt. Đồng thời, kết hợp kiểm tra gắn với tuyên truyền, ký cam kết với từng cơ sở kinh doanh kính mắt về phòng, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo người tiêu dùng khi mua kính mắt, nhất là các loại kính thuốc nên đến các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ kính thuốc. Ngoài ra, nên chọn các cửa hàng uy tín, trên nhãn hàng hóa thể hiện đầy đủ các thông tin về xuất xứ hàng hóa, thành phần, thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hiem-hoa-tu-kinh-mat-khong-ro-nguon-goc-chat-luong-53488