Hiểm họa trẻ em nghiện trò chơi điện tử

Bỏ bê học hành, công việc; mắc chứng loạn thần, hoang tưởng; cơ thể tiều tụy, suy nhược đến mức phải đi cấp cứu, chữa trị dài ngày; trộm cắp, cướp giật, giết người cướp của lấy tiền chơi điện tử... Đó là những hậu quả nặng nề đã và đang xảy ra trong xã hội do chứng nghiện trò chơi điện tử gây ra.

Rất nhiều gia đình gần như bất lực khi con em nghiện trò chơi điện tử, còn các cơ quan hữu quan thì chưa dành mối quan tâm đủ lớn để có giải pháp hiệu quả ngăn chặn hiểm họa trẻ em nghiện trò chơi điện tử.

Từ năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế, coi nghiện trò chơi điện tử là một bệnh về tâm thần. Do đó, Bộ Y tế cần sớm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về chứng bệnh nguy hiểm này để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, qua đó kịp thời phát hiện, điều trị hiệu quả cho người bệnh, tránh để xảy ra những hậu quả đau lòng.

Đã đến lúc chúng ta phải thắt chặt hơn nữa các quy định đối với việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến. Ảnh minh họa: vov.vn

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kinh doanh trò chơi điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó quy định rất rõ điều kiện về việc lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin của người chơi, bao gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ thường trú; số thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp.

Người chơi dưới 14 tuổi phải có người giám hộ hợp pháp đăng ký thông tin cho người chơi và thông tin của người giám hộ. Thời gian chơi của mỗi người dưới 18 tuổi phải bảo đảm không quá 180 phút mỗi ngày.

Phải liên tục hiển thị thông tin khuyến cáo với nội dung: “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” trên màn hình thiết bị của người chơi... Tuy nhiên, quy định này gần như không được thực thi. Trẻ em vẫn có thể tự do mở tài khoản chơi điện tử trực tuyến và không bị kiểm soát về thời gian chơi.

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ để có thể phát triển an toàn, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức. Sức khỏe tâm thần của trẻ em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Do đó, việc kinh doanh bất cứ loại hình gì đối với đối tượng trẻ em, trong đó có kinh doanh trò chơi điện tử, cần phải có những điều kiện chặt chẽ hơn nữa.

Nên nghiên cứu bổ sung thêm quy định về khung thời gian được phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho trẻ em. Các doanh nghiệp không được phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến cho trẻ em Việt Nam vào khung thời gian đêm, lúc trẻ em cần phải nghỉ ngơi, để tránh những tác hại về thể chất, tinh thần, tâm lý cho các em.

Tại Trung Quốc, các nhà cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho người dưới 18 tuổi vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày chỉ 1 giờ, từ 20 giờ đến 21 giờ. Như vậy, trẻ em Trung Quốc chỉ có thể chơi điện tử trực tuyến không quá 3 giờ một tuần, và chỉ chơi được vào cuối tuần.

Từ thực trạng tại Việt Nam và kinh nghiệm thế giới cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải thắt chặt hơn nữa các quy định đối với việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến. Lợi ích của doanh nghiệp không thể cao hơn lợi ích của cộng đồng, không thể cao hơn an ninh, an toàn và việc phát triển lành mạnh của cộng đồng, không thể xâm hại đến giống nòi dân tộc, không thể làm hại các thế hệ tương lai của quốc gia!

THÙY LÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hiem-hoa-tre-em-nghien-tro-choi-dien-tu-748810