Hiểm họa khó lường khi điện thoại có thể tiết lộ người phá thai

Câu hỏi đáng lo ngại đặt ra là nếu phá thai khiến người phụ nữ thành tội phạm ở một số bang tại Mỹ, liệu dấu vết dữ liệu điện tử của họ có bị coi là bằng chứng hay không?

Khi người phụ nữ quyết định phá thai, bạn bè và gia đình họ có thể không được chia sẻ thông tin này. Thế nhưng, rất có thể điện thoại thông minh của họ lại biết rõ.

Việc rò rỉ dự thảo ý kiến của Tòa án Tối cao Mỹ đề xuất đảo ngược quyết định trong án lệ Roe v Wade làm dấy lên tranh cãi về quyền riêng tư dữ liệu. Họ đặt câu hỏi rằng nếu phá thai khiến người phụ nữ thành tội phạm ở một số bang, liệu dấu vết dữ liệu điện tử của họ có được coi là bằng chứng hay không?

Điều này từng có tiền lệ và những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng việc thu thập dữ liệu có thể trở thành rắc rối đối với những người muốn giữ kín việc phá thai.

Điện thoại ghi lại thông tin liên lạc, lịch sử tìm kiếm, dữ liệu sức khỏe và các thông tin khác. Ngay trong tuần này, có bằng chứng cho thấy các nhà môi giới dữ liệu thương mại bán thông tin vị trí thu thập được từ điện thoại của những người đến phòng khám phá thai.

“Đây hoàn toàn là điều cần được quan tâm và tìm hiểu, trước khi mọi thứ rơi vào trạng thái khủng hoảng”, Cynthia Conti-Cook - thành viên công nghệ tại Ford Foundation - nhận định.

Hiện nay, lấy nội dung trên điện thoại - bao gồm cả thông tin vị trí và trình duyệt web - làm bằng chứng trước tòa là không phải là chuyện mới lạ, theo Washington Post. Các công tố viên cho biết vụ việc nổi bật là sử dụng hàng nghìn trang dữ liệu từ điện thoại của nghi phạm cũng như hồ sơ trên Facebook của những người tham gia trong vụ bạo loạn Điện Capitol năm ngoái.

"Bộ sưu tập" thông tin dữ liệu điện tử

Nguồn dữ liệu chính là nền kinh tế giám sát kỹ thuật số, khi Facebook, Google và rất nhiều ứng dụng theo dõi, giám sát hành vi trên không gian mạng của người dùng rồi tìm cách tiếp thị hàng hóa cho họ.

Chủ nhân của nguồn dữ liệu này có thể bị thay đổi nhiều lần, hoặc lạc vào thị trường rộng lớn hơn do các nhà môi giới dữ liệu điều hành. Những nhà môi giới này có thể tích lũy để tạo nên những “bộ sưu tập” thông tin khổng lồ.

Nguồn dữ liệu này trở thành mục tiêu trong những trát yêu cầu hầu tòa. Nhiều công ty công nghệ thường né tránh đưa ra câu trả lời thẳng thắn về những thông tin mà họ sẵn sàng cung cấp. Google báo cáo rằng công ty này nhận được hơn 40.000 trát đòi hầu tòa và lệnh khám xét tại Mỹ trong nửa đầu năm 2021.

 Quyền phá thai là một trong những chủ đề tranh cãi gây chia rẽ nước Mỹ nhất trong nửa thế kỷ qua. Ảnh: Politico.

Quyền phá thai là một trong những chủ đề tranh cãi gây chia rẽ nước Mỹ nhất trong nửa thế kỷ qua. Ảnh: Politico.

Cảnh sát có thể mua dữ liệu và sử dụng chúng để điều tra các vụ phá thai. Thông tin vị trí trên thiết bị di động từng được các nhóm hoạt động xã hội sử dụng để hiện quảng cáo trên điện thoại những người trong phòng khám phá thai nhằm khuyên can họ.

Việc thu thập tất cả dữ liệu đó là không dễ dàng, và cơ quan thực thi pháp luật có thể lấy thông tin từ rất nhiều nguồn khác, theo Alan Butler - Giám đốc điều hành và chủ tịch của Trung tâm Thông tin Quyền riêng tư Điện tử.

Những phương pháp truyền thống bao gồm kiểm tra hồ sơ thẻ tín dụng, thu thập dữ liệu từ tháp điện thoại di động, nói chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình của người bị điều tra.

Tuy nhiên, khó có thể dự đoán luật cấm phá thai sẽ ra sao nếu vụ Roe v Wade bị lật ngược.

“Theo luật của một số bang, ngay cả việc tìm kiếm thông tin về phòng khám hoặc đi tới phòng khám với ý định phá thai cũng là hành vi bất hợp pháp”, ông Butler nói.

Tính năng theo dõi vị trí

Điện thoại có thể thu thập thông tin chính xác về nơi ở để lập bản đồ về các loại dịch vụ. Trong chính sách bảo mật của nhiều ứng dụng, họ ghi rõ nếu đồng ý sử dụng, người dùng cho phép các công ty có quyền bán thông tin đó cho công ty khác để họ cung cấp cho bên quảng cáo, hoặc bất cứ ai trả tiền để có được thông tin này.

Hôm 3/5, blog của Vice’s Motherboard cho hay với 160 USD, họ đã mua được dữ liệu trong một tuần từ một công ty có tên là SafeGraph. Dữ liệu này sẽ cho biết những đối tượng tới hơn 600 phòng khám của Planned Parenthood đến từ đâu và họ đã đi đâu sau đó.

Ví dụ, loại dữ liệu này có thể được sử dụng để xác định các phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai cho người ở ngoài bang.

 Tính năng theo dõi vị trí trên điện thoại di động ghi lại xem người dùng có tới phòng khám thai hay không. Ảnh: New York Times.

Tính năng theo dõi vị trí trên điện thoại di động ghi lại xem người dùng có tới phòng khám thai hay không. Ảnh: New York Times.

Giám đốc điều hành SafeGraph Auren Hoffman nói rằng công ty đang thảo luận về việc có nên ngừng cung cấp dữ liệu tổng hợp về lưu lượng truy cập trong thời gian thực cho những nơi có dịch vụ phá thai hay không.

SafeGraph và các công ty tương tự thường không bán thông tin vị trí được liên kết với tên hoặc số điện thoại. Trước đó, công ty này từng bị những người ủng hộ quyền riêng tư chỉ trích và đã thay đổi một số cách hoạt động để khó kết nối dữ liệu với người dùng cụ thể.

Tuy nhiên, các cơ quan giám sát quyền riêng tư nói rằng có thể tìm ra bức tranh tổng thế nếu kết nối những địa điểm mà một người đã tới.

Ví dụ, vào năm ngoái, một blog Công giáo đã lấy thông tin vị trí ban đầu được tạo bởi ứng dụng hẹn hò Grindr để xác định một linh mục là người đồng tính. Họ suy luận rằng một người ở địa điểm liên quan đến nhà thờ cũng ghé thăm quán bar dành cho người đồng tính nam.

Lịch sử tìm kiếm và tin nhắn

Tìm kiếm thông tin về phòng khám và thuốc có thể để lại dấu vết trên hồ sơ của Google.

Vào năm 2017, ở Mississippi, công tố viên đã sử dụng thông tin tìm kiếm trên Internet về thuốc phá thai làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử về cái chết của một thai nhi. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố theo các cáo buộc.

Năm ngoái, Tòa án Tối cao bang Wisconsin quyết định bên điều tra không vi phạm quyền của tên sát nhân George Burch khi không cần trát mà vẫn truy cập và tải dữ liệu từ điện thoại của anh, bao gồm cả lịch sử tìm kiếm trên Internet.

Tin nhắn riêng tư cũng có thể trở thành bằng chứng. Vào năm 2015, các tin nhắn về việc phá thai đã khiến một người phụ nữ bị kết tội bỏ bê trẻ em và giết người.

Báo cáo năm 2020 của tổ chức Upturn cho thấy cơ quan thực thi pháp luật sử dụng "công cụ pháp y trên thiết bị di động" khi điều tra các vấn đề như sở hữu cần sa. Điều này cho phép họ truy cập lịch sử Internet cũng như email và văn bản không được mã hóa.

 Thông tin trên các ứng dụng theo dõi sức khỏe sinh sản có thể trở thành bằng chứng trước tòa. Ảnh: New York Times.

Thông tin trên các ứng dụng theo dõi sức khỏe sinh sản có thể trở thành bằng chứng trước tòa. Ảnh: New York Times.

Ứng dụng sức khỏe sinh sản

Hàng triệu người sử dụng các ứng dụng để giúp theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, ghi nhật ký và lưu trữ dữ liệu về sức khỏe sinh sản. Vì dữ liệu đó có thể tiết lộ thời điểm kinh nguyệt, quá trình rụng trứng và thai kỳ, chúng có thể trở thành bằng chứng ở các bang mà phá thai là phạm pháp.

Có bằng chứng cho thấy những công ty này bảo vệ quyền riêng tư một cách lỏng lẻo. Vào năm 2019, công cụ theo dõi chu kỳ Ovia đã nhận được phản hồi khi chia sẻ dữ liệu tổng hợp về kế hoạch hóa gia đình của một số người dùng với sếp của họ.

Năm ngoái, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã đạt thỏa thuận với ứng dụng theo dõi chu kỳ Flo. Vụ việc diễn ra sau khi công ty hứa giữ dữ liệu của người dùng ở chế độ riêng tư, nhưng sau đó lại chia sẻ với các công ty tiếp thị như Facebook và Google.

Cuộc điều tra gần đây của Consumer Reports phát hiện ra những thiếu sót trong cách 5 ứng dụng theo dõi chu kỳ nổi tiếng xử lý dữ liệu nhạy cảm của người dùng, bao gồm cả gửi dữ liệu cho các bên thứ ba để quảng cáo.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hiem-hoa-kho-luong-khi-dien-thoai-co-the-tiet-lo-nguoi-pha-thai-post1314538.html