Hết lòng vì đồng bào vùng cao

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đồng thời tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa vì cộng đồng.

Phát huy vai trò y tế cơ sở

Người dân trong thôn Tân Hồng, xã Bản Qua (huyện Bát Xát) đã quen với hình ảnh y tế thôn - Hoàng Thị Chiến đèo chiếc cân 30 kg đằng sau xe máy và đến từng nhà gõ cửa để cân trẻ hằng tháng. Năm nay đã là năm thứ 15 chị Chiến gắn bó với công việc y tế thôn. Theo lời nhận xét của anh Phàn A Hòa, phụ trách Trạm Y tế xã Bản Qua, chị Chiến là y tế thôn, bản nhiệt tình, trách nhiệm, được bà con quý mến. 5 năm đầu đi làm chưa có xe máy, chị vẫn vác bộ chiếc cân 30 kg đi khắp thôn để cân trẻ. Dân cư ở thôn Tân Hồng sống rải rác, hộ xa nhất cách nhà chị Chiến 1,5 km, nếu đi cân trẻ hoặc đi báo lịch tiêm chủng, khám thai sớm thì mọi người đi làm ruộng chưa về nên công việc của chị thường bắt đầu từ lúc trời tờ mờ sáng đến tối mịt. Từ ngày chị mua được chiếc xe máy, công việc này đỡ vất vả hơn.

Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Si Ma Cai.

Chị Chiến kể, trước đây người dân thôn Tân Hồng còn nhiều hủ tục: Chuồng nuôi gia súc gần nhà; rất ít hộ dân có nhà vệ sinh; bố mẹ thường sợ cho con tiêm chủng; tình trạng sinh con tại nhà nhiều… Tuy nhiên, bằng trách nhiệm trong công việc và phát huy kiến thức được học, chị Chiến đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, bởi vậy nhiều năm liền ở Tân Hồng không xảy ra dịch bệnh; 100% hộ dân đã có nhà vệ sinh; không có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống hay sinh con tại nhà; 100% trẻ nhỏ được tiêm phòng, uống vitamin A và tẩy giun định kỳ…
Trong những năm qua, những y tế thôn, bản như chị Chiến đã tạo nên mạng lưới vững chắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế - dân số và phòng, chống dịch bệnh cho người dân ở địa bàn vùng cao.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 y tế thôn, bản, chủ yếu là người địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ người dân địa phương, vì vậy hiệu quả tuyên truyền, vận động đạt chất lượng hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, kết quả đó có đóng góp của những nhân viên y tế thôn, bản thường xuyên vận động, tuyên truyền các hộ giữ vệ sinh môi trường, tiêm chủng đúng và đủ lịch, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm ở địa phương để báo cáo trạm y tế các xã thực hiện các biện pháp cách ly, chữa trị kịp thời… Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ y tế thôn, bản, ngành y tế tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn kiến thức, trang - thiết bị y tế phục vụ công việc của y tế thôn, bản. Tuy nhiên, phụ cấp của y tế thôn, bản còn thấp, chỉ gần 700.000 đồng/người/tháng nên họ vẫn phải làm thêm nhiều công việc khác để phát triển kinh tế gia đình.

Những đóng góp vì cộng đồng vùng cao

Chia sẻ về những đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế vì đồng bào vùng cao, ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Những cán bộ y tế ở các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện không chỉ phát huy tri thức phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, mà còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Trong những năm qua, hơn 2.000 hội viên của Hội Y - Dược tỉnh Lào Cai đã tham gia các hoạt động như “Xuân biên giới” tại các xã có đồn biên phòng; phong trào “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, chương trình “Khám, chữa bệnh tình nguyện và hỗ trợ nông thôn mới”, “Hành trình tình nguyện vì biên cương Tổ quốc”… tại các xã khó khăn, nhờ vậy có hơn 41.000 lượt người được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Cùng với đó, các trạm y tế khó khăn được tặng máy vi tính; tặng ti vi và màn hình chiếu cho trường bán trú; tặng gạo, chăn ấm, quần áo ấm và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại các điểm trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thiết thực nhất, có thể kể đến các hoạt động như tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học; hướng dẫn rửa tay với xà phòng cho trẻ em; truyền thông phòng, chống ung thư cổ tử cung cho phụ nữ vùng cao. Tại các huyện vùng cao như Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương, khi có thiên tai, các thầy thuốc trẻ tích cực tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất.

Những cán bộ y tế dù ở vai trò nào, từ y tế thôn, bản đến những y tá, bác sỹ, họ vẫn đang nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn để mang lại dịch vụ y tế chất lượng đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động tình nguyện ý nghĩa mà họ thực hiện đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/het-long-vi-dong-bao-vung-cao-z5n20190623084501585.htm