Hết đào rừng, còn đâu bản sắc núi rừng Tây Bắc?

Những năm gần đây, việc chơi cây hoa cảnh, nhất là các loại cây đào, lê, mận... dịp Tết Nguyên đán đã trở thành trào lưu của xã hội, khiến những loại cây này trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc bị chặt phá không thương tiếc. Việc thỏa mãn thú chơi theo thị hiếu gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp thiết thực bảo vệ các loài cây này.

Thú chơi hủy hoại môi trường

Cứ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng, các loại cây đào, mận, lê... luôn có giá bán rất cao nên nhiều người dân đua nhau chặt các loại cây này để bán cho thương lái đem về các tỉnh dưới xuôi tiêu thụ. Chặt cành, chặt cả cây và đào cả gốc những cây đào cổ chở về xuôi là cảnh thường gặp tại các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, dọc các cung đường Tây Bắc, người dân bày bán la liệt cành, cây đào, lê, mận ở ven đường với đủ các kích cỡ.

Đào rừng theo chân người dân xuống phố.

Nguyên nhân của thực trạng này là do những năm gần đây, nhu cầu chơi cây hoa của người dân tăng cao. Thay bằng việc mua những gốc đào được trồng tại các nhà vườn, thì người chơi lại thích mang về nhà những cành đào tự nhiên với gốc xù xì, thân rêu phong. Ngoài đào rừng, nhiều người còn thích chơi cả những cây mận cổ, cây lê hoa trắng.

Các loại cành và cây đào được người dân bày bán trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu chơi Tết, dẫn đến tình trạng những rừng đào cổ, những cây đào, lê, mận... bị chặt phá, làm mất mỹ quan và tăng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Cần có chính sách bảo tồn, phát triển

Những năm qua, các cấp, các ngành đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nghiêm cấm chặt cây đào rừng và các cây rừng khác để chơi Tết. Đây là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn nạn chặt phá cây đào rừng, mận rừng, lê rừng, hủy hoại môi sinh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Là địa phương có diện tích núi đá vôi lớn, quanh năm có mây mù bao phủ, nên huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) nổi tiếng là một trong những vùng đất “sở hữu” giống đào rừng đẹp. Tuy nhiên, có dịp khảo sát tại địa bàn huyện Tủa Chùa dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi ghi nhận không còn hình ảnh các chuyến xe chở đào tấp nập xuôi núi nữa.

Ông Trần Xuân Tân, ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho chúng tôi biết: "Cùng với huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), huyện Tủa Chùa luôn là địa bàn để các lái buôn đào khắp nơi tìm đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hoa đào ở Tủa Chùa có nét đẹp rất riêng, cánh hoa dày, nhuộm màu hồng phớt. Bông nở rất to, nổi bật trên thân cây xù xì, nên người chơi hoa rất chuộng, bán được giá cao. Nhiều năm nay, dân buôn đào miền xuôi đua nhau lên Tủa Chùa tìm đào, nên muốn “giữ” được đào, dân buôn phải đặt cọc tiền trước đến vài tháng".

Quá trình tìm hiểu tại địa phương này, chúng tôi được nhiều người dân cho biết, vài năm trở lại đây, đào Tủa Chùa đã bắt đầu khan hiếm. Trên các nương đá quen thuộc, hiếm hoi lắm mới thấy một cây đào. Muốn ngắm hoa, bà con phải đi sâu vào rừng. Tuy nhiên, những chỗ dễ tìm thì gần như không còn bóng dáng cây đào. Vào sâu trong rừng thì gần như cây nào cũng bị người dân "đánh dấu" chủ quyền...

Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ban hành nghị quyết về bảo vệ và phát triển hoa ban, hoa anh đào trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Thực nghị quyết này, UBND huyện Tủa Chùa xây dựng chương trình hành động và bổ sung thêm cây hoa đào rừng vào mục tiêu và định hướng phát triển.

Một cành đào nằm lay lắt ven đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vùi Văn Nguyện, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa, cho biết: "Xác định đào rừng là thế mạnh của địa phương, nên UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo tồn và phát triển loài cây này. Đây cũng là cái đích để địa phương thực hiện mục tiêu kép: Vừa giúp người dân thay đổi ý thức bảo tồn đào, vừa xây dựng được sản phẩm mới cho du lịch...".

Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, những địa phương có bước chuyển như Tủa Chùa chưa nhiều. Đào, lê, mận bị chặt phá, đào gốc để bán còn diễn ra khá phổ biến. Tây Bắc có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc giữ gìn, bảo tồn những rừng đào đồng nghĩa với giữ vẹn nguyên sắc màu Tây Bắc.

Bởi vậy, tại những địa phương có nhiều rừng đào, rừng mận, chính quyền cần phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đào và các loài cây rừng đối với cảnh quan, môi trường.

Đồng thời, cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ những rừng đào cổ, đẩy mạnh trồng đào tại những nơi đất hoang. Cần phân loại những vườn đào, vườn mận cổ thụ, những diện tích đào trồng mới để vừa bảo tồn phục vụ du lịch, vừa phục vụ kinh doanh dịp Tết.

Bảo vệ cây đào đồng nghĩa với giữ vẹn nguyên sắc màu Tây Bắc nói chung, là trách nhiệm không của riêng ai!

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/het-dao-rung-con-dau-ban-sac-nui-rung-tay-bac-721440