Hệ thống tác chiến điện tử mới của Ukraine bất lực trước UAV Geran-2

Quân đội Nga cho rằng, hệ thống tác chiến điện tử mới nhất của Ukraine là Pokrova sẽ bất lực trước những chiếc UAV tự sát tầm xa Geran-2 và Geran-3 của Nga.

Sự đối đầu giữa máy bay không người lái (UAV) và hệ thống tác chiến điện tử chưa bao giờ dừng lại. Tại các văn phòng ở Kiev, họ lo ngại rằng hệ thống tác chiến điện tử mới nhất của Ukraine là Pokrova, dù mới xuất hiện gần đây, có thể nhanh chóng trở nên bất lực trước UAV của Nga (Ảnh: hệ thống EW Pokrova).

Lý do là người Nga đã bắt đầu lắp đặt các thiết bị tiên tiến trên các UAV cảm tử Geran-2 (chạy bằng động cơ piston cánh quạt) và Geran-3 (chạy bằng động cơ phản lực), để giúp vượt qua khu vực bị chế áp điện tử, khi thực hiện các cuộc tấn công ban đêm vào Kiev, Odessa và các thành phố lớn khác của Ukraine.

Ukraine đã bắt đầu nói về điều này sau khi các kỹ thuật viên, nhà thiết kế và kỹ sư người Ukraine khi nghiên cứu và phân tích những chiếc UAV Geran-2 bị bắn rơi của Nga gần đây đã phát hiện thấy các thiết bị được trang bị hệ thống ăng-ten truyền dữ liệu GNSS (Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu) mới.

Công nghệ mới này trên UAV Geran-2 của Nga giúp tăng khả năng chống nhiễu tín hiệu của UAV và được thiết kế để xác định chính xác vị trí (tọa độ địa lý) của các vật thể trên mặt đất, mặt nước và trên không, nhờ sử dụng tín hiệu định vị từ các vệ tinh có quỹ đạo thấp.

Giờ đây, UAV Geran-2 và Geran-3 được trang bị phiên bản mới của mô-đun ăng-ten Comet (Sao chổi) tiêu chuẩn, bao gồm 8 máy thu, thay vì phiên bản cũ có 4 ăng-ten để nhận tín hiệu từ hệ thống vệ tinh địa tĩnh.

Mô-đun Comet được đặt tất cả trong một hộp, lắp bên trong khung UAV Geran-2 và mô-đun này đảm bảo độ tin cậy cao; đặc biệt là khả năng chống nhiễu. Tất cả các ăng-ten đều được giấu trong hộp và không được lắp ở bên ngoài như trước. Một cặp pin lithium đã được tăng thêm, để cung cấp điện cho hệ thống.

Đối mặt với mô-đun Comet mới này, hệ thống tác chiến điện tử Pokrova tỏ ra “bất lực” và không hiệu quả. Hệ thống của Ukraina bao gồm một thiết bị ăng-ten cố định, liên tục gửi thông tin tín hiệu GNSS sai lệch tới tên lửa và UAV của Nga, nhằm đánh lừa thiết bị.

Việc phát triển thiết bị tác chiến điện tử Pokrova, được thực hiện bởi các chuyên gia về tác chiến điện tử của Quân đội Ukraine, cũng như các công ty Falcons và Kvertus của Ukraine; đồng thời được sự giúp đỡ về kỹ thuật của một số quốc gia NATO.

Trong khi đó, Quân đội Nga bắt đầu sử dụng UAV Pchelka ở khu vực chiến trường Ukraine. UAV Pchelka được thiết kế dựa trên nguyên tắc là “UAV mẹ”, có khả năng mang theo một số UAV FPV con và thả chúng vào đúng thời điểm để hoạt động độc lập tiếp theo.

Như các nhà phát triển Nga giải thích, UAV Pchelka hoạt động theo nguyên lý giữa máy bay và trực thăng. Nó cất cánh lên không trung giống như một chiếc UAV 4 trục, nhưng bay về phía trước giống như một chiếc máy bay có động cơ.

UAV Pchelka được trang bị động cơ đốt trong, giúp đơn giản hóa việc tiếp nhiên liệu tại chiến trường và tăng phạm vi hoạt động. Ngoài ra, theo Quân đội Nga, UAV Pchelka còn đóng vai trò là một trạm trung gian chuyển tiếp liên lạc trên không, giúp tăng phạm vi sử dụng của UAV FPV.

Rõ ràng là việc sử dụng UAV Pchelka với số lượng lớn sẽ giúp Quân đội Nga tăng cường hơn nữa khả năng tấn công bằng UAV trên chiến trường; đặc biệt là với những mục tiêu nhỏ lẻ, phân tán trên diện rộng và giúp nối dài việc sử dụng UAV FPV trên chiến trường.

Theo kênh quân sự “ZaDrony" thân Nga trên mạng xã hội Telegram đưa tin, Quân đội Nga sử dụng máy bay không người lái Pchelka trong khu vực chiến sự gần Bakhmut có lẽ với mục đích thử nghiệm.

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine mới nổ ra, lợi thế về số lượng UAV đã thuộc về Quân đội Ukraine. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Nga, đã có thể thiết lập việc sản xuất UAV với số lượng mà mặt trận yêu cầu.

Những loại UAV của Nga sử dụng trên chiến trường rất đa dạng và phong phú, từ UAV tự sát tầm xa như Geran-2, Geran-3 có nguồn gốc từ Iran, cho đến UAV lảng vảng Lancet dùng tấn công các mục tiêu bọc thép và xe cơ giới và bây giờ là UAV Pchelka, có thể mang nhiều UAV con FPV.

Tuy nhiên, Ukraine cũng tăng cường sản xuất và sử dụng UAV trên chiến trường. Từ UAV chỉ vừa trong lòng bàn tay đến các UAV có trọng lượng tới 454 kg, Ukraine đã phát triển và sở hữu một đội UAV đa dạng, góp phần quan trọng vào việc làm chậm bước tiến của quân Nga (Nguồn ảnh: Topwar, RIA Novosti, CNN).

Tiến Minh (Theo Topwar)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/he-thong-tac-chien-dien-tu-moi-cua-ukraine-bat-luc-truoc-uav-geran-2-1972323.html