Hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân góp phần nâng cao đời sống, tạo việc làm, đẩy lùi nạn 'tín dụng đen'

Hệ thống QTDND đã từng bước khẳng định vai trò của loại hình tổ chức tín dụng 'gần dân, sát dân'; là kênh dẫn vốn hiệu quả; vừa trực tiếp huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa hỗ trợ vốn kịp thời cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Toàn cảnh hội nghị.

Chiều 23-6, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên địa bàn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo của NHNN Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động tại 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố với nguồn vốn 8.083 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động đạt 7.121 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 6.192 tỷ đồng. Hệ thống QTDND đã từng bước khẳng định vai trò của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”; là kênh dẫn vốn hiệu quả; vừa trực tiếp huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa hỗ trợ vốn kịp thời cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Các đồng chí chủ tọa hội nghị.

Bên cạnh đó, các QTDND đã triển khai thêm sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trong cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương với tổng số tiền hàng tỷ đồng…

Cũng trong 6 tháng đầu năm, NHNN Thanh Hóa đã thực hiện 12 cuộc thanh tra QTDND. Qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND thời gian qua vẫn còn bộc lộ những yếu kém, sai phạm. Có QTDND hoạt động chưa đúng mục tiêu, có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích; chất lượng và hiệu quả hoạt động thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số quỹ vi phạm quy định pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người quản lý, điều hành và cán bộ,... dẫn đến thất thoát vốn, nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của toàn hệ thống trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, trọng tâm là: NHNN Thanh Hóa triển khai quyết liệt, hiệu quả việc cơ cấu lại QTDND giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng năm 2030 nhằm chấn chỉnh, củng cố hoạt động QTDND; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra của NHNN Thanh Hóa đối với QTDND.

Đồng chí Tống Văn Ánh- Giám đốc NHNN Thanh Hóa yêu cầu các QTDND từng bước nâng cao năng lực tài chính theo tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm chất lượng hoạt động.

Đối với QTDND, từng bước chuẩn hóa hệ thống các quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát; đẩy mạnh công tác huy động vốn. Kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nhằm hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật trong hoạt động.

Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm việc tại quỹ nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ có năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn,... tạo nguồn lực cho hoạt động an toàn và phát triển bền vững.

Đồng thời, xử lý kỷ luật thỏa đáng đối với những cán bộ vi phạm, kể cả việc chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật…

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-gop-phan-nang-cao-doi-song-tao-viec-lam-day-lui-nan-tin-dung-den/189066.htm