Hệ thống phòng không S-400 có thể sớm 'va chạm' tên lửa siêu thanh Trung Quốc

Hệ thống phòng không S-400 tối tân của Quân đội Ấn Độ nhiều khả năng sẽ đứng trước thử thách cực lớn đó là tên lửa siêu thanh Trung Quốc sản xuất.

Hệ thống phòng không S-400 Nga bán cho Quân đội Ấn Độ có thể sẽ phải đối đầu với tên lửa siêu thanh Trung Quốc trong tương lai không xa, ấn phẩm Sohu đưa ra dự đoán như trên.

Các chuyên gia phân tích của tờ báo Trung Quốc nhắc nhở rằng Ấn Độ đã nhận được 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf mua từ Nga và họ dự định sẽ tích hợp chúng vào mạng lưới bảo vệ bầu trời của mình trong tương lai gần.

Dự kiến Nga sẽ giao thêm 4 tổ hợp S-400 nữa vào năm tới. Hợp đồng trên đã vượt qua rào cản lớn nhất khi cuối cùng Mỹ đã quyết định không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với New Delhi, bởi vì tin rằng S-400 sẽ giúp Ấn Độ "kiềm chế" Trung Quốc.

Tuy nhiên theo giới phân tích, ngay từ đầu các tổ hợp này sẽ không đóng vai trò bảo vệ trước quân đội Trung Quốc, mà sẽ trở thành vỏ bọc đáng tin cậy cho Ấn Độ trước mối đe dọa từ Pakistan.

Hiện tại giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Pakistan, những cuộc giao tranh quyết liệt vẫn thường xuyên xảy ra ở khu vực Kashmir, bên cạnh đó là một địa điểm tranh chấp khác ở phía Tây Bắc bán đảo Hindustan.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng trong suốt nhiều năm qua, hai quốc gia láng giềng luôn coi nhau là đối thủ, do vậy những tổ hợp phòng không tầm xa do Nga sản xuất có thể làm tăng đáng kể ưu thế của Quân đội Ấn Độ.

“S-400 có tầm bắn 400 km và đủ sức tấn công nhiều loại mục tiêu trên không bao gồm máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và chiến đấu cơ. Điều này khiến New Delhi tin rằng không ai có thể xâm phạm bầu trời của họ".

"Ấn Độ và Pakistan có đường biên giới dài và các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa do Nga sản xuất có thể bao phủ hầu hết lãnh thổ Pakistan, đây là một điều rất đáng lo ngại đối với Islamabad”, tờ Sohu lưu ý.

Lo ngại xung đột quân sự, giới lãnh đạo Pakistan đang tích cực tìm cách chống lại hệ thống phòng không S-400 của Ấn Độ, họ xem xét nhiều phương án khác nhau.

Đầu tiên, tên lửa Fatah-1 của Pakistan với tầm bắn lên tới 150 km, các tổ hợp tác chiến điện tử và máy bay không người lái được đề xuất như biện pháp đối phó. Tuy nhiên tất cả những thứ này không tạo được sự tự tin, tờ Sohu đánh giá.

Theo Sohu, các diễn biến quân sự từ Trung Quốc cũng đang được xem xét. Trong đó hệ thống phòng không HQ-9 (được tạo ra trên cơ sở tổ hợp S-300 của Nga) hoặc tên lửa siêu thanh mà Trung Quốc chế tạo gần đây có thể đóng vai trò là đối trọng với S-400 của Ấn Độ.

“Một số ý kiến đang đề nghị mua vũ khí siêu thanh từ Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tại việc mua những tên lửa như vậy là rất khó, rào cản kiểm soát xuất khẩu và tính bí mật của công nghệ đã hạn chế nguồn cung cấp kể cả cho đồng minh", ấn phẩm giải thích.

Tuy vậy tờ Sohu không phủ nhận rằng theo thời gian, Bắc Kinh có thể đồng ý bán các tên lửa siêu thanh của mình cho Pakistan. Khi đó S-400 của Nga mà Ấn Độ mua về sẽ phải đối phó với vũ khí siêu thanh Trung Quốc.

Kịch bản trên nếu xảy ra sẽ rất đáng chú ý, bởi cả hai loại vũ khí nói trên đều được nhà sản xuất tuyên bố là độc nhất vô nhị cũng như không thể bị đánh bại.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/he-thong-phong-khong-s-400-co-the-som-va-cham-ten-lua-sieu-thanh-trung-quoc-post494503.antd