Hậu quả khó lường do buông lỏng quản lý đất công

Thời gian qua tại Hà Nội, công tác quản lý đất công lỏng lẻo, sử dụng sai mục đích tại một số địa bàn vẫn là thực trạng nhức nhối, tiềm ẩn nhiều hệ lụy về ANTT và kinh tế, xã hội… Vụ cháy mới đây dưới gầm cầu Thăng Long và vụ cháy tại dự án 'Công viên cây xanh' tại quận Hà Đông cuối năm 2022, làm một người chết, là hậu quả tất yếu và có thể chưa phải là cuối cùng…

Nhà xưởng mọc trên đất công

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào hồi 7h15 sáng 7/2/2023 tại khu vực gầm cầu Thăng Long thuộc địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ngọn lửa bất ngờ bùng phát, thiêu rụi bãi phế liệu (nhựa đã qua sử dụng) có diện tích khoảng 100m2 khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Đông Anh xuất 2 xe chữa cháy xuống hiện trường, đồng thời phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH KV3-Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng 20 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chữa cháy tại chỗ tổ chức dập lửa.

Vụ cháy bãi phế liệu dưới chân cầu Thăng Long nằm trong hành lang an toàn giao thông cầu đường bộ và đường sắt.

Sau khoảng 50 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Công an huyện Đông Anh cũng đã thiết lập hồ sơ bước đầu ghi nhận: Khu vực cháy là bãi phế liệu ngoài trời của ông Phạm Quang T. (ở xã Võng La), có diện tích gần 100m2, dưới gầm cầu Thăng Long, cạnh trụ B0, khiến cho trụ cầu và hệ thống cáp dẫn dưới gầm cầu, tà vẹt đường ray tàu bị nhiệt tác động than hóa, chưa xác định thiệt hại; gầm cầu bị nhiệt tác động ám khói đen. Khu vực xảy cháy thuộc khu đất công giáp ranh giữa 2 xã Đại Mạch và Võng La (của huyện Đông Anh).

Trước đó, vụ hỏa hoạn xảy ra vào cuối năm 2022 khiến một nhà xưởng có diện tích hơn 800m2 nằm trong phần đất của dự án “Công viên cây xanh”, thuộc địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội khiến một nhân viên bảo vệ tử vong. Nhà xưởng bị cháy là một trong cả trăm công trình xây dựng tự phát, không đủ điều kiện an toàn PCCC&CNCH được xây dựng trong phần đất công thuộc khu dự án “Công viên cây xanh” có tổng diện tích hơn 52,8ha.

Như Báo CAND đã thông tin, năm 2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2397/QĐ-UBND ngày 4/12/2008 về việc thu hồi 52,8ha (528.713m2) đất thuộc xã Kiến Hưng (nay là phường Kiến Hưng) và phường Hà Cầu, giao quận Hà Đông thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu “Công viên cây xanh”.

Chính vì thế, dự án “Công viên cây xanh” được xem là “dự án treo”, trong quá trình quản lý, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, UBND quận Hà Đông đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ quận đứng ra cho 12 đơn vị “thầu” lại và sau đó chia nhỏ thành các khu vực cho thuê hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, các chủ cơ sở đã dựng kho xưởng khung thép hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực, nhu cầu của người thuê.

Trở lại vụ hỏa hoạn vào sáng 7/2, Trung tá Đàm Văn Liêm, Trưởng Công an xã Hải Bối cho biết, khu vực xảy cháy nằm dưới gầm cầu Thăng Long, thuộc hành lang đường sắt do Công ty CP Đường sắt Hà Thái quản lý. Quanh khu vực giáp ranh có 7 nhà xưởng nằm trên diện tích đất xã Hải Bối và Võng La quản lý. Ngày 27/5/2022, UBND xã Hải Bối đã ra thông báo số đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở, nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất do UBND xã quản lý.

“Từ tháng 10 đến hết tháng 12/2022, UBND xã Hải Bối thành lập 5 tổ công tác kiểm tra lập hồ sơ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn và đình chỉ hoạt động đối với 7 kho, xưởng tại khu vực gầm cầu. Bên cạnh đó, Công an xã cũng đã tham mưu hướng xử lý cho Đảng ủy, UBND xã Hải Bối về tình trạng lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng, không đảm bảo về an toàn PCCC&CNCH đối với các kho xưởng tại khu vực gầm cầu Thăng Long”, Trung tá Đàm Văn Liêm thông tin thêm.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Trần Sỹ Quỳnh, Đội trưởng Đội PCCC&CNCH Công an huyện Đông Anh cho biết, thời gian qua, với vai trò là đơn vị chuyên môn, Ban chỉ huy đội đã tham mưu cho Đảng ủy Công an huyện và cơ quan chức năng ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, kiểm tra, rà soát và tuyên truyền công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Đặc biệt là các khu vực nhà xưởng được xây dựng từ những năm trước không đủ điều kiện, đảm bảo về công tác PCCC và trong số đó có một số cơ sở vi phạm về PCCC nằm vào hàng lang an toàn giao thông để có hướng xử lý, đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động yêu cầu cơ sở khắc phục những tồn tại về công tác PCCC.

Cần làm rõ trách nhiệm

“Bên cạnh đó, ngoài việc xây dựng các kế hoạch kiểm tra thì đơn vị còn xây dựng các kế hoạch tuyên truyền đối với việc đốt cỏ rác, vàng mã, gửi UBND các xã, thị trấn… tuyên truyền khu vực dân cư đảm bảo công tác PCCC, tránh xảy ra những trường hợp cháy nổ dẫn đến những thiệt hại đau lòng. Đối với công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng dọc tuyến đường tàu và hành lang an toàn giao thông, đơn vị có những thống kê và báo cáo vi phạm, chỉ rõ thẩm quyền, cơ quan quản lý để có hình thức xử lý kịp thời. Điển hình như trường hợp cháy vừa rồi của cơ sở thu mua phế liệu có nhà xưởng nằm trên địa bàn xã Hải Bối”, Trung tá Trần Sỹ Quỳnh chia sẻ.

Liên quan đến vụ cháy bãi phế liệu ngoài trời của ông Phạm Quang T, trao đổi với PV, ông Lê Tư Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cũng thừa nhận, khu vực nhà xưởng của ông Phạm Quang T. nằm trên khu đất công do xã quản lý. Nhà xưởng của ông T. xây dựng trái phép trên đất dự án làm đường và công viên mini để xã Hải Bối đảm bảo tiêu chí chuyển đổi thành phường trong thời gian tới.

Cũng theo ông Lê Tư Tiến, trong quá trình hoạt động, các nguyên vật liệu được ông T. lại để sang vị trí đất thuộc xã Võng La. Khu vực đất này trước đó là khu nhà công vụ của công nhân thuộc Công ty CP Đường sắt Hà Thái. Sau khi cầu Thăng Long hoàn thành, công nhân rời đi để lại khu đất trống. Lãnh đạo xã qua các thời kỳ trước giao cho các hộ tự sử dụng, bán hàng và cho thuê xây dựng nhà xưởng.

“Các xưởng ở đó xây dựng đều vi phạm. Qua các đợt kiểm tra, chính quyền phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm đã cho ký cam kết PCCC. Một số cơ sở không đủ điều kiện đã thông báo và bị lập biên bản đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động. Trong số đó có nhà xưởng của ông Phạm Quang T. Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ quan chức năng đi kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở này ký cam kết dừng hoạt động, đảm bảo công tác PCCC nhưng ông T. đã không chấp hành mà vẫn hoạt động trái phép. Trong tháng 2/2023, tổ công tác của UBND huyện Đông Anh sẽ tiến hành cưỡng chế toàn bộ những công trình vi phạm trên địa bàn”, ông Lê Tư Tiến thông tin.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Lê Tư Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho biết, đúng là nhiều nhà xưởng trên địa bàn, trong đó có nhà xưởng của ông Phạm Quang T. được xây dựng trái phép trên khu vực đất công. Tuy nhiên, việc quản lý cũng thuộc trách nhiệm của Công ty CP Đường sắt Hà Thái.

Trung tá Trần Sỹ Quỳnh, Đội trưởng Đội PCCC&CNCH Công an huyện Đông Anh chia sẻ thêm, về mặt quản lý, đơn vị chỉ quản lý các công trình xây dựng hiện hữu thuộc diện quản lý về công tác PCCC, còn đơn vị không có thẩm quyền quản lý về đất đai. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế địa bàn, đơn vị đã tham mưu cho các cấp quản lý ra nhiều văn bản kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về công tác PCCC. Điển hình như các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng nằm trên đất khu vực đất công hay các công trình xây dựng trái phép tồn tại từ trước và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đến khi nào đủ điều kiện về PCCC theo quy định mới được hoạt động.

Có thể thấy, đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc điển hình gây hậu quả khôn lường trong việc đất công bị “xẻ thịt”, sử dụng không đúng mục đích gây ra những phiền toái. Vậy những hệ lụy của sự tùy tiện, buông lỏng quản lý đất công xét cho cùng, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những việc như này?

Quang Trường – Chiến Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/hau-qua-kho-luong-do-buong-long-quan-ly-dat-cong-i683438/