Hầu hết các khoản thu 'tự nguyện' đều... sai quy định

Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra đột xuất tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có nhiều khoản thu không đúng quy định, đặc biệt là các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện.

Phát hiện nhiều khoản thu không đúng quy định

Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Trong số các khoản thu thỏa thuận có nhiều khoản thu do các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10-9-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân).

Nhiều khoản thu tự nguyện được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, có địa phương Chủ tịch UBND xã phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện là không đúng quy định như Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).

Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) bị phát hiện có nhiều khoản thu không đúng. Ảnh: CTV

Kết quả thanh tra cụ thể các cơ sở giáo dục tại Hà Nội và Hải Phòng cho thấy, tại Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội), nhà trường đã tiến hành thu gần 20 khoản thu, trong đó khoản ít nhất là quỹ chữ thập đỏ 10 nghìn đồng/học sinh và khoản thu nhiều nhất là 1 triệu đồng/học sinh để lắp điều hòa. Hầu hết các khoản thu này nhà trường đều đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện không đúng.

Trong đó, riêng tiền điều hòa, trường chưa thực hiện thu nhưng tiền máy chiếu đã thực hiện thu và lắp đặt cho 8 phòng học của 8 lớp. Tương tự, tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội), hầu hết các khoản thu tự nguyện nhà trường đã quy định mức thu và tổ chực thực hiện thu không đúng.

Trong đó, riêng khoản thu tự nguyện đóng góp đầu năm 2017 - 2018 của 254 phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2017 - 2018 là 408 triệu đồng, trong đó người nhiều là 5 triệu đồng, người thấp là 300 nghìn đồng.

Tại Trường THCS Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), trong số gần 20 khoản thu đầu năm, một số khoản thu trường có tờ trình UBND xã Minh Tân và được Chủ tịch UBND xã Minh Tân ký duyệt và đóng dấu.

Tuy vậy, trong số này có 6 khoản thu không đúng quy định. Còn tại Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương (Hải Phòng), nhà trường đã thu tất cả 18 khoản thu đầu năm, trong đó khoản thu nhiều nhất là ủng hộ cơ sở vật chất từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/học sinh, lắp đặt hệ thống đèn và bàn ghế cho học sinh lớp 1 với số tiền lên tới 238 triệu đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, hầu hết các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa nhà trường đều quy định mức thu và tổ chức thực hiện thu không đúng quy định.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương

Cũng theo ông Tống Duy Hiến, tại các cơ sở giáo dục, nơi đoàn kiểm tra đến, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhà trường chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định; kiến nghị Phòng GD&ĐT, UBND quận, huyện, Sở GD&ĐT kịp thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý trực tiếp và thường xuyên thuộc về chính quyền các địa phương” - ông Hiến nhấn mạnh.

“Lạm thu” đang là nỗi bức xúc của phụ huynh, học sinh vào đầu năm học mới. Ảnh minh họa.

Ông Tống Duy Hiến cũng cho rằng: Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD&ĐT mà còn phải từ chính các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên.

“Kết luận kiểm tra, thanh tra của Bộ sẽ đạt hiệu quả cao nếu các địa phương cùng vào cuộc và kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu” - ông Hiến cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông Hiến, để giải quyết tận gốc vấn đề này, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí chi khác cho cơ sở giáo dục, đảm bảo tối thiểu 20% theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn chi cho các cơ sở. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới từng bước được giải quyết.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/hau-het-cac-khoan-thu-tu-nguyen-deu-sai-quy-dinh-458640/