Hậu Giang: Giá lúa bị cào bằng

Những ngày cuối vụ lúa Đông xuân 2011-2012, bà con nông dân gieo sạ các giống lúa chất lượng cao đang phải đối mặt với “nghịch lý” giá lúa dài bị cào bằng với lúa phẩm cấp thấp IR 50404. Tuy nhiên, điều lo ngại là vẫn không có thương lái đến thu mua.

Hiện nay, có rất nhiều gia đình đang lâm vào cảnh lúa bán không được giá, trong khi nông dân đang gieo sạ cho vụ lúa Hè thu và tới hạn trả tiền vật tư nông nghiệp cho các đại lý. Ông Hồ Văn Vuôl, ở ấp Mỹ Thạnh C, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp là một trong những hộ dân đang gặp khó khăn về đầu ra của hạt lúa. Trong vụ Đông xuân, gia đình ông chủ yếu gieo sạ giống OM 5451.

Đến thời điểm này, 4,9ha đã được thu hoạch xong, tuy lúa đạt năng suất trên 1 tấn/công, nhưng không có thương lái đến tìm mua, gây không ít lo ngại cho gia đình. Được biết, thời gian trước cũng có thương lái đến tìm mua lúa hàng hóa cho bà con nông dân, nhưng vào thời điểm cuối vụ như hiện nay, số lượng ghe giảm đáng kể, thậm chí 10 ngày gần đây không có thương lái.

Trong lúc lúa tươi bán không được thì gia đình ông Vuôl phải trả chi phí để thuê mướn nhân công phơi lúa hàng ngày. Ông Vuôl cho biết: “Thấy giá lúa IR 50404 bấp bênh từ những năm trước, gia đình tôi mới lựa chọn các giống lúa dài để gieo sạ cho vụ Đông xuân, hy vọng lúa bán được giá cao nhằm tăng thêm thu nhập. Vậy mà nhiều ngày nay, không có thương lái nào đến tìm mua lúa dài, họ chỉ tập trung thu mua lúa IR 50404. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân chúng tôi không biết phải xoay xở làm sao để có nguồn vốn để đầu tư cho vụ lúa kế tiếp”.

Còn bà Trần Thị Măng, ở ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp đang nóng lòng muốn bán lúa. Năm nay, gia đình bà Măng gieo sạ giống lúa OM 6976 cho 12 công ruộng, lúa đạt năng suất khoảng 1 tấn/công. Tuy gia đình bà thu hoạch lúa vào thời điểm trời nắng tốt, hạt lúa sáng đẹp nhưng thương lái vẫn không thu mua, nếu có mua thì mua với giá ngang bằng với giống IR 50404.

Nhìn lúa chất đầy nhà, bà Măng than thở: “Mười mấy tấn lúa thế này mà phải mang nợ chủ vật tư nông nghiệp, không biết đến khi nào mới trả được. Nếu biết trước tình cảnh như vầy, gia đình tôi sẽ gieo sạ giống IR 50404 như bà con trong khu vực, chứ làm lúa dài mà bây giờ không biết bán cho ai”.

Nghịch cảnh hiện nay mà bà con nông dân ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện, đó là tình trạng các giống lúa chất lượng cao được thu mua ngang bằng với lúa phẩm cấp thấp IR 50404. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn, có thể người dân sẽ quay lưng với các giống lúa dài, bởi thị trường tiêu thụ không ổn định. Với giá lúa như hiện nay, nếu bán bằng với lúa IR 50404 thì nông dân không có lãi, thậm chí chỉ huề vốn vì mọi chi phí đều tăng.

Riêng thương lái thì thu được lợi nhuận cao vì các công ty lương thực hoặc các nhà máy mua lúa hạt dài với giá cao. Chỉ cần chênh lệch giá 200-300 đồng/kg thì khoản lợi nhuận này thương lái hưởng sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Tổng diện tích xuống giống lúa Đông xuân của toàn huyện là 19.065ha, đến thời điểm này đã thu hoạch được 18.000ha. Dự kiến, khoảng 4-5 ngày tới sẽ thu hoạch dứt điểm diện tích còn lại, năng suất bình quân đạt khoảng 7,2 tấn/ha, tăng 0,7 tấn/ha so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra của hạt lúa những ngày qua đang gặp khó, do giá cả liên tục biến động. Đặc biệt, hiện nay giá lúa dài (lúa chất lượng cao) đang bị cào bằng với lúa IR 50404 đã gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tâm lý lo ngại của người dân. Vấn đề này sẽ làm cho địa phương càng khó khăn hơn trong việc khuyến cáo nông dân chuyển đổi từ lúa phẩm cấp thấp sang chất lượng cao trong những vụ lúa tới.

Trong khi ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cho rằng, chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giao cho đơn vị thu mua tạm trữ 15.000 tấn gạo, đến thời điểm này đã hoàn thành. Hiện tại, lúa IR 50404 được thu mua tại công ty với giá từ 5.300-5.400 đồng/kg, lúa chất lượng cao có giá 5.600-5.700 đồng/kg.

Tuy đã đạt chỉ tiêu VFA giao, nhưng công ty vẫn tiến hành thu mua theo hướng thương mại kinh doanh để cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Công ty vẫn tuân thủ việc thu mua lúa với giá mà Chính phủ quy định là đảm bảo 30% lợi nhuận cho người trồng lúa.

Do nông dân không có phương tiện chuyên chở đến các xí nghiệp thu mua của công ty mà chủ yếu bán lúa thông qua thương lái, sau đó thương lái mới bán lại cho công ty nên có rất ít người bán được giá như doanh nghiệp đưa ra. Đối với lúa hạt dài và hạt tròn, khi thu mua công ty có phân biệt giá rõ ràng để người bán không bị thiệt thòi. Còn giá lúa mua bị cào bằng giữa lúa chất lượng cao và lúa phẩm cấp thấp là xuất phát từ thương lái.

Bích Châu

Báo Hậu Giang

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/119926/1/191/hau-giang-gia-lua-bi-cao-bang.stox