Hậu Giang: Chông chênh thương hiệu khóm cầu đúc

THCL - Giá khóm cầu đúc hiện tại đang dao động ở mức khoảng 5.000 đồng/trái, loại ngoài 1 ký. Cùng thời điểm hiện tại vào năm trước, giá thành ở mức gấp đôi. Người trồng khóm tại thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đang chán nản vì giá cả hiện tại. Xác định việc phát triển thương hiệu khóm cầu đúc là vô cùng cần thiết, nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang cần có những chiến lược cụ thể.

THCL - Giá khóm cầu đúc hiện tại đang dao động ở mức khoảng 5.000 đồng/trái, loại ngoài 1 ký. Cùng thời điểm hiện tại vào năm trước, giá thành ở mức gấp đôi. Người trồng khóm tại thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đang chán nản vì giá cả hiện tại. Xác định việc phát triển thương hiệu khóm cầu đúc là vô cùng cần thiết, nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang cần có những chiến lược cụ thể.

Giá cả thấp – người trồng nản

Người Hậu Giang luôn tự hào vì vùng đất mình có rất nhiều đặc sản, trong đó có khóm cầu đúc. Khóm cầu đúc Hậu Giang đã vang danh khắp trong và ngoài nước nhờ chất lượng, hương vị hơn hẳn cây khóm trồng ở các vùng, miền khác. Cây khóm không những giúp người dân nơi đây no ấm, mà còn được xem là cây giảm nghèo.

Còn nhớ năm trước, người dân các xã Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Tân Tiến (thành phố Vị Thanh) vui mừng vì khóm này có giá ổn định, người nông dân có thu nhập tốt. Nhưng điều ngược lại, thời đỉnh điểm vào vụ năm nay, giá khóm tụt dốc chỉ còn khoảng 5.000 đồng/trái loại trên ký.

Tiếp xúc với một nhà nông tại Ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, được biết, gia đình chị có 6 ha vào dạng những hộ dân có diện tích trồng khá lớn. Những năm trước, giá cả tuy bấp bênh, nhưng cũng không rơi vào mức giá kém như hiện tại. Theo chị thì nguyên nhân chính là do có nhiều mặt hàng khóm khác cũng đang đội mác khóm cầu đúc và thị trường trở nên dội chợ.

Khóm cầu đúc xuống giá làm người dân chán nản

Nhiều người dân trên dọc tuyến đường vào trung tâm xã Hỏa Tiến cũng chán ngán với giá cả hiện tại. Để vớt vát ít vốn, chị bày bán dọc đường cho người qua lại, nhưng giá thành cũng chỉ dao động từ 1.000 – 6.000 đồng/trái.

Chị Oanh, một người đi công tác tại xã này cho biết, chỉ cần chục ngàn có 5 trái ăn thoải mái, khác hẳn khi vào chợ Vị Thanh, chỉ có thể đủ 1 trái.

Tuy nhiên, theo người dân trồng khóm nơi đây thì giá thành đang có xu hướng tăng vì đây đã là giai đoạn cuối mùa. Hiện tại, các vựa khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã và đang tìm mối để thu mua đem ra các chợ đầu mối lớn. Chị Tuyền – một thương lái cho biết: “Tui thu mua ở đây đem lên chợ đầu mối Thủ Đức, biết là giá cả thiệt thòi cho người trồng, nhưng biết sao. Vài chuyến qua, tui thu mua cầm chừng vì không có lời. Chuyến này, nhiều khả năng cũng không có lãi".

Thương lái đến tận hộ trồng để thu mua khóm

Cần có định hướng rõ ràng

Việc trái khóm cầu đúc vào được hệ thống siêu thị cũng mới chỉ là bước đầu, nếu nhìn vào thực tế, hàng hóa phải vận chuyển lên tân các chợ đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, cần được tỉnh Hậu Giang cân nhắc. Những sản phẩm từ khóm khi chế biến tại chỗ để xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, việc kêu gọi một nhà đầu tư để thu mua nguyên liệu khóm cầu đúc còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thì hiện tại, vẫn chưa có một nhà máy quy mô lớn thu mua và sản xuất những sản phẩm của vùng nông nghiệp đã được quy hoạch. Theo ông Đồng: “Khó khăn thấy rõ nhất mà các nhà đầu tư chưa mặn mà để đến với Hậu Giang là điều kiện kinh tế hạ tầng, giá đất đền bù còn cao vì thực tế số lượng đất “sạch” của tỉnh gần như không còn. Vì thế, sau khi cân nhắc, các nhà đầu tư vẫn không chọn lựa những dự án mà Hậu Giang đang kêu gọi”.

Chính sách ưu đãi của tỉnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Hậu Giang đang được đẩy mạnh, tỉnh đã có những động thái nhất định, hy vọng thời gian tới, những dự án trên sẽ tìm được đối tác và sản phẩm nông nghiệp chất lượng sẽ vươn ra thị trường thế giới.

Cần phát triển thương hiệu khóm cầu đúc đúng hướng

Hiện tại, vùng quy hoạch khóm mang thương hiệu khóm Cầu Đúc đang được tỉnh Hậu Giang phát triển một cách toàn diện. Năm 2006, tỉnh Hậu Giang chọn khóm Cầu Đúc để xây dựng thương hiệu đặc sản Hậu Giang. Hiện nay, tỉnh cũng đầu tư nhiều cho việc cải tạo giống, nâng cao chất lượng.

Cây khóm được chọn là một trong 4 cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Trong thời gian qua, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm cầu đúc Hậu Giang” và được Sở Khoa học Công nghệ, Sở NN&PTNT đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất khóm cầu đúc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã lập dự án quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại vùng khóm cầu đúc. Đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm. Đa dạng hóa mặt hàng, đảm bảo lợi ích cho người trồng mới - là cách duy trì và phát triển khóm cầu đúc trong tương lai.

Huy Diệu

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/hau-giang-chong-chenh-thuong-hieu-khom-cau-duc-a40399.html