Hành trình tìm hạnh phúc của một cựu binh Mỹ

Sau nhiều nỗ lực, ông Thomas Wilber cũng tái bản cuốn sách 'Tù binh bất đồng chính kiến - Từ Nhà tù Hỏa Lò đến nước Mỹ hôm nay' vào tháng 3/2024. Cựu sĩ quan Hải quân Mỹ cho ra đời đứa con tinh thần này dưới tên mới 'Tù binh Mỹ vì hòa bình: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ' như một cách để góp thêm tiếng nói đưa sự thật về cuộc chiến mà cha ông, Trung tá Walter Eugene Wilber từng trực tiếp tham gia cách đây nửa thế kỷ.

Với riêng Thomas Wilber, quá trình tạo nên cuốn sách này cũng là hành trình đi tìm định nghĩa chính xác về hòa bình mà ông luôn khắc khoải.

Cuộc chiến trong lòng một cuộc chiến

Với nhiều người Mỹ, cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc khi những tù binh chiến tranh cuối cùng của đất nước này được trao trả vào đầu năm 1973 theo điều khoản Hiệp định Paris. Cũng như nhiều thân nhân của tù binh Mỹ hồi hương khác, gia đình Trung tá Walter Eugene Wilber cũng được hưởng niềm vui sum họp ngày ấy. Trong một phi vụ vào năm 1968, Trung tá Walter Eugene Wilber và một đồng đội khác điều khiển máy bay F-4J đã bị Anh hùng phi công, Đại tá Đinh Tôn bắn rơi trên bầu trời Nghệ An. May mắn sống sót, Trung tá Walter Eugene Wilber bị bắt giữ và cũng từ đây ông có 5 năm trải nghiệm cuộc sống của một tù binh chiến tranh (POW).

Thomas Wilber, nhà nghiên cứu độc lập về Việt Nam.

Có lẽ Trung tá Walter Eugene Wilber và nhiều đồng đội khác tại Nhà tù Hỏa Lò thời điểm đó không thể biết được rằng, tại chính quê hương họ, "một cuộc chiến khác" cũng đang bắt đầu khi công chúng Mỹ bị chia rẽ giữa việc ủng hộ hay phản đối cuộc chiến khiến nửa triệu binh lính xứ cờ hoa phải tham chiến tại một đất nước khác cách xa họ nửa vòng trái đất. Phong trào phản chiến lan rộng khắp nước Mỹ, đặc biệt sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đã được nhiều phương tiện truyền thông ngày đó cũng như giới học giả mô tả là một “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”.

Như nhiều phi công Mỹ khác bị bắt sau khi bị bắn rơi ở Việt Nam, Trung tá Walter Eugene Wilber có nhiều thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò, nơi họ gọi đùa là khách sạn "Hilton Hà Nội". Tại đây, sau khi trực tiếp thấy cảnh bom đạn mà đồng đội rải xuống tàn phá những vùng đất của Việt Nam, Trung tá Walter Eugene Wilber dần có quan điểm phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại đây. Ông đã công khai quan điểm này của mình, trong đó có cả một buổi trả lời phỏng vấn với một Đài truyền hình Mỹ khi còn bị giam tại Hỏa Lò. Ngoài ra, Trung tá Walter Eugene Wilber cũng không ít lần khẳng định với thân nhân về việc bản thân nhận được sự đối xử nhân đạo trong thời gian giam giữ tại miền Bắc Việt Nam cũng như quan điểm phản chiến hoàn toàn xuất phát từ lương tâm và đạo đức.

Lần nào đến Việt Nam, Thomas Wilber cũng đến thăm Nhà tù Hỏa Lò và tham gia các hoạt động ở đây.

Chính những điều trên khiến Trung tá Walter Eugene Wilber trở thành một POW bất đồng chính kiến. Cần biết rằng trong gần 600 POW Mỹ từng bị giam giữ ở Việt Nam, có không ít người khẳng định bản thân bị đối xử phi nhân đạo khi còn là tù nhân và trong mắt một bộ phận công chúng xứ cờ hoa, họ trở thành những “người hùng chiến trận”. Trong khi đó, những điều Trung tá Walter Eugene Wilber công khai lại là một sự thật trái ngược hoàn toàn với những gì mà một số công chúng Mỹ lúc đó tin tưởng và thậm chí bị chính đồng đội từng bị giam chung cùng tại Hỏa Lò phản đối.

Hồi hương trở lại Mỹ vào năm 1973, Trung tá Walter Eugene Wilber đối diện với nhiều chỉ trích và thậm chí đối mặt với nguy cơ ra tòa án binh bởi quan điểm phản chiến của bản thân. Tuy nhiên bất chấp điều đó, Trung tá Walter Eugene Wilber vẫn không thay đổi. Sự kiên định của người cha đã tạo ấn tượng mạnh với cậu con trai Thomas Wilber.

Để vén bức màn sự thật về những điều thực sự diễn ra với cha mình và những đồng đội trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, Thomas Wilber bắt đầu quá trình tìm hiểu về dải đất hình chữ S.

Hành trình đi tìm ý nghĩa thực sự của hòa bình

Lần đầu gặp Thomas Wilber, người cựu binh Mỹ gây ấn tượng mạnh với chúng tôi khi nói định nghĩa của bản thân về hòa bình. “Đến bây giờ, tôi vẫn không biết chính xác hòa bình là gì. Nhưng theo tôi, hòa bình không chỉ đồng nghĩa với không có chiến tranh. Hòa bình có ý nghĩa cao hơn thế”, Thomas Wilber nói những câu đó khi đang ở Hà Nội - một thành phố được UNESCO vinh danh là thành phố vì hòa bình. Ở độ tuổi gần thất thập, người đàn ông Mỹ này cho biết, bản thân vẫn đang trong hành trình tìm lại sự bình yên cho chính mình và chưa biết bao giờ hành trình ấy kết thúc.

Được thúc đẩy bởi câu chuyện của người cha, đồng thời cũng chứng kiến sự chia rẽ của công chúng Mỹ về vấn đề chiến tranh Việt Nam, vào năm 1983, khi đã trở thành một sĩ quan Hải quân Mỹ, Thomas Wilber đã bắt đầu nghiên cứu về cuộc chiến tại Việt Nam cũng như sự thực điều gì đã xảy ra với tù binh Mỹ trong trại giam. Công việc đó càng được thúc đẩy nhiều hơn vào năm 2010 sau khi Thomas Wilber rời khỏi Hải quân Mỹ. Ông đã có ba năm liên tục để tìm gặp nhiều tù binh chiến tranh (POW) sinh sống rải rác khắp đất Mỹ, cũng như tập hợp các tư liệu. Vào thời điểm đó, nhiều POW đặc biệt là những người từng có quan điểm phản chiến rất e ngại khi nói về vấn đề này, thậm chí có người thẳng thừng từ chối đề nghị của ông nhưng Thomas Wilber vẫn kiên trì và cuối cùng ông đã phỏng vấn được họ.

Thomas Wilber và ông Bùi Bác Văn - người đã bắt giữ Trung tá Walter Eugene Wilber năm 1968.

Không dừng lại ở đó, để tìm kiếm thêm tư liệu về các tù binh Mỹ, từ năm 2014, ông Thomas Wilber bắt đầu có hàng chục chuyến thăm tới Việt Nam. Người cựu binh đã có hàng trăm lần tới di tích Nhà tù Hỏa Lò vốn là nơi giam giữ cha ông thời chiến tranh. Ông cũng tìm tới Nghệ An nơi chiếc F4 của cha ông bị bắn rơi, gặp gỡ rồi kết thân với ông Bùi Bác Văn - người đã bắt giữ Trung tá Walter Eugene Wilber năm 1968, đồng thời tìm gặp thân nhân Đại tá Đinh Tôn - người bắn rơi máy bay của cha ông cũng như các cựu quản giáo, lãnh đạo nhà tù Hỏa Lò.

Với các nhân chứng đã gặp gỡ, cùng nhiều tư liệu quý giá nắm được trong tay, ông Thomas Wilber cuối cùng đã có thể biết rõ sự thật về điều gì đã xảy ra với cha ông cùng nhiều đồng đội trong thời gian bị giam giữ. Ông cũng đã xác thực điều mà cha mình - Trung tá Walter Eugene Wilber luôn khẳng định rằng được Việt Nam đối xử nhân đạo trong thời gian giam giữ là đúng sự thật. Thomas Wilber cũng khẳng định được rằng, những tuyên bố phản chiến của cha mình trong thời gian bị giam giữ là hoàn toàn tự nguyện, không hề bị ép buộc.

Sau khi đã làm rõ được câu chuyện liên quan đến cha mình, ông Thomas Wilber bỗng nghĩ đến việc đem những gì mình biết tới công chúng nhằm “giải độc” những thông tin sai trái vốn tồn tại lâu nay về vấn đề POW. Thomas Wilber cho biết, bản thân đã nghĩ đến nhiều phương án nhằm thực hiện kế hoạch đưa những điều mình biết về POW tại Việt Nam đến công chúng, đặc biệt là tại Mỹ. Sau nhiều lần đắn đo, cựu binh này quyết định xuất bản một cuốn sách. Cũng tương tự như hoàn cảnh của người cha gặp phải lúc hồi hương, ông đối mặt với nhiều phản đối khi công bố ý tưởng đó. Thậm chí, nhiều POW đã nói thẳng với ông rằng, câu chuyện đã trôi qua từ rất lâu và không nên “đào bới” lại.

Một lần nữa, để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình, Thomas Wilber quyết tâm thực hiện cả ở Mỹ và Việt Nam. Thông qua một người bạn, ông biết tới Jerry Lembcke - người chuyên viết về các giai thoại chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Hai người đã cộng tác với nhau để cho ra đời cuốn “Tù binh bất đồng chính kiến - Từ Nhà tù Hỏa Lò đến nước Mỹ hôm nay” bằng tiếng Anh và sau đó dịch ra tiếng Việt.

Những bức ảnh về các tù binh Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò được đăng tải trên báo chí Mỹ.

Ngay sau khi ra đời, cuốn sách gặp phải những chỉ trích bởi nội dung đưa đến một sự thật khó chấp nhận với nhiều người tại Mỹ. Rất nhiều ý kiến chỉ trích tiêu cực về cuốn sách khi cho rằng Thomas Wilber và Jerry Lembcke đã tìm cách đạp đổ “hình tượng người hùng chiến trận” của các tù binh Mỹ. Với riêng Thomas Wilber, ông không chỉ nhận chỉ trích từ nhiều POW mà còn cả từ thân nhân của họ. Ngay cả một số POW từng được phỏng vấn trong quá trình tìm tư liệu viết sách khi biết về sự ra đời “Tù binh bất đồng chính kiến - Từ Nhà tù Hỏa Lò đến nước Mỹ hôm nay” cũng tránh hoặc cắt đứt liên lạc với ông.

Thomas Wilber cho rằng, những phản ứng tiêu cực trên với cuốn sách một phần lớn do tác động của các thông tin sai trái khiến một bộ phận công chúng Mỹ tin rằng các tù binh nước này đã nhận sự đối xử phi nhân đạo trong trại giam của Việt Nam. Trong khi đó, nội dung cuốn sách của Thomas Wilber và Jerry Lembcke lại đưa đến một sự thật trái ngược lại. Nhưng bất chấp sức ép lớn đó, cả hai tác giả của cuốn sách, đặc biệt là Thomas Wilber vẫn kiên trì với con đường đã chọn. Ông lại tiếp tục công việc tìm kiếm tư liệu và nhân chứng liên quan đến quá trình giam giữ các tù nhân Mỹ ở Việt Nam trong thế kỷ trước. Và cả hai quyết định tái bản cuốn sách với tên mới "Tù binh Mỹ vì hòa bình, cuộc chiến trong lòng nước Mỹ".

Chia sẻ về cái tên mới của cuốn sách, Thomas Wilber khẳng định, ông và đồng tác giả muốn nói lên phần nào nội dung chính được đề cập trong sách, đó là những tù binh Mỹ đã lên tiếng cho hòa bình, và “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ” trong thời gian nước này tham chiến ở Việt Nam. Cả hai tác giả cũng kỳ vọng cái tên mới của cuốn sách ở phiên bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành sẽ giúp cuốn sách dễ dàng tiếp cận với độc giả Việt Nam.

Sông Thương - Minh Thư

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/hanh-trinh-tim-hanh-phuc-cua-mot-cuu-binh-my-i726839/