Hành trình phát triển kỳ diệu của những hạt cà phê

Kể từ năm 850, thời điểm cây cà phê lần đầu tiên được con người phát hiện, những quả cà phê đã có một hành trình dài đến khắp 7 lục địa trên Trái Đất.

Trong ảnh: Cà phê hạt tại Risaralda, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ năm 850, thời điểm cây cà phê lần đầu tiên được con người phát hiện, những quả cà phê đã có một hành trình dài đến khắp 7 lục địa trên Trái Đất. Loại quả này thậm chí còn đi tận ra ngoài vũ trụ. Jonathan Morris, giáo sư lịch sử hiện đại thuộc Đại học Hertfordshire (Anh), cho biết: "Khi một phi hành đoàn người Italy đầu tiên bay lên Trạm vũ trụ quốc tế, một trong những thứ mà họ mang theo là một chiếc máy pha cà phê espresso được thiết kế đặc biệt".

Cà phê đã xuất hiện một cách rộng rãi như thế nào, và làm thế nào mà thế giới lại phát triển sở thích cuồng nhiệt với loại đồ uống này như vậy?

*Khoảnh khắc “eureka”

Chưa thấy có bằng chứng bằng văn bản nào ghi nhận ai đó đã lần đầu tiên phát hiện ra cà phê, nhưng dân gian cho rằng một anh chàng chăn dê tên là Kaldi ở Ethiopia đã vô tình phát hiện ra cây cà phê vào thế kỷ thứ IX.

Theo Tiến sĩ Morris - tác giả của cuốn “Coffee: A Global History”, các câu chuyện dân gian kể rằng Kaldi nhận thấy những con dê của mình trở nên phấn khích và nhảy nhót sau khi ăn thứ trông giống như quả mọng (berry) màu đỏ từ một bụi cây, vì vậy anh ta quyết định thử một chút quả này. Và thật ngạc nhiên, anh ấy cũng cảm thấy thực sự thoải mái và tỉnh táo.

Người ta cho rằng Kaldi đã giới thiệu cho các vị giáo sĩ ở địa phương về quả cà phê, nhưng họ thấy mùi vị của chúng không ngon nên đã đổ chúng vào đống lửa gần đó. Nhưng điều bất ngờ là mùi thơm hấp dẫn của những trái cây màu đỏ bị nướng chín đã thực sự thu hút sự chú ý của các vị giáo sĩ. Họ lập tức lấy những những hạt đã bị cháy, ngâm vào nước sôi và uống. Từ đó, thức uống này đã trở nên phổ biến ở các thánh đường Hồi giáo.

Cũng theo ông Morris, bằng chứng được ghi nhận bằng văn bản đầu tiên cho thấy cà phê lần đầu tiên được tiêu thụ ở Yemen từ thế kỷ 15, nhưng văn hóa dân gian chỉ ra rằng Ethiopia là nơi ươm mầm của loại cây này. Các giáo sĩ Hồi giáo là những người đã thúc đẩy thị trường cà phê phát triển. Tiến sĩ Morris cho biết: “Vào quãng thời gian này, bắt đầu xuất hiện hoạt động buôn bán cà phê từ vùng Sừng châu Phi đến Yemen để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các giáo sĩ”.

Vào khoảng những năm 1450, những người theo dòng Hồi giáo Sufi (Hồi giáo mật tông) uống cà phê như là một phần trong các nghi lễ tôn giáo của họ, điều này giúp mọi người tỉnh táo khi các nghi lễ này được tổ chức vào ban đêm. Ông Morris cho rằng cà phê được sử dụng như là một tác nhân giúp kích thích thần kinh để giúp họ tỉnh táo khi tiến hành các nghi lễ và đưa mọi người vào trạng thái thiền định”.

Nhu cầu về cà phê tiếp tục gia tăng khi xuất hiện tình trạng thiếu hụt nguồn cung lá Khát (Catha edulis) - loại cây giống cây trà, lá có mùi thơm, vị hơi ngọt, được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ thứ XIII như một loại sản phẩm giải trí của người dân bản địa ở Đông Phi, Bán đảo Arab và Trung Đông, trước đây được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ vào ban đêm để giúp tăng sự tỉnh táo.

Ngay sau đó, cà phê đã phát triển thành một thức uống phổ biến trong các nhóm Hồi giáo ở Yemen, không chỉ vì mục đích tôn giáo mà còn là để giao lưu. Yemen cũng là nơi đầu tiên cà phê được trồng để phục vụ cho mục đích thương mại vào những năm 1540.

*Thời kỳ "đen tối"

Tiến sĩ Morris cho rằng cà phê du nhập vào châu Âu thông qua con đường thương mại từ Ấn Độ. Ông cho biết: "Người Hà Lan đã tìm thấy một số cây cà phê mọc ở vùng Malabar của Ấn Độ - nơi xuất hiện những cây cà phê đầu tiên tại đây sau khi một người Ấn Độ hành hương đến thánh địa Mecca đã giấu những hạt cà phê chưa rang vào trong người để mang về nước”.

Tiến sĩ Morris lý giải, ngay từ những năm 1570, cà phê đã được người châu Âu sử dụng vào mục đích y học trong các tiệm bào chế thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được kê đơn để điều trị rối loạn hệ tiêu hóa.

Cho đến những năm 1650, người châu Âu mới bắt đầu uống cà phê. Sau đó, kể từ khi cà phê được trồng tại một đồn điền của Hà Lan ở Cộng hòa Suriname vào những năm 1760, vùng Caribe đã trở thành trung tâm sản xuất cà phê trên toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Morris, đây là thời kỳ “đen tối nhất” của cà phê. Tồn tại một vấn đề trong việc mở rộng và phát triển trồng cà phê ở khu vực Caribe và xa hơn trên thế giới, đó là tất cả quá trình này đều được thực hiện bởi bàn tay của những người nô lệ trong điều kiện lao động khắc nghiệt.

*Sự trỗi dậy của cà phê ở Australia

Không lâu sau khi các trang trại cà phê ở Caribe phát triển “nở rộ”, hạt và cây cà phê cũng được du nhập vào Australia trên những con tàu thuộc Hạm đội đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Anh đến Australia vào năm 1788.

Hạm đội này đã nhặt những hạt và cây cà phê ở Rio De Janeiro, Brazil và mang về trồng trong một khu vườn của tòa nhà Thống đốc đầu tiên ở bang New South Wales, nhưng do khí hậu ở Sydney không thuận lợi, loài thực vật này không phát triển mạnh.

Vào năm 1901, mức tiêu thụ cà phê ở Australia chỉ bằng 1/10 so với trà, nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sức tiêu thụ cà phê đã bắt đầu thay đổi.

Cà phê ngày càng phổ biến hơn ở Australia sau khi những người nhập cư từ Italy và Hy Lạp bắt đầu đến vào những năm 1950. Tiến sĩ Morris cho biết vào thời điểm này, người Italy, đặc biệt là ở thành phố Melbourne, đã mang theo một chiếc máy được cho là mang đến một “cuộc cách mạng về cà phê” ở Australia. Đó là những chiếc máy pha cà phê espresso đầu tiên. Điều này cho thấy người Italy có một nền văn hóa cà phê tương đối khác biệt và phức tạp.

Tiến sĩ Morris cho rằng: “Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất cho văn hóa cà phê gần đây ở Australia là Flat White – loại đồ uống được tạo ra bởi sự kết hợp hài hòa giữa cà phê espresso và sữa tươi đánh nóng với bọt siêu mịn ở bên trên”. Vào những năm 1980, việc không thể tạo ra bọt sữa theo cách thông thường (do hay đổi trong chế độ ăn của những con bò sữa) đã khiến nhiều quán cà phê ở Australia treo biển “Không có Cappuccino – chỉ có Flat White”.

Aaron Cunningham, một nhà quản lý bán buôn và chuyên về cà phê rang xay ở Sydney, cho biết ngày nay Australia không chỉ nổi tiếng với Flat White mà còn là nơi có một số loại cà phê đặc sản ngon nhất thế giới. Anh cho rằng: “Australia là quốc gia hiếu khách và đa văn hóa, vì vậy cà phê rõ ràng đang đóng một vai trò quan trọng trong đó”.

Anh Cunningham cho biết loại cà phê mà anh yêu thích là cà phê đến từ Ethiopia, quốc gia được cho là nơi bắt nguồn của hạt cà phê. Anh chia sẻ: “Cà phê Ethiopia chứa đựng tất cả những thứ mà tôi yêu thích và đam mê: mùi hương hoa, có hàm lượng Axit citric chất lượng và lượng Axit phức tạp, và có vị thơm ngọt của trái cây”.

Theo anh Cunningham, mặc dù gần đây giá cà phê ở Australia tăng cao, một phần là do lạm phát, nhưng điều quan trọng cần phải nhớ là con người đã phải tốn bao nhiêu chi phí để tạo ra một cốc cà phê ngon, tính từ nơi bắt nguồn của nó. Anh nhấn mạnh rằng điều quan trọng là những người lao động sản xuất cà phê phải được đền đáp xứng đáng. Đây là điều mà công ty của anh đang nỗ lực tập trung vào nguồn cung ứng của mình, từ đó đảm bảo rằng những người nông dân được trả thù lao xứng đáng so với giá của loại đồ uống này.

Cunningham cho rằng việc tăng cường tính minh bạch toàn ngành về nguồn gốc và giá cà phê sẽ mang lại lợi ích trong tương lai cho những người nông dân trồng cà phê, người lao động và cộng đồng các khu vực trên thế giới./.

Lê Đạt (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hanh-trinh-phat-trien-ky-dieu-cua-nhung-hat-ca-phe/294799.html