Hành trình 9 năm 'vén màn sương bí ẩn của tiền nhân' của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Cuốn sách 'Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật' đánh dấu chặng đường 9 năm ngược xuôi của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền để tìm cho ra những bí ẩn của hệ thống âm luật trong hát ả đào của các cụ, vừa kịp trước khi người nghệ nhân già cuối cùng rơi vào màn sương mù của quên lãng. Sách vừa được Omega Books Plus giới thiệu, cùng với cuộc trò chuyện, chia sẻ của tác giả Bùi Trọng Hiền và nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Giám đốc Omega Books Plus Trần Hoài Phương tại buổi ra mắt sách. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Cuốn sách mang cái tên “Ả Đào…” – một tên gọi xưa cũ của ca trù. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, trên thế giới này không có một thể loại âm nhạc nào sử dụng danh từ chỉ người ca nữ để đặt tên, điều này thể hiện sự tôn vinh rất lớn đối với nữ giới.

Tùy vào từng môi trường diễn xướng của thể loại này, mà có những tên gọi khác nhau: hát cửa đình, hát cửa đền vì thể loại này luôn được thực hành trong tín ngưỡng dân gian, ở trong cung vua phủ chúa được gọi là hát cửa quyền, trong các dinh thự, các nhà giàu có mời đào nương gọi là hát nhà tơ, một số nơi ở Thanh Hóa gọi là hát ca công ("ca công" cũng là từ chỉ người diễn xướng nữ), có những nơi gọi là hát nhà trò vì sau khi kết thúc diễn xướng bao giờ cũng có các trò diễn.

Hát ả đào xưa, bức ảnh được đưa lên làm bìa sách.

Sau này, vào thế kỷ 19, hát ả đào đổi thành hát cô đầu, trước đó gọi là ả đầu. Đến nửa cuối thế kỷ 20, loại hình diễn xướng này bị rơi vào quên lãng, và dần biến mất trong vòng khoảng 50-60 năm. Cái tên ả đào được thay bằng ca trù – một từ rất mới. “Ngày hôm nay khi viết về nghệ thuật diễn xướng này, tôi muốn quay trở lại tên gọi đã có 1000 năm lịch sử, đó là Ả Đào” – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

Đây đúng là cuộc chơi âm thanh đỉnh cao của cổ nhân

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Hành trình của cuốn sách bắt đầu từ một kỳ liên hoan ca trù, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền được mời làm giám khảo cuộc thi cùng các cụ nghệ nhân nhà nghề thời đó, như cụ Phó Kim Đức, Nguyễn Phú Đẹ, cụ Nguyễn Thị Chúc. “Khi đó, ngồi với các cụ, tôi cứ thấy các cụ phàn nàn là đào kép bây giờ toàn đàn hát sai, không có phách. Nhưng tôi hỏi lại thì các cụ không nói thế nào là đúng, thế nào là đủ...”- anh kể.

Năm 2016, bắt tay vào làm hồ sơ ca trù đệ trình lên UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016, Bùi Trọng Hiền cho biết, những nhà nghiên cứu như anh nản vô cùng, không biết bắt đầu từ đâu, vì khi việc tiếp cận các nghệ nhân thuộc lớp xưa vô cùng khó. Các cụ còn lại quá ít, đều đã cao tuổi, nhớ nhớ quên quên, phải chạy đua cho kịp thời gian. Chưa kể, nhiều cụ vẫn còn mặc cảm với một thời hát ả đào bị quên lãng, cho nên khá ngại ngần khi chia sẻ. Hơn nữa, bản thân nghệ thuật ả đào từ xưa cũng có tính giấu nghề, chỉ truyền lại các bí quyết của mình cho người trong gia đình. Còn những người có tư liệu, ghi âm các bài bản ca trù cổ thì giấu rất kỹ, không cho ai biết.

Đến năm 2018, anh được mời vào chấm Liên hoan ca trù ở Viện Âm nhạc, đó là một sự kiện lịch sử, một dấu mốc lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của anh. “Cả 3 ngày tôi ngồi nghe cụ Đẹ chê đào kép đàn hát không có phách. Tất cả những gì cụ chê, tôi đều không hiểu. Lúc đó tôi như bừng tỉnh, chợt nghĩ cụ Đẹ là người cuối cùng còn lại của lớp nghệ nhân xưa, nếu như bây giờ không ghi lại hệ thống âm luật chuẩn theo đúng của các cụ ngày xưa, thì không bao giờ làm được. Và tôi bắt đầu cuộc điền dã của mình để làm công việc ‘giải mã màn sương mù bí ẩn của tiền nhân’” – nhà nghiên cứu chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ hướng dẫn âm luật ca trù cho các đào nương và kép đàn. (Ảnh: Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cung cấp)

Đây là một hành trình đầy chông gai của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, mà anh gọi là cuộc lội ngược dòng, phải tìm cho ra được đâu là âm luật của ca trù, mà người nắm giữ, nhớ được toàn bộ kiến thức, bài bản của ca trù chính là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ.

Luôn ở bên cạnh nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong hành trình đi tìm âm luật của ca trù này là nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. Không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án, ông còn dành cho anh toàn bộ những tư liệu, tài liệu mình có được, cùng những chia sẻ, gợi ý và cả những mong muốn mà ông chưa thực hiện được.

Trong suốt nhiều năm, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã đi tìm, sưu tầm, xin hoặc mượn những băng đĩa về ca trù của thế kỷ 20, từ những kiến thức phách của nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm, rồi Đào Mộng Hoàn ở Khâm Thiên từ những năm 20-30…, cho đến các nghệ nhân như các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ… Những năm đó, anh tỉ mẩn nghe, lưu lại và số hóa từng chút một những tư liệu, băng cát xét từ những năm 1959, 1976, 1979 của gia đình cụ Đinh Khắc Ban, của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. Khi đó, cứ được nửa trang A4, anh lại mang tất cả những câu hỏi, thắc mắc chạy về Hải Dương gặp cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để hỏi.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giới thiệu những hình ảnh tư liệu quý về ca trù

Cứ như thế, anh đã gom trong tay cả một kho tàng quý giá của cha ông về ca trù.

“Cơn say” ca trù khiến anh thuyết phục cả NSƯT Đỗ Quyên (Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng) bỏ thời gian, công sức, kinh phí theo học ca trù hát cửa đình đúng bài bản chuẩn của nghệ nhân cuối cùng này. Cuộc phục dựng hát cửa đình lịch sử này kéo dài trong 4 tháng, và sau đó, cụ Nguyễn Phú Đẹ bị tai biến, bị lẫn, không còn nhớ gì nữa.

Cùng với việc học từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn tìm kiếm, sưu tầm các sách vở, tư liệu và nguồn băng cát xét cũ từ các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm ở cả trong nước và nước ngoài: “Đó là một hành trình khổ ải, khi phải lau từng chút một những đoạn băng đã cũ, thậm chí mốc, ải rồi tỉ mẩn nghe và ghi lại”. Nguồn tư liệu mà anh nắm trong tay trải dài từ những năm 1920-1930 cho đến gần đây, từ sách Hán Nôm cho đến sách tiếng Việt.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chứng minh sự hiểm hóc của hệ âm luật trong hát ả đào.

Chặng đường dài của công trình nghiên cứu đã cho anh nhận ra ngày càng sáng rõ hơn, ca trù là một thể loại âm nhạc vô cùng tinh tế, độc đáo và có những quy tắc riêng rất khó với các khổ phách, khổ đàn “hiểm hóc”. Các thể loại âm nhạc dân gian khác có thể truyền khẩu, nhưng riêng với ca trù, không học bài bản thì không thể hát được. Từ thước phách quy định hát, phách đàn đan xen, hát không trùng phách mà phải đi theo đàn… Khán giả, là những quan viên cầm chầu, cũng phải hiểu biết về ca trù để gõ trống chầu cho chuẩn. Thậm chí có cả sách dạy chơi trống chầu… Đó là những yếu tố khiến cho ca trù không giống với bất cứ một loại nhạc nào trên thế giới, và đạt đến độ tinh hoa đỉnh cao.

Đây là công trình nghiên cứu toàn diện nhất về nghệ thuật hát ả đào mà ở Việt Nam chưa ai làm được.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã vô cùng xúc động khi chứng kiến công trình lịch sử của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền ra đời. “Chưa có một công trình nghiên cứu nào về ả đào được xuất bản như cuốn này. Trong sách, Bùi Trọng Hiền đã làm rõ được cấu trúc của hát ả đào, mà muốn làm rõ được thì phải hiểu rất rõ những thành tố tạo nên cấu trúc ấy. Chưa có công trình nào nghiên cứu sâu, toàn diện về mặt âm nhạc như cuốn sách này” – ông nhận định.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, có lẽ sau này ít người dám “xông” vào một công trình nghiên cứu khó như thế này, bởi vì rất khó để thâu tóm những quy tắc bài bản hiểm hóc của ca trù vào thành những định nghĩa.

Nhóm ca trù Đông Môn biểu diễn tại buổi ra mắt sách.

“Tôi cho rằng đây là một cơ sở nghiên cứu cơ bản rất quan trọng để các nhà nghiên cứu âm nhạc và giáo dục âm nhạc ứng dụng vào công việc khác nhau, để mở ra rất nhiều khía cạnh khác trong âm nhạc” – nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đánh giá.

Còn với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, điều quan trọng nhất với anh là đã vén được bức màn bí ẩn về ả đào của tiền nhân, khẳng định được giá trị cổ điển chảy theo mạch thời gian như một xương sống của nghệ thuật ca trù, đó là cấu trúc tiết tấu.

Vẫn còn nhiều điều nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chưa hoàn thiện trong nghiên cứu ả đào: “Kép đàn trong ca trù là điều tôi muốn tìm hiểu, nhưng bây giờ là lúc nghỉ ngơi đã”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-9-nam-ven-man-suong-bi-an-cua-tien-nhan-cua-nha-nghien-cuu-bui-trong-hien-post803930.html