Hành trình 48 năm 'Đất sử nở hoa'

Sóc Trăng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, nhiều địa danh, thắng cảnh, di tích lịch sử gắn liền với chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Sóc Trăng. Sau 48 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, những vùng căn cứ cách mạng năm xưa đã thay đổi nhanh chóng, đời sống cư dân không ngừng được nâng lên.

Bài 2: Về nơi có Bia Chiến thắng Rạch Già

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Vùng đất anh hùng

Khu Di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Rạch Già ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung vẫn còn khắc ghi rõ về sự kiện năm 1947. Hơn 75 năm trước, nơi đây du kích Long Phú đã phục kích đánh tàu giặc, tiêu diệt hàng chục tên giặc Pháp và tiêu hao nhiều sinh lực địch để bảo vệ nhân dân. Chiến thắng Rạch Già của du kích Long Phú bấy giờ đã gây một tiếng vang lớn, cổ vũ, động viên quân dân kiên quyết đứng lên đánh bại kẻ thù xâm lược.

Với những chiến công vang dội của du kích Long Phú khi ấy, cố Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã sáng tác bài hát “Du kích Long Phú” để ca ngợi và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân Long Phú. Lời bài hát này cũng được khắc ghi tại Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già, trong đó có đoạn: “… Ai về Cù Lao Dung. Nhớ ghé viếng Rạch Già. Nhớ về An Thạnh Nhứt. Hỏi Tây chết mấy thằng…”. Những lời ca hùng tráng ấy ngợi ca tinh thần quả cảm của những chiến sĩ du kích năm xưa - đi vào lòng người.

Bia tưởng niệm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Rạch Già. Ảnh: THIỆN HẢI

Hơn 21 năm trước, thị trấn Cù Lao Dung và xã An Thạnh Đông thuộc xã An Thạnh 2 của huyện Long Phú. Đến năm 2002, huyện Cù Lao Dung được chia tách ra từ huyện Long Phú và thành lập các xã, thị trấn thuộc huyện Cù Lao Dung. Theo đó, thị trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh 2 và xã An Thạnh Đông được thành lập trên cơ sở được tách ra từ xã An Thạnh 2, địa danh này tồn tại cho đến ngày nay. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thị trấn Cù Lao Dung nói riêng và huyện Cù Lao Dung nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân thị trấn Cù Lao Dung luôn đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống kẻ thù, tích cực sản xuất, đóng góp to lớn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc đến ngày toàn thắng.

Đổi thay từ gian khó

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), đặc biệt là từ khi huyện Cù Lao Dung và thị trấn Cù Lao Dung được thành lập đến nay, Đảng bộ, quân và dân thị trấn Cù Lao Dung luôn phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, đoàn kết ra sức xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lúc mới chia tách thị trấn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 21%. Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, UBND thị trấn trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm dần, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, thị trấn Cù Lao Dung chỉ còn 42 hộ nghèo, chiếm 2,35% dân số trên địa bàn.

Sự đổi thay đó đến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả sự nỗ lực của người dân nơi đây. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua, ngoài việc chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, lãnh đạo UBND thị trấn Cù Lao Dung còn vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích mía và cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2023, thị trấn Cù Lao Dung đã cải tạo diện tích dừa già cỗi, trồng xen dừa dứa được 18ha, nâng diện tích dừa lên 226/230ha, đạt 98,26% chỉ tiêu, còn lại 30ha diện tích vườn cây ăn trái các loại. Người dân trên địa bàn đã cải tạo vườn kém hiệu quả được 3/6ha để chuyển sang trồng các loại cây như: dừa, ổi, chanh…

Cùng với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng “Đô thị văn minh”, thị trấn Cù Lao Dung cũng quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống. Theo đó, nghề bó chổi ở ấp Phước Hòa A đang góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Sản phẩm chổi được làm từ cọng dừa nơi đây được cung ứng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh như: Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang… Đặc biệt có cơ sở làm chổi còn xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Để nghề làm chổi ở địa phương thêm phát triển, UBND thị trấn đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, mong muốn được công nhận là “Làng nghề bó chổi Rạch Già”.

Để phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa nói riêng được cấp ủy đảng, chính quyền thị trấn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cán bộ, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí, ngày công lao động vào việc trùng tu, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Cùng với Khu di tích Đình Rạch Giồng - địa điểm thành lập Trường Đảng đầu tiên tỉnh Sóc Trăng, Khu di tích chiến thắng Rạch Già trên địa bàn thị trấn đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, hội viên và các em học sinh ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng cách mạng, và từng làm giao liên trong thời chiến, ông Nguyễn Văn Dữ ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung phấn khởi vì diện mạo vùng căn cứ cách mạng ngày nào đã đổi thay nhanh chóng trong những năm qua. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ rõ: “Sau giải phóng, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đường sá đi lại khó khăn vì chỉ có những chiếc cầu khỉ được dựng lên từ những cây tre, cây cau đơn sơ để người dân qua sông, rạch. Ở địa phương không có trường cấp 3, nhà nào có điều kiện lắm mới cho con vượt phà đi học ở thị trấn Đại Ngãi (Long Phú)”.

Chỉ tay ra con lộ bê tông trước nhà, ông Dữ kể: “Con đường này hơn 20 năm trước là đường đất nhỏ hẹp, chỉ là bờ đê để chống triều cường. Còn phía ngoài đê là bãi bồi ven sông. Bây giờ, đường sá đã được bê tông kiên cố nhiều lắm rồi, hệ thống điện được kéo về tận nơi, giúp gia đình tôi phát triển nghề nuôi tôm với diện tích ao nuôi 3.000m2 ổn định trong những năm qua. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư đồng bộ, con cháu được đến trường”. Với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, người dân cũng thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất. Nhiều hộ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, trồng trọt để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.

Đường giao thông nông thôn ở thị trấn Cù Lao Dung ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: THIỆN HẢI

Đồng chí Thạch Thanh Cang - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cù Lao Dung cho biết, trong phát triển kinh tế, thời gian tới, UBND thị trấn sẽ tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên để mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phát huy ngành nghề truyền thống tại địa phương. UBND thị trấn cũng tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký các mô hình chuyển đổi sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, tăng cường phát huy các sản phẩm OCOP hiện có ở địa phương. Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Sự phát triển của vùng quê cách mạng Cù Lao Dung hôm nay là sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Truyền thống của vùng quê cách mạng là động lực, nền tảng để Đảng bộ và nhân dân thị trấn Cù Lao Dung tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển trong thời kỳ đổi mới.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/hanh-trinh-48-nam-dat-su-no-hoa-64696.html