'Hành quân' nơi đầu sóng

Kỳ 3: Những “pháo đài thép” trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc

Cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam còn có một thềm lục địa phía Nam biển Đông, có diện tích khoảng 80.000 km2, với các bãi đá ngầm san hô nhô cao dưới mặt nước. Trên thềm lục địa rộng lớn ấy, đang có 15 nhà giàn DK1 trấn giữ, tạo thành hệ thống những “pháo đài thép” bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa - vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hơn 30 năm kể từ ngày nhà giàn DK1 đầu tiên được cắm mốc chủ quyền trên biển, đã có biết bao máu xương của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên các nhà giàn đã hòa vào lòng biển mặn để những “pháo đài thép” đứng sừng sững giữa trùng khơi sóng cả. Và ngày hôm nay, tiếp bước truyền thống anh hùng cách mạng đó, những người lính trẻ vẫn ngày đêm chắc tay súng giữ bình yên vùng biển, vùng trời thiêng liêng.

Nhà giàn DK1 vững vàng nơi chân sóng

Nhà giàn là tên gọi tắt của các Trạm Dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý, do CBCS Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân quản lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ kinh tế - Khoa học kỹ thuật.

Nhiệm vụ của nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên.

Vùng thềm lục địa ấy là tiền đồn phía Nam của Tổ quốc, thường được những người lính Hải quân gọi bằng cái tên thân thương - biển nhà giàn hay vùng biển DK1. Vùng biển này có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển của nước ta.

Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ngày nay, trên vùng đặc quyền kinh tế ấy, Việt Nam đã xây dựng 7 cụm nhà giàn với 15 điểm đóng quân, trên các bãi: Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, bãi cạn Cà Mau.

Có mặt trong chuyến công tác thăm, chúc Tết CBCS trên nhà giàn DK1 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng tôi may mắn được đặt chân lên nhà giàn DK1/10 (thuộc bãi cạn Cà Mau) sau nhiều lần nhỡ hẹn với các nhà giàn tại Cụm Phúc Nguyên và Cụm Tư Chính.

Khi tàu cập chân nhà giàn, anh em phóng viên như quên đi những cơn say sóng, nhanh chóng vào vị trí chuẩn bị tác nghiệp

Trước mũi tàu Trường Sa 21, nhà giàn DK1/10 hiện ra là một khối kết cấu thép vững chãi trên chân sóng. Đây là nhà giàn duy nhất chưa được nâng cấp và đây cũng là nhà giàn gần với đất liền nhất.

Cũng như các nhà giàn khác, DK1/10 được lắp đặt hải đăng, có sân bay trực thăng, thiết bị thu, phát sóng truyền hình vệ tinh, điện năng lượng mặt trời... Trong không gian nhà giàn chỉ vài chục mét vuông, từng khu vực chức năng, vật dụng được các chiến sĩ bố trí ngăn nắp, gọn gàng.

Theo dõi mục tiêu từ phía nhà giàn

Giữa trùng khơi sóng cả, quanh năm thiếu bóng cây, vắng bóng người, dẫu khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng các CBCS, luôn kề vai sát cánh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người canh biển trên pháo đài thép bên thềm lục địa.

Trung úy Phan Tiến Tùng, Chính trị viên nhà giàn DK1/10 chia sẻ: “Ở đây chỉ có hai mùa. Mùa mưa đi qua với những cơn giông bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió quật tứ bề. Mùa khô thì nắng rát mặt, thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi phải sử dụng tiết kiệm tối đa nước sạch trong sinh hoạt. Bởi ở đây chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa là chính. Nhưng khó khăn nào rồi những người lính Hải quân cũng có cách khắc phục. Hằng ngày, nước vo gạo sẽ được dành lại để tưới vườn rau. Nước dùng rửa bát đĩa sẽ tiết kiệm để vệ sinh chuồng trại nuôi gà, lợn… Cứ thế, chúng tôi ở đây quen dần với nếp sinh hoạt trong ngôi nhà giữa biển, càng thêm vững niềm tin để canh biển, canh trời”.

Thật vậy, nhìn những thùng xốp với đủ các loại rau từ mồng tơi, rau cải, rau dền đến rau muống… đều xanh một màu xanh ngút mắt; có những lá cải to hơn cả bàn tay, chúng tôi như tin rằng, dẫu rễ cây không mọc lên từ biển và chỉ với những giọt nước ngọt được chắt chiu cũng quý như máu vậy nhưng rau ở đây như nằm nghe tiếng sóng, tắm nắng biển mà xanh mướt, tốt tươi. Chính những vườn rau lơ lửng trên đầu sóng ấy đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm quý giá cho CBCS.

Hằng năm, những hạt giống rau, những thùng đất tơi xốp cho đến những đàn gà con, ngan, ngỗng đều theo tàu từ đất liền chở ra và phải trải qua bao gian truân, vất vả mới lên được nhà giàn. Trồng rau xanh trên nhà giàn đã khó, nhưng tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà trên đó còn ly kỳ hơn gấp bội. Từng diện tích nhỏ, hẹp, từng ngóc ngách của ngôi nhà đều được tận dụng triệt để và sắp xếp, bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi.

Tết năm nào cũng vậy, anh em trên nhà giàn đều tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng. Nhìn những chiếc bánh chưng được CBCS trên nhà giàn DK1/10 gói vuông vắn, bao bọc bên ngoài là lớp lá dong đã ngả màu úa vàng, không còn tươi nguyên như lúc lên tàu nhưng vẫn cảm nhận được hương vị Tết cổ truyền nồng ấm trên ngôi nhà giữa biển.

Không chỉ là “pháo đài thép” canh biển, mỗi nhà giàn còn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi. Các hoạt động như trợ giúp ngư dân khi gặp nạn, cấp cứu, khám, chữa bệnh kịp thời cho ngư dân, chia sẻ nước ngọt, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt cá… đã thắt chặt thêm tình quân dân trên mỗi cột mốc chủ quyền.

Chiến sĩ nhà giàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trong mọi tình huống

Hơn 30 năm qua, đã có nhiều hy sinh mất mát trên vùng biển thềm lục địa phía Nam này. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những cơn bão dồn dập ập đến với sức tàn phá khủng khiếp, đã đánh đổ, nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực và một số CBCS trên nhà giàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ - Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến phút cuối cùng để giữ thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi tan vào lòng biển khơi.

Quên sao được tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường... không một chút do dự chấp hành nghiêm mệnh lệnh và rồi, đã dũng cảm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Còn biết bao tấm gương hy sinh của các đồng chí mà chưa thể kể hết được đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang trong suốt chặng đường 67 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Mùa Xuân về trên pháo đài canh biển cũng rực rỡ sắc mai đào, cũng lá dong, gạo nếp thơm hương vị đất liền và những tiếng đàn, tiếng sáo vang lên cùng lời ca tiếng hát thắm đượm tình quân dân vào một ngày đầu Xuân mới. Bên ngoài cửa sổ, chúng tôi như lặng đi trước màu tím biếc của những cánh hoa lan đang bung nở, những nhành lan được trồng trên ngôi nhà có kết cấu thép này như sự vững vàng, kiên cường của những người lính biển

Tết là thời điểm nhạy cảm và căng thẳng nhất, những con tàu “không mời mà đến” thường âm thầm xuống thềm lục địa phía Nam quấy nhiễu, thăm dò. Nhưng thêm một tuổi đời là thêm một tuổi quân, những người lính ấy càng thêm dạn dày sương gió, kiên định lập trường, ý chí và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trong mọi tình huống; sống, chiến đấu với lời thề: “Còn người, còn nhà giàn!”.

"Đường" đến nhà giàn vô cùng khó khăn, nguy hiểm

Đúng là: Chưa đi chưa biết nhà giàn, đi rồi mới biết gian nan nào bằng... Nhưng tất cả những điều đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nhật ký hành trình của chúng tôi. Để rồi, sau 360 giờ, lẻ 40 phút “hành quân” đến vùng biển thềm lục địa này, lên với các chiến sĩ trên pháo đài thép canh biển đêm ngày, chúng tôi như hiểu hơn những hy sinh, mất mát của lực lượng hải quân để gìn giữ từng cột mốc chủ quyền trên từng hải lý, càng thấm thía hơn cái giá của sự bình yên, vẹn toàn lãnh thổ!.

Chúng tôi càng thêm tự hào và xúc động khi nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên nóc nhà giữa biển. Biết ơn một hải trình đầy ý nghĩa, mỗi chúng tôi tự hứa, sẽ có trách nhiệm hơn với ngòi bút của mình. Rồi đây, chúng tôi tin chắc rằng, biển, đảo và đất liền sẽ ngày một nối lại gần nhau bằng những tình cảm nồng ấm gửi trao cũng như qua những trang viết của những nhà báo từ biển, đảo trở về...

Bài, ảnh: Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95334//%E2%80%9Chanh-quan%E2%80%9D-noi-dau-song