Hạnh phúc muộn

Ba mươi lăm tuổi anh mới lấy vợ. Chị hơn anh 2 tuổi, kém sắc và đã qua một lần đò. Hàng xóm láng giềng dù ít dù nhiều cũng có lời ra tiếng vào. Thời điểm của hai mươi năm trước, đó là một điều rất khó để chấp nhận. Người khinh khỉnh nói cái thằng vậy mà đi lấy đàn bà nạ dòng. Kẻ ác ý lại đồn thổi anh có chứng này tật nọ không ai ưng nên phải quơ đại... Miệng đời làm sao mà cấm được.

Ngày tân hôn, anh nắm chặt tay chị: “Mình đừng để ý làm chi”. Trước khi đoàn đưa dâu ra về, em trai út của chị bước tới vỗ vai anh: “Chị đã bất hạnh một lần, anh đừng làm chị khổ”.

Quá khứ chị thế nào anh đâu có để bụng. Chỉ nhớ hồi ra xứ chị đi cắt lúa mướn, hình ảnh người đàn bà lam lũ từ sáng đến trưa đi nhổ năn bộp bán, mủ dính đỏ đôi bàn tay, chiều về bằm cây chuối nuôi bầy heo đủ lứa con nào cũng béo, cực nhọc mà vẫn cười tươi làm anh nghĩ tới hoài. Sáng ra ruộng theo anh em dân công, chiều về ăn cơm anh luôn lân la ghé nhà để giả đò xin chị chút nước tương hay vài hạt muối để bắt chuyện. Ngày qua ngày, đồng hết việc rồi anh vẫn chưa chịu rời đi. Cứ nấn ná, cứ tới lui, cứ giả đò, mà lúc nào chị cũng thiệt bụng đối đãi nên anh thương người ta lúc nào không biết.

Phụ nữ, nhất là người từng trải như chị thường sâu sắc lắm. Biết “thằng cha” này kỳ cục, chắc là có ý với mình rồi nhưng chị vẫn e dè. Như con thú từng bị đau, chị không dám tin, không dám mơ có ai sẽ thật lòng với người đàn bà đã cũ như chị. Hạnh phúc với chị cảm tưởng rất xa vời. Và rồi, anh phải rời đi, thế mà ngày nào chị cũng ngóng ra bến sông chờ chiếc ghe tròng trành quay lại.

Bẵng đi một thời gian tưởng như bóng chim tăm cá, bèo nước gặp nhau thoáng chốc rồi quên, thì một ngày có người tới nhà mối mai. Ba chị đồng ý để người ta tới. “Có bạn có bầy vẫn hơn, con không thể ở vậy cả đời” - ba chị khuyên nhủ. Chị tự ti, buồn tủi phận mình thì ít, nỗi nhớ người dưng nhiều hơn. Đó là lúc chị biết mình cũng đã thầm cảm mến người đàn ông chịu thương, chịu khó ấy.

Duyên trời đưa đẩy, chị đã đồng ý cho mình một cơ hội nữa. Ba anh là liệt sĩ, anh sống một mình với mẹ, hai đứa em dưới anh đều đã có gia đình và ra ở riêng. Đám cưới dẫu đơn sơ nhưng chị được giới thiệu với hết thảy bà con họ tộc và được rình rang đón rước. Cưới xong, cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chị không nề hà, luôn đồng lòng, chung sức theo anh. Anh không đi ghe cắt lúa đồng xa mà ở hẳn nhà, cắt lúa mướn cho xóm giềng. Đến mùa mạ non anh dặm mướn, cấy mướn. Lúc nông nhàn, chị bắt tay vào chăn nuôi đủ loại nào heo, vịt, bò, gà. Chắt chiu dành dụm, chị thu vén trước sau vẹn tròn. Rồi hai đứa con - một gái, một trai của anh chị lần lượt chào đời. Sinh nở ở tuổi cận kề 40 nhưng may mắn chị và các con bình an, khỏe mạnh.

Bây giờ anh chị đâu ai còn trẻ nữa, đều hai thứ tóc trên đầu. Vậy mà vẫn tương kính như tân, vẫn nhẹ nhàng, trìu mến yêu thương, cùng nhau trải qua biết bao thăng trầm, vất vả.

Giờ các con đều lớn khôn, có thể đỡ đần anh chị mọi việc. Tích góp cả đời, anh chị cũng đã xây được căn nhà mới khang trang. Nhưng tin rằng, chẳng có ngôi nhà nào ấm áp hơn tình yêu của hai người đã dám nắm tay nhau cùng bước qua mọi "bão giông" và định kiến.

Trường Yên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/151766/hanh-phuc-muon