Hàng triệu sinh viên ra trường không lo thất nghiệp nếu biết những điều này

Để trở thành những ứng viên sáng giá, đáp ứng tiêu chí mà các công ty yêu cầu, sinh viên năm cuối cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức chuyên môn và cả kỹ năng xin việc.

Trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ; thêm vào đó, các ứng viên cần có những kỹ năng xin việc nhất định.

Kỹ năng mềm chỉ là một tập hợp những phẩm chất, thói quen, quan điểm và nhận diện xã hội của một cá nhân, giúp cho con người đó trở thành một nhân viên tốt và có khả năng thích nghi với đồng nghiệp và công ty.

Các doanh nghiệp đề cao vai trò của kỹ năng mềm vì các nghiên cứu và kinh nghiệp thực tế cho thấy rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng cứng về chuyên môn.

Kỹ năng xin việc được đánh giá là rất quan trọng trong quá trình các nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên (Ảnh: TL)

Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Dù ứng tuyển vào bất kì vị trí nào, nếu có kỹ năng mềm đa phần sẽ được đánh giá cao hơn. Đặc biệt, trong các vị trí quản lý, kỹ năng này lại càng quan trọng. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đề cập 5 kỹ năng xin việc cho sinh viên năm cuối chuẩn bị trước khi ra trường. Sinh viên và các bậc phụ huynh có thể tham khảo thêm nhằm giúp hành trình xin việc của bản thân/con em mình được diễn ra dễ dàng hơn.

5 kỹ năng xin việc sinh viên cần phải có

Kỹ năng xây dựng networking và nhận giới thiệu

Đối với sinh viên hiện nay, việc xây dựng networking (mạng lưới quan hệ) là bước đi quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm. Sau khi tìm hiểu về thị trường lao động, sinh viên có thể xin ý kiến từ những người đi trước.

Ứng viên nên tìm hiểu và học hỏi kỹ năng xin việc từ những thế hệ trước (Ảnh: TL)

Một số câu hỏi liên quan đến kỹ năng xin việc mà sinh viên có thể chủ động tìm hiểu như: Làm thế nào có được công việc đầu tiên sau khi ra trường? Kỹ năng nào là quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình? Ở công ty có công việc nào phù hợp với con/em không? Gợi ý ai đó nên làm quen để thử tìm cơ hội việc làm…

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia vào các câu lạc bộ chuyên môn tại trường, ngày hội tuyển dụng, hội chợ việc làm cũng là cơ hội tốt để tìm ra việc làm phù hợp. Đặc biệt, khi tham gia ngày hội tuyển dụng hay hội chợ việc làm, bạn nên trò chuyện với những ứng viên khác để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Kỹ năng viết CV

Viết CV là điều bạn cần tìm hiểu ngay khi bước vào năm cuối đại học, vì đây là yêu cầu thiết yếu cần phải có khi đi xin việc. Nếu bạn đang nhắm đến nhiều công ty có màu sắc khác nhau, thì bạn nên tạo nhiều phiên bản CV để phù hợp với từng vị trí ứng tuyển.

Trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ; thêm vào đó, các ứng viên cần có những kỹ năng xin việc nhất định. (Ảnh: TL)

Việc tạo 1 bản CV chuyên nghiệp giờ đây rất dễ dàng, khi có nhiều ứng dụng thiết kế CV trực tuyến.

Luyện tập kỹ năng phỏng vấn

Nhằm giúp bản thân tự tin, thoải mái, trả lời khéo léo hơn, bạn nên luyện tập trả lời phỏng vấn trước khi có hẹn phỏng vấn. Bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm đi phỏng vấn của những anh chị đi trước và từ đó rút ra kinh nghiệm với bản thân.

Kỹ năng về ngoại ngữ

Trong xu thế hội nhập, nếu bạn giỏi ngoại ngữ thì cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Những bạn sinh viên mới ra trường giỏi ngoại ngữ thường có mức thu nhập lý tưởng hơn so với những bạn yếu ngoại ngữ.

Đồng thời, những người giỏi ngoại ngữ còn có cơ hội làm việc cùng các đối tác nước ngoài và làm việc tại công ty, doanh nghiệp quốc tế.

Biết những kỹ năng xin việc quan trọng, bạn sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng (Ảnh: TL)

Kỹ năng quản lý tài khoản mạng xã hội

Bạn nên kiểm tra xem tài khoản mạng xã hội có thể gây bất lợi đến việc tìm kiếm việc làm của mình hay không. Hiện nay có nhiều nhà tuyển dụng tiến hành kiểm tra ứng viên bằng cách tìm hiểu thông tin, lối sống, cách cư xử hàng ngày của họ trên mạng xã hội. Cho nên, bạn nên cài đặt quyền riêng tư hoặc ẩn, xóa những gì có thể để lại ấn tượng xấu đối với người khác.

Đồng thời, bạn có thể theo dõi các lãnh đạo trong ngành hoặc công ty mà mình quan tâm trên mạng xã hội. Những bài viết chia sẻ về thành tích học tập, điều bạn cảm thấy thú vị trong cuộc sống, công việc cũng là cách “ghi điểm” với nhà tuyển dụng.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hang-trieu-sinh-vien-ra-truong-khong-lo-that-nghiep-neu-biet-nhung-dieu-nay-172240215164440814.htm