Hàng quán mọc lên như nấm nhờ trend ăn uống của giới trẻ?

Nổi lên từ các nền tảng mạng xã hội, các trend ăn uống (xu hướng ăn uống) của giới trẻ đã thúc đẩy hàng loạt hàng quán ra đời để bắt kịp xu thế, bất chấp các rủi ro về tài chính kinh doanh.

iPos.vn, đơn vị cung ứng giải pháp kinh doanh cho thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) cho biết, bất chấp kinh tế còn nhiều khó khăn, tính đến hết năm 2023, số lượng nhà hàng, cà phê tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm 2022.

Số liệu này được đưa ra trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam trong năm 2023, sau khi khảo sát gần 3.000 nhà hàng/quán ăn và gần 4.000 thực khách trên cả nước.

Trend ăn uống giới trẻ thúc đẩy số lượng cửa hàng tăng

iPos.vn cho rằng, sự tăng trưởng tích cực trong việc mở rộng kinh doanh, đến từ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ẩm thực mang tính trend khiến hàng loạt các mô hình quán nhỏ, kiosk bán hàng ra đời.

Báo cáo chỉ ra, trong năm 2023, cứ ba người Việt thì có ít nhất hai người chạy đua theo trend ăn uống ẩm thực đường phố.

“65.3% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát cho biết rằng họ đang bắt kịp xu hướng với việc lựa chọn món ăn, đồ uống ưa thích theo trend ăn uống. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực trong thời đại ngày nay ra sao”- báo cáo viết.

Trong đó, cà phê muối là món chiếm vị trí số 1 trong các ẩm thực xu hướng đã nổi trội trong năm 2023. Tiếp nối là trà mãng cầu (19,5%), trà ô long đậm vị (11,4%), gỏi gà măng cụt (10,7%), trà chanh giã tay (7,5%)…

Báo cáo chỉ ra, trong năm 2023, cứ ba người Việt thì có ít nhất hai người chạy đua theo trend ăn uống ẩm thực đường phố.

Trend ăn uống của giới trẻ đã thúc đẩy sự gia tăng về số lượng nhà bán trên thị trường. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Điều đáng tiếc nhất trong trend ăn uống là cơn sốt bánh đồng xu phô mai khi chỉ có 9,8% thực khách yêu thích. Trong khi đó, để mở bán mô hình này, chủ đầu tư phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để đầu tư thiết bị (4 - 6 triệu/máy làm đồng xu) và nguyên liệu khá đắt đỏ. Tuy vậy, trend ăn uống này không kéo dài được bao lâu.

Thực tế, chỉ sau một tháng kể từ khi bùng nổ, tại TP.HCM trên các hội nhóm, người bán đua nhau đăng tải thanh lý xe và máy làm bánh, cũng như nguyên liệu bán với giá rẻ.

Một nguyên nhân khác thúc đẩy số lượng hàng quán tăng đến từ những "tay chơi mới" với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đã nhân cơ hội để mở rộng kinh doanh với các mặt bằng kinh doanh đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM.

Ở góc độ vĩ mô, những yếu tố trên đã thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường F&B về số lượng nhà bán, dù mức tăng trưởng này được đánh giá là thấp hơn so với kỳ vọng hồi đầu năm.

Nhìn về tương lai của F&B trong năm 2024, đơn vị này kỳ vọng thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỉ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.

Đặc biệt, năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ, sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.

TikTok trở thành kênh review yêu thích của giới trẻ

Cũng theo báo cáo này, hiện nay thực khách Việt có xu hướng xem review (đánh giá) trên các phương tiện internet cũng như mạng xã hội (chiếm 85,1%) trước khi thực hiện quyết định ăn uống của mình.

Trong đó, Tik Tok đã trở thành kênh đánh giá ẩm thực được yêu thích nhất tại Việt Nam, khi có tới 47% thực khách, đặc biệt là nữ giới lựa chọn nền tảng này để xem review về ẩm thực. Sau đó mới tới nền tảng Facebook (24,1%), Google (6.5%), Youtube 4,0%...

Với sự tăng trưởng và sức hút của TikTok, iPos.vn cho rằng, nền tảng này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mang đến cho người dùng trải nghiệm ẩm thực ngày càng hoàn thiện và ấn tượng hơn.

Gen Z - khách hàng tiềm năng cho thị trường F&B

Đánh giá của iPos.vn cho biết, thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) đang dần trở thành nhóm khách hàng chiếm lĩnh thị trường. Thêm vào đó, nhóm khách hàng gen Z không chỉ “chịu chơi” mà còn “chịu chi”. Với sự tò mò và khao khát cho những trải nghiệm mới, khách hàng gen Z luôn tìm kiếm sự mới lạ, có tính sáng tạo cao và sẵn sàng chi tiền để có được những trải nghiệm này.

Tuy vậy, thế hệ này được nhận định là thiếu tính trung thành với sản phẩm và thương hiệu. Chính vì thế, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, và giữ chân khách hàng gen Z đang là mục tiêu của rất nhiều nhãn hàng F&B hiện nay.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-quan-moc-len-nhu-nam-nho-trend-an-uong-cua-gioi-tre-post782818.html