Hàng qua Cảng Đà Nẵng lần đầu tiên vượt mức 7 triệu tấn/năm

Sáng 1/1/2017, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế TƯ, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng chính thức công bố lần đầu tiên vượt mức 7 triệu tấn hàng trong năm 2016 và đón chuyến hàng đầu năm mới 2017

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, kết thúc năm 2016, sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng chính thức đạt mốc 7,25 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2015, trong đó sản lượng container đạt khoảng 320.000 TEUs, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015.

Cảng Đà Nẵng khánh thành cẩu QCC3 và đón chuyến hàng đầu tiên trong năm mới 2017 (Ảnh: HC)

Với kết quả trên, Cảng Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị thế là cảng container số 1 miền Trung trong suốt nhiều năm qua, và đã vượt qua các cảng bạn trong khu vực để trở thành cảng biển lớn nhất miền Trung, đồng thời tiến đến là một trong những cảng biển lớn và hiện đại nhất quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Sia cũng chia sẻ, 5 năm qua, Cảng Đà Nẵng luôn giữ được sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng sản lượng hàng hóa bình quân hàng năm 13%, riêng hàng container luôn tăng trưởng ổn định ở mức 24%/ năm, chiếm hơn 60% cơ cấu tỉ trọng sản lượng hàng hóa qua cảng. Hiện Cảng Đà Nẵng mỗi tuần đón khoảng 24 chuyến tàu container cập cảng làm hàng. Các hãng container hàng đầu thế giới như Maersk, Evergreen, MSC, Wanhai, Yangming SITC... đều đã có mặt ở Cảng Đà Nẵng.

Năm 2016, Cảng Đà Nẵng cũng đón 73 lượt tàu du lịch với 135.000 khách và thuyền viên cập cảng, tăng 250% so với năm 2015. Đáng chú ý, quý 4/2016, Cảng Đà Nẵng đã hoàn thành nâng cấp bến số 5 và bắt đầu đón tàu du lịch Genting Dream với chiều dài 335m, sức chứa 3.500 khách – là một trong những tàu du lịch hạng sang và lớn nhất thế giới – cập cảng định kỳ hàng tuần.

Năm 2016, Cảng Đà Nẵng cũng đã khởi công dự án mở rộng cảng Tiên Sa Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2018. Đồng thời đầu tư thêm nhiều trang thiết bị cơ giới, trong đó nổi bật là QCC số 03. Hiện cẩu QCC1 đã sử dụng trên 12 năm, cẩu QCC2 đã sử dụng gần 30 năm nên năng lực bốc xếp không thể đảm bảo năng suất ngày càng cao theo nhu cầu của các hãng tàu container và các chủ hàng.

Với việc đưa cẩu QCC3 (do Công ty Kirow Ardetl GMBH của Đức trúng thầu lắp đặt) vào khai thác, năng suất bốc xếp container tại bến 5 với cẩu QCC1&3 có thể đạt trên 55 moves/1 giờ và so với năng suất QCC1&2 trước đây là 45 moves/giờ thì năng suất đã tăng trên 20%. Năng suất bốc xếp tăng lên đồng nghĩa với thời gian tàu lưu tại cảng sẽ giảm đi, góp phần tăng hiệu quả khai thác cho các hãng tàu cũng như các chủ hàng.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng có mức tăng trưởng với lợi nhuận ổn định, hiệu quả cao so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua, trong đó sản lượng hàng container đạt 22% là tốc độ tăng trưởng lớn, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng hàng container của cả nước (đạt 11%).

Nhân dịp đón tấn hàng đầu tiên của năm mới 2017 từ tàu Bindi Ipsa (quốc tịch Panama) cập cảng sáng 1/1, ông Nguyễn Hữu Sia cũng công bố mục tiêu của Cảng Đà Nẵng trong năm 2017 đạt 7,6 triệu tấn hàng qua cảng, trong đó container là 360.000 TEUs. Đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng 10 triệu tấn, container 620.000 TEUs.

Về định hướng lâu dài, Cảng Đà Nẵng cùng với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang tiến hành xin chủ trương TP Đà Nẵng để đầu tư vào cảng Liên Chiểu, mục tiêu tới năm 2022 sẽ chuyển một phần hàng hóa về cảng Liên Chiểu, giúp giảm tải cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Đây là bước đi đầu tiên để thực hiện giấc mơ đưa Cảng Đà Nẵng (trong đó chủ lực là cảng Liên Chiểu) trở thành cảng trung chuyến quốc tế có tầm ảnh hưởng đến khu vực ASEAN và châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, theo quy hoạch phát triển Cảng Đà Nẵng đến năm 2020 – 2025, công suất cảng Tiên Sa sẽ đạt 10 – 12 triệu tấn. Tuy nhiên việc phát triển Cảng Đà Nẵng gắn liền với sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng, vì vậy việc xây dựng cảng Liên Chiểu để chuyển một phần hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang là hết sức cần thiết. Lãnh đạo TP Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của Cảng Đà Nẵng trong việc tham gia vào quá trình phát triển cảng Tiên Sa – Liên Chiểu trở thành cụm cảng động lực của khu vực miền Trung.

Trước đó, chiều 31/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã đến thăm, chúc mừng những thành tựu vượt bậc của Cảng Đà Nẵng, đồng thời giao nhiệm vụ cho cảng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực bốc xếp, đẩy mạnh quảng bá, cải cách thủ tục, thúc đẩy du lịch đường biển... nhằm góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm hàng hóa, du lịch, dịch vụ của khu vực miền Trung Tây Nguyên.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hang-qua-cang-da-nang-lan-dau-tien-vuot-muc-7-trieu-tannam-post218044.info