Hàng nghìn xe khách bỏ bến: Nhà nước thất thu, bến xe lo phá sản

Nhiều bến xe, doanh nghiệp vận tải lao đao bởi ảnh hưởng của vấn nạn xe bỏ bến chạy dù.

Hàng nghìn xe khách bỏ bến đi đâu?

Kỳ 2: Nhà nước thất thu, bến xe lo phá sản

Vấn nạn xe bỏ bến chạy dù diễn biến phức tạp đã phá vỡ loại hình xe tuyến cố định, khiến Nhà nước thất thu thuế rất lớn. Nhiều bến xe, doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản.

Lượng xe vào bến giảm 30 - 40%

Tình trạng xe khách bỏ bến chạy dù khiến nhiều bến xe lớn rơi vào cảnh vắng vẻ (Trong ảnh: Bến xe Miền Đông, TP.HCM). Ảnh: Đỗ Loan.

Sự vắng bóng của các xe tuyến cố định khiến bến xe phía Bắc Hải Phòng rơi vào cảnh đìu hiu dù đã hoạt động gần 10 năm nay.

Phía trong bến hiện trở thành bãi đỗ phương tiện của nhà thầu thi công giao thông, khu vực nhà chờ biến thành kho chứa đồ của một quán nước.

Theo ông Lưu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng - cơ quan chủ quản bến xe Thượng Lý, từ đầu năm 2023, mỗi ngày số chuyến xuất bến giảm khoảng 50 chuyến, doanh thu giảm từ 25 - 30% do xe cắt lốt. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp mạnh, lượng xe xuất bến sẽ giảm đến quá nửa vào cuối năm.

Còn Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp vận tải hành khách đang ở trong giai đoạn rất khó khăn khi vừa phải chịu nhiều chi phí, vừa phải chống chọi với xe hợp đồng đội lốt xe tuyến cố định.

Trong khi xe hợp đồng thuận lợi trong đưa đón khách, nhiều doanh nghiệp tổ chức gom khách rồi chia ra các xe nhỏ đưa về tận nhà thì xe khách tuyến cố định buộc phải đón, trả khách tại bến hoặc các điểm theo quy định, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Thái Bình, thực tế này đang gây ra hàng loạt hệ lụy như mất trật tự ATGT, thất thu thuế của Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp “bức tử” không ít nhà xe trong bến, còn người đầu tư bến xe thì khóc ròng.

Là doanh nghiệp vận tải hành khách lớn ở Hải Phòng, vài năm gần đây, Công ty CP Dịch vụ vận tải Đất Cảng đã chuyển hướng kinh doanh, thu hẹp dần loại hình kinh doanh vận tải tuyến cố định vì không cạnh tranh nổi với xe dù. Từ 200 chuyến xe xuất bến mỗi ngày, giờ đây doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 10 chuyến.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, giám đốc công ty cho biết, công ty này đã chủ động trả lại hàng loạt phù hiệu xe chạy tuyến cố định. Những chiếc xe này được bán đi, số ít còn lại được chuyển đổi thành loại hình xe chạy hợp đồng du lịch, xe chở công nhân.

Theo ông Hải, một xe 45 chỗ xuất bến đầu tuyến Hải Phòng phải chi phí khoảng 200.000 đồng cho bến xe phía Hải Phòng, khoảng 300.000 đồng cho bến xe đầu Hà Nội.

Các xe chạy dù không mất chi phí đầu bến cũng như các chi phí như thuế, lại chạy đón khách ở những điểm nội đô, ngay từ cổng bến nên đã vợt hết khách của các xe đỗ trong bến. Hiện trung bình mỗi xe khách xuất bến của công ty chỉ có khoảng 10 - 20% số ghế có khách.

Ông Trịnh Xuân Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh (chuyên tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa) cũng cho biết, tình trạng xe bỏ bến chạy dù, xe trá hình, hoạt động đã khiến thị phần của các xe tuyến cố định giảm một nửa.

Để vào bến, đơn vị vận tải tuyến cố định còn mất thêm chi phí phòng vé, xe ra vào bến, phơi lệnh, tăng cường nhân viên hướng dẫn khách di chuyển trong bến, tăng thêm phương tiện để trung chuyển hành khách từ bến xe vào nội thành.

Mặc dù vậy, giá vé tuyến cố định không cao hơn các loại xe dù, xe trá hình, thậm chí, việc thay đổi giá vé mỗi dịp biến động còn phức tạp, kê khai đủ thứ để được xét duyệt.

Theo Cục Đường bộ VN, thời gian gần đây, tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy dù ngày càng có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp.

Điều này khiến lượng khách đến các bến xe trên toàn quốc giảm khoảng 30 - 40% so với trước, nhiều bến có nguy cơ phá sản.

Thất thu thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng

Tại TP.HCM, hiện chỉ còn 50 đơn vị vận tải hoạt động ở bến xe miền Đông (đạt 47% so với thời điểm trước) với gần 300 chuyến xe bỏ bến, ra ngoài chạy dù.

Đơn cử tuyến Quảng Ngãi chỉ còn hoạt động 3/20 chuyến/ngày so với trước đây. Với tuyến này, bến thu 10.920 đồng/ghế, doanh thu mỗi ngày 3,5 triệu đồng trước đây giờ chỉ còn 1,4 triệu đồng.

Tính tổng các tuyến khác, mỗi ngày bến xe miền Đông bị giảm thu từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Mỗi ngày Nhà nước thất thu hàng chục triệu đồng, mỗi tháng thất thu hàng trăm triệu đồng ở bến này.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc bến xe Miền Đông mới, việc các xe không vào bến, hành khách đi xe mà không mua vé, Nhà nước sẽ thất thu thuế từ tiền bán vé.

“Mỗi ngày có hàng chục hàng khách đi lại từ những loại xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, chỉ tính 8% thuế VAT, Nhà nước đã thất thu biết bao nhiêu? Chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không kiểm soát được”, ông Huy nói.

Tại Hà Nội, đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, so với tháng 5/2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát), tháng 5/2023, lượng khách vào các bến của đơn vị giảm từ 701.068 người xuống còn 312.827, tức giảm 388.251 hành khách.

Chỉ lấy trung bình giá vé 250.000 đồng/vé, khoản thất thu thuế VAT trên vé tại các bến xe ở Hà Nội (chưa tính bến Nước Ngầm) là hơn 9,7 tỷ đồng/tháng.

Doanh thu của công ty này cũng giảm từ 10,4 tỷ đồng (tháng 5/2019) xuống chỉ còn 8,4 tỷ đồng (tháng 5/2023).

Như vậy, chỉ tính 2 đơn vị, mỗi tháng có thể thấy số tiền Nhà nước thất thu đã lớn mức nào. Trong khi đó, cả nước có hàng trăm bến xe, nếu nhân lên, khoản thất thu thuế từ xe bỏ bến chạy dù có thể lên đến vài trăm tỷ đồng.

Chưa kể, việc các xe trá hình hoạt động, thu tiền trực tiếp, không xé vé cho hành khách, cơ quan thuế không kiểm soát được thu nhập doanh nghiệp, khoản thất thu thuế còn lớn hơn nhiều.

Nhiều hệ lụy

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số xe kinh doanh vận tải tuyến cố định chỉ khoảng 21.000 xe nhưng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (loại xe limousine) lên đến 180.000 xe (gấp hơn 8 lần xe tuyến cố định). Hàng chục nghìn xe tuyến cố định đã bỏ bến chuyển sang chạy loại hình xe hợp đồng trá hình.

Thực chất, các xe hợp đồng đang chạy theo tuyến cố định vì không có hợp đồng vận tải như quy định hiện hành mà bên vận tải và hành khách kết nối với nhau qua điện thoại hoặc các nền tảng kết nối để đến đón và đưa khách đến nơi cần đến.

Do không được quản lý theo quy định nên lái xe thường chủ quan phóng nhanh dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao, gây ùn tắc giao thông ở các đô thị.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, xe khách chạy tuyến cố định sẽ nộp phí khoảng 80 - 100 nghìn đồng tại bến.

Như vậy, chỉ tính một lượt chạy/xe/ngày, 10 xe núp bóng “hợp đồng” của một nhà xe đã giảm được 800 nghìn đồng, 1 tháng giảm 24 triệu đồng, chưa kể các loại phí khác; các nhà xe vì thế mà theo nhau bỏ bến.

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-nghin-xe-khach-bo-ben-nha-nuoc-that-thu-ben-xe-lo-pha-san-d597259.html