Hàng loạt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mới nhất do TAND Tối cao đề xuất

Tại Dự thảo Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51, 52 của BLHS 2015, TAND Tối cao đã làm rõ các tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội…

Dự thảo nêu rõ, “phạm tội có tổ chức” được hiểu là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện: Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Về tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”, đây được hiểu là việc người có chức vụ, quyền hạn dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Về tình tiết “phạm tội vì động cơ đê hèn” được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc, hèn nhác nhằm mục đích trả thù hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác.

Về tình tiết “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm.

“Phạm tội 2 lần trở lên” được hiểu là đã có từ 2 lần phạm tội trở lên đối với một tội phạm mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết “tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”, tái phạm được hiểu là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Đặc biệt, Dự thảo còn đề xuất nguyên tắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, đó là khi xác định mức hình phạt mà người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS.

Khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (ở khoản nặng hơn) mặc dù họ cũng phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung ở khoản nhẹ hơn và tình tiết nhẹ hơn cũng được BLHS quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52.

Việc xác định thời điểm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một số trường hợp phải rõ ràng, bảo đảm tính công bằng…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-tinh-tiet-tang-nang-trach-nhiem-hinh-su-moi-nhat-do-tand-toi-cao-de-xuat-post572616.antd