Hàng loạt BOT 'ăn chặn' tiền dân và cái 'vỗ vai' của lãnh đạo cấp cao

BOT Cai Lậy đã trở thành vấn đề thời sự nóng hổi nhất trong 2 tuần vừa qua. Điều đáng nói, từ những bất cập tại BOT Cai Lậy Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt BOT "ăn chặn" tiền của dân cũng khiến dư luận bức xúc không kém.

Sau vụ lùm xùm Bộ GTVT đã họp bàn với nhà đầu tư cùng Sở GTVT tỉnh Tiền Giang và cuối cùng đi đến quyết định giảm giá vé cho các phương tiện qua BOT từ 35.000 xuống còn 25.000 đồng. Nhưng điều đáng nói với quyết định đó, các tài xế tỏ ra không phục, theo họ vấn đề ở đây không chỉ là mức thu phí mà mẫu chốt của vấn đề là do vị trí đặt trạm hoàn toàn sai.

Tại cuộc họp chiều 17/8, lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra nhiều văn bản viện dẫn, không thừa nhận (hay không dám thừa nhận) sai lầm tại Trạm thu phí Cai Lậy - đó là vị trí đặt trạm bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu.

Hàng loạt dự án BOT sai phạm

Cũng theo Bộ GTVT cả nước hiện có 77 trạm thu phí đường bộ. Trong đó trên tuyến QL1 có 26 trạm thu phí BOT, nhiều dự án BOT tiến hành bằng cách làm đường mới, tránh các đô thị nhưng vẫn gộp lại để thu trên QL1A.

Trong đó có dự án BOT Cai Lậy, sau đó là đến các dự án như: BOT tuyến tránh Phủ Lý (Hà Nam) “tráng men” lại mặt đường QL1A và đặt trạm thu phí trên QL1A tại Đồng Văn (Hà Nam); dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hoá thu tại trạm thu phí Tào Xuyên trên QL1A (hiện mới tạm dừng do hoàn vốn quá nhanh).

Dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy, BOT Cầu Rác trên QL1A để thu phí cho tuyến tránh TP. Hà Tĩnh… Dự án BOT QL1A đoạn Bắc Giang- Lạng Sơn (bao gồm nâng cấp QL1A và làm tuyến cao tốc mới) đang triển khai, khi hoàn thành cũng sẽ thu phí cả hai tuyến.

Ngoài ra, các trường hợp trạm thu phí gây bức xúc cho người dân trên QL1A, trên các tuyến quốc lộ khác hiện còn rất nhiều. Điển hình như dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình (gắn với tăng cường mặt đường QL6) cũng thu phí cả hai tuyến; BOT QL3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), Trạm thu phí QL2 cầu Việt Trì, QL 39 Kiến Xương (Thái Bình)...

Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình cũng có nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong các dự án BOT này. Như việc nhà đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc - Hoà Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý.

Còn với dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cũng sẽ thu trên cả QL3 và tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới Thanh tra Chinh phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt thì tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài 28km nhưng quyết định đầu tư đã phê duyệt quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch, cụ thể phê duyệt chiều dài tới 40,7km. Làm tăng tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cho biết dự án được phê duyệt bao gồm cả việc cải tạo nâng cấp mở rộng Km93 đến Km100 Quốc lộ 3 cũ.

“Theo quy định về quản lý hệ thống giao thông thì việc cải tạo nâng cấp đoạn tuyến QL3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng Bộ GTVT đã phê duyệt ghép vào dự án BOT là không đúng quy định hiện hành”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Theo thanh tra, việc quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở 2 nơi là không hợp lý.

BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Không có chuyện Bộ GTVT quyết định hết

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang từng cho biết, trước đây, dự án chỉ có một hạng mục làm mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 12 km, nhưng sau đó có thêm hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km tuyến QL1.

“Những hạng mục công trình này là do Bộ GTVT quyết định hết. Quá trình sử dụng, nếu đoạn QL1 dài 26,5 km này và tuyến tránh Cai Lậy bị hư hỏng thì chủ đầu tư sẽ phải duy tu, sửa chữa trong thời gian thu phí”- ông Bon nói.

Tuy nhiên, theo tài liệu dự án cho thấy, ngày 28/10/2013, Bộ GTVT ban hành văn bản gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Tiền Giang và UBND tỉnh Tiền Giang xin ý kiến thống nhất về dự án.

Bộ GTVT cho rằng, phương án này sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua QL1 hiện tại do tránh trạm thu phí, dẫn tới tình trạng tiếp tục gây ùn tắc và TNGT trên tuyến QL1 qua thị trấn Cai Lậy; đồng thời, hiệu quả tài chính dự án rất thấp (thời gian thu phí trên 30 năm), không thu hút được nhà đầu tư.

Chỉ sau đó vài ngày, Phó Chủ tịch Lê Văn Hưởng (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) ký văn bản 5090 ký nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng dự án QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy là rất cần thiết và cấp bách. Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí cho dự án tại Km 1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy”.

Ngày 4/11/2013, HĐND tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản do ông Trần Kim Cát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang ký gửi Bộ GTVT cũng khẳng định: “Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang thống nhất vị trí đặt trạm thu phí dự án trên QL1 tại khoảng Km 1999+900, xã Phú An, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.

Trên cơ sở đó và dựa theo ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1908 ngày 11/11/2013, Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng QL1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 tại văn bản 4173 ngày 19/12/2013.

Vị trí đặt BOT Cai Lậy đã được thống nhất giữa tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT.

Cái 'vỗ vai' nhường dự án cho người nhà lãnh đạo

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố, 100% các dự án BOT giao thông khu vực phía bắc (thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015), được thực hiện không thông qua đấu thầu công khai (chỉ định thầu). Con số này trên toàn quốc cũng cực kỳ khiêm tốn: Chỉ một dự án đấu thầu.

Có thể chưa đầy đủ, nhưng điều này lý giải, một chủ trương đúng (BOT) lại mắc quá nhiều sai phạm, gây ra quá nhiều bức xúc khi thực hiện. Chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích và ở đó chỉ nhà đầu tư, nhóm lợi ích được lợi.

Lý giải về việc này, Bộ GTVT cho biết là việc chỉ định nhà đầu tư BOT thay vì đấu thầu công khai là vì tính cấp bách của dự án, trong khi hầu hết các dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, một chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn tư nhân đa ngành uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông cho hay, ông đã không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013.

Ông cũng chia sẻ, mình đã từng được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao.

Đến sáng 21/8, Trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa thu phí trở lại dù được Bộ GTVT cho phép thu lại sau một tuần xả trạm.

Minh Tuệ (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/hang-loat-bot-an-chan-tien-dan-va-cai-vo-vai-cua-lanh-dao-cap-cao