Hàng không Việt: Chưa ngang tầm khu vực

Ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có những đóng góp lớn hơn trong việc thúc đẩy du lịch, giao thương và đầu tư.

Dư địa hẹp

230 tàu bay sẽ là quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 nếu chiểu theo Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình lên Bộ Giao thông vận tải.

Cần phải nói thêm rằng, giai đoạn 2011 - 2015, thị trường hàng không tăng trưởng trung bình 15%, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng được đánh giá là “chưa từng có”, với 22,2% vào năm 2015 và 31,2% trong 9 tháng năm 2016.

Đội tàu bay của 4 hãng hàng không nội địa cũng tăng mạnh, từ 94 chiếc năm 2011 lên 141 chiếc vào quý III/2016, chủ yếu là do sự gia nhập thị trường dồn dập của Vietjet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với quy mô đội tàu bay sau 4 năm tới được Cục Hàng không Việt Nam lên kế hoạch, các hãng hàng không chỉ được phép mua sắm thêm tối đa 89 chiếc nữa, tính trung bình khoảng 22 chiếc/năm.

“Đây là dư địa hẹp nếu so với nhu cầu của thị trường cũng như mong muốn của các hãng hàng không”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Bên cạnh đó, số liệu mới nhất từ CAPA Fleet Database cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng máy bay đang khai thác nhưng tính theo số đơn đặt hàng máy bay thì đã vươn lên hạng thứ 3, chỉ sau Malaysia và Indonesia.

Nếu tính theo hãng hàng không thì thứ hạng xếp theo số lượng máy bay đang khai thác lần lượt là Vietnam Airlines đứng thứ 4, Vietjet đứng thứ 18. Còn xếp theo đơn hàng đã ký Vietjet đứng thứ 3, Vietnam Airlines đứng thứ 12, Jetstar Pacific đứng thứ 17 trong khu vực.

Như vậy có nghĩa là trong thời gian 10 năm tới, số lượng máy bay của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, từ con số 142 chiếc như hiện nay lên gần 440 chiếc. Tuy nhiên, quy mô đội bay của Việt Nam vẫn chưa bằng một nửa so với 2 quốc gia dẫn đầu.

Theo các chuyên gia, những quan ngại về việc thị trường hàng không tăng trưởng quá nhanh là không có cơ sở bởi trên thực tế nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân tăng mạnh trong những năm qua là có thật, chủ yếu do kinh tế đất nước phục hồi tốt và do các hãng đã xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.

Bên cạnh đó, với sự gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu và thu nhập của người dân đạt khoảng 10.000 USD vào năm 2020 như dự báo của nhóm Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không chắc chắc sẽ duy trì ở mức trên 20%/năm trong 3 -4 năm tới. Đây cũng là kinh nghiệm được ghi nhận của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Một con số thống kê tin cậy cho thấy, hiện tăng trưởng hàng không ở Thái Lan vẫn ở mức 27% và Trung Quốc là 30%/năm.

Không bỏ lỡ cơ hội phát triển

Trên thực tế, hàng không không chỉ là một phương thức vận chuyển gắn với ngành du lịch như quan điểm thường thấy tại Việt Nam mà thực sự là một ngành công nghiệp đang tạo ra hàng chục triệu việc làm và ngày càng có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Theo IATA, ngành hàng không tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương mang tới 33 triệu việc làm và đóng góp 700 tỉ USD vào GDP khu vực. Dự đoán, trong 30 năm tới, ngành công nghiệp này sẽ tạo ra 70 triệu việc làm và 1,3 nghìn tỉ USD.

"Nếu chúng ta có thể khai thác được tiềm năng của ngành này thì sẽ tạo ra lượng việc làm và đóng góp kinh tế tương ứng” ông Tony Tyler, Giám đốc điều hành kiêm CEO của IATA nhận định.

Đây thực sự là cơ hội “vàng” để ngành hàng không Việt Nam phát triển, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược, có vị thế trong khu vực.

Dù đi cùng tiềm năng, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nếu không nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của hành khách ngày càng tăng, các hãng hàng không nội địa có thể sẽ thua trên chính sân nhà, mất thị phần vào tay các hãng hàng không ngoại.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc mở rộng đội tàu bay là tất yếu và thay vì kìm hãm cần khuyến khích các hãng nội địa xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.

Bên cạnh đó, chuyên gia hàng không cho rằng trong suốt thời gian dài trước đây, kế hoạch mua sắm máy bay của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải được Chính phủ phê duyệt vì tuyệt đại bộ phận hãng hàng không đều là doanh nghiệp nhà nước. Nay thị trường đã có doanh nghiệp dân doanh tham gia thì việc tuân thủ nguyên tắc mua sắm máy bay của các doanh nghiệp nhà nước không nắm cổ phần chi phối sẽ chỉ xoay quanh điều kiện khai thác, yếu tố kỹ thuật.

“Số lượng máy bay mua sắm bao nhiêu, vào thời điểm nào là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp tính toán dựa trên nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh và chỉ báo cáo cho nhà quản lý theo nguyên tắc đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bài toán hạ tầng quá tải không quá khó, Chính phủ hoàn toàn có thể giải quyết thông qua việc đẩy mạnh xã hội hóa cho tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng hàng không”, ông Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu quan điểm.

Lâm Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/hang-khong-viet-chua-ngang-tam-khu-vuc-616646.bld