Hang động kỳ bí giữa chốn thâm u nơi đại ngàn cực nam Trường Sơn: Kỳ 3: Hang Thoát Y Vũ - Sự thách đố con người ta trước những cám dỗ vật chất tầm thường

Cả già làng K’Bá và già làng Điểu K’Khen luôn nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: Muốn vào hang Thoát Y Vũ và trở ra an toàn phải cởi bỏ tất tần tật mọi thứ có trên người và đặc biệt là gột rửa mọi thứ tham lam, thù hận, bẩn thỉu ở ngay trong đầu nữa!

Già Điểu K’Khen bảo “Con trai trong làng bây giờ ít đứa biết đan gùi rồi!”.

Theo lời già làng Điểu K’Khen, nguyên nhân cái chết của chàng trai K’Wuoài mấy mươi đời trước của dòng họ nhà K’Băm không phải vì sự tham lam nảy sinh trong đầu khi đứng trước một hồ nước đầy những vàng bạc châu báu mà là vì... quên không cởi bỏ chiếc nhẫn hẹn cưới trên ngón tay.

Ở chuyến đi trước, cách nay 20 năm, tôi đã có nhiều đêm ngồi trong căn nhà sàn của già làng K’Bá ở buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay) để nghe ông kể chuyện về hang Thoát Y Vũ. Câu chuyện của già K’Bá cũng nhuốm màu huyền thoại như câu chuyện của già làng Điểu K’Khen kể lại cho tôi trong chuyến đi vừa rồi. Trong những câu chuyện của già làng K’Bá 20 năm trước, tôi lưu tâm nhất là chuyện một nhóm thanh niên người dân tộc thiểu số Mạ nghe theo lời dụ dỗ của một người Kinh ở ngoài huyện Đạ Tẻh (kế cận huyện Cát Tiên) đã liều mạng trốn dân làng, trốn già làng vào hang Thoát Y Vũ với mục đích lấy vàng, lấy bạc về “làm giàu”. Và, họ đã không toàn thây!

Như câu chuyện thần thoại

Sau câu chuyện của già làng K’Bá, tôi có xác minh ở một số cán bộ lâu năm của huyện Cát Tiên như anh Trần Đình Nhung - nguyên Bí thư và Chủ tịch huyện Cát Tiên), Bí thư Huỳnh Văn Đẩu hiện nay, một số nhà cách mạng lão thành như chú Tám Cảnh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (người có nhiều năm hoạt động ở vùng Ba - vùng căn cứ kháng chiến trong kháng chiến chống Mỹ, gồm ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai ngày nay), cụ Chế Đặng - cán bộ cách mạng lão thành kỳ cựu hoạt động ở Khu VI trong kháng chiến - vùng chiến khu D lẫy lừng trong lịch sử của cách mạng Nam Trung Bộ)..., nhưng tất cả đều trả lời một cách chung chung rằng: “Chuyện ấy nghe bảo là có nhưng tôi cũng chỉ là... nghe vậy thôi!”.

Già làng K’Bá kể với tôi rằng: Muốn vào được hang động thần linh Thoát Y Vũ nơi núi Chúa giữa đại ngàn Đồng Nai Thượng, thử thách trước tiên là phải vượt qua dòng suối Đưng Pú - một con suối “không biết bắt nguồn từ đâu” (theo cách nói của già K’Bá) nhưng chảy về đầu ngọn núi Chúa, rồi đổ vào hang thần linh Thoát Y Vũ. Dòng suối ấy cạn thôi, nông thôi, nhưng bắt đầu từ đây, con người ta phải gột rửa dần những tham sân si trong cái đầu. Bởi lẽ, bắt đầu từ dòng suối này đã có sự hiện diện thế lực của thần linh, thế lực siêu nhiên.

Dòng suối Đưng Pú nơi đầu nguồn trong vắt trong vẻo, trong đến mức nhìn thấy rõ cái tham sân si hiện hữu trong cái đầu của con người ta. Rồi, nữa, hai bên bờ suối là những bờ đá lúc dựng đứng, lúc thoai thoải, lúc bỗng dưng... biến mất làm cho dòng suối càng thêm thâm u, huyền bí. Chưa hết, già làng K’Bá còn nói với tôi rằng cây rừng phía trên đầu như là những “vị thần” đứng lặng ngắm nhìn thế cuộc của người trần. Phủ qua đó, phủ trên đầu những con người trần lội qua suối là lớp dây bụi chằng chịt, đan xen, hệt như thể đang hiện hữu ở đó những thế lực siêu nhiên cả thiện lẫn ác. Nói cách khác, mọi hành vi, mọi suy nghĩ của con người trần khi bước chân đã lọt vào lòng suối Đưng Pú thì hoàn toàn bị kiểm soát bởi các thế lực siêu nhiên...

Rời khỏi buôn Nhing Tơng của già làng Điểu K’Khen, tôi và hai anh bạn đồng hành tiếp tục xuyên rừng. Rừng nguyên sinh ở đây vẫn đẹp đến ngỡ ngàng. Con đường xuyên rừng hẹp vừa đủ để một... con khỉ đi lọt. Gia Bình vừa cầm tay lái chạy theo Vũ Văn Tự vừa nhắc tôi ngồi sau: “Thấp đầu xuống anh ơi!”, hoặc: “Thấp đầu, nghiêng phải!”, hoặc: “Trái!”. Khẩu lệnh của Bình đưa ra cứ ngắn dần, cụt dần. Bởi, càng vào sâu trong rừng, tình huống phải xử lý xuất hiện ngày càng dày! Tôi nhớ lại chuyến đi 20 năm trước: Hình như vẫn con đường này, vẫn vượt qua mấy gốc cây cổ thụ đến mấy người ôm không xuể đằng kia, vẫn con đường vượt qua dăm ngôi nhà sàn giữa hoang vu đại ngàn ở phía xa xa nơi lưng chừng núi này...

Trong lúc tôi đang “tranh thủ” quên những cú xốc nảy người khi ngồi sau xe của Bình để nghĩ đến những điều lãng mạn (đôi khi còn nhằm vào mục đích “AQ” để quên đi chuyện nguy hiểm trên đường, vì chỉ cần Gia Bình chệch tay lái là cả hai chúng tôi lẫn chiếc xe lăn cù xuống vực ngay lập tức) thì Tự hãm ga đến mức thấp nhất và ra lệnh: “Dừng ở đây thôi! Chuẩn bị cuốc bộ!”. Vậy là hết đường có thể đi bằng xe máy rồi! Cả ba chúng tôi thở dốc. Hóa ra, chạy xe máy mà còn hơn cả đi cày ruộng! Anh chàng Tự lôi từ trong balô ra 3 chai nước suối và 3 ổ bánh mì. Tôi biết đây là lúc cần thư giãn để bắt đầu cho một chặng đường mới - chặng đường thứ hai đến với động Thoát Y Vũ đầy thách thức. Nhìn quanh, tôi lại nhận ra nơi này rất quen thuộc...

Tiếp cận với “thế lực siêu nhiên” ở chốn hoang vu

Lần trước, cách đây 20 năm, tôi cùng cả đoàn kiểm lâm của huyện Cát Tiên đi kiểm tra rừng, sau chặng lội bộ từ thôn 3 vào thôn 4 và đi thêm quãng khá dài cũng đã tập kết ở chính nơi này. Vừa nhẩn nha bánh mì với nước suối, tôi vừa đảo mắt nhìn quanh: “Đây rồi, ngay trước mặt, cách khoảng vài trăm mét, là dòng suối thần Đưng Pú dẫn đến đầu ngọn núi Chúa và đổ vào hang thần Thoát Y Vũ”. Tôi chỉ tay về hướng trước mặt và hỏi Tự: “Chỗ bụi rậm có cái cây cổ thụ cao vượt tán kia là lối lội xuống suối Đưng Pú không?”. Tự gật đầu: “Đúng rồi đó anh! Nghỉ xong, mấy anh em mình cũng đi theo lối ấy đấy!”.

Khi ổ bánh mì còn miếng cuối cùng và chai nước suối cũng còn ngụm cuối cùng, tôi giục: “Nhanh chóng bôi thuốc chống vắt, mang vớ cao, giày, cài cúc áo, mũ vải trùm cổ... để tranh thủ lội suối, lội rừng!”. Giọng Quảng của Gia Bình (Bình quê gốc Đà Nẵng) bỗng dưng nghe... mượt: “Chi rứa anh! Từ thôi anh nờ!”. Tôi trở lại “nguyên hình” là một anh lính “quân lệnh như sơn”: “Không được chậm trễ! Phải nhanh chóng triển khai đội hình. Tranh thủ lên đường để còn trở ra trước khi cơn mưa rừng ập đến!”.

Nhưng rồi tôi dịu giọng: “Lần trước, đoàn mình đi có cả AK và K54 vì trong đoàn có mấy anh bên huyện đội Cát Tiên, mà vẫn cứ nơm nớp lo “xốc lại đội hình” đấy! Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là hậu quả khó lường! Ví như có một ai đó bị lạc rừng chẳng hạn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra... Giữa rừng già thăm thẳm thế này, khó lường hết mọi thứ. Trong khi, ba thằng tụi mình xem ra... thư sinh quá, đứa nào cũng “trói gà không chặt” cả!”.

Tôi nhìn đồng hồ, vẫn chưa về chiều nhưng nắng rừng đã ẩn phía sau những đám mây, báo hiệu cơn mưa rừng dữ dằn sắp ập đến. Câu chuyện của già làng K’Bá 20 năm trước lại hiện ra trong đầu tôi! Câu chuyện chắc chắn có nhiều thêm thắt ly kỳ để răn đe những trai tráng khác, để họ không làm điều xấu như đám trai làng nghe lời người Kinh “có cái bụng tối đen” kia. Chuyện rằng, bữa ấy, sáng tinh mơ, sau một đêm dân làng ăn mừng đợt sát hạch “đứa con trai dũng mãnh nhất làng”, mấy đứa con trai hư hỏng thích rượu chè của buôn Go nghe theo lời người Kinh “xấu cái bụng” ở ngoài Đạ Tẻh đã trốn làng bằng cái bước chân con sói, con chồn...

Lũ trai làng ấy đã gặp những cơn mưa rừng dữ dội nhất của mùa mưa Tây Nguyên. Mưa rừng và lũ nguồn là dấu hiệu của Yàng nhằm ngăn chặn bước chân của lũ trai làng nhưng chúng chẳng chịu nghe, chẳng chịu nhận ra để dừng lại cái bước chân và quay về làng mà cứ thế dấn sâu vào rừng với cái đầu tối đen, cái bụng cũng tối đen. Khi đám trai xấu bụng đặt chân xuống dòng suối Đưng Pú, nước suối bỗng lụp bụp sủi bọt, nước suối đang trong vắt bỗng đục ngầu, những hòn cuội bên bờ suối đang lạnh tê bỗng nóng ran và khô khốc...

Trên đầu, vòm dây leo phù tràn đan vào nhau bỗng cựa mình biến thành những con trăn, con rắn oằn mình trườn qua nhau giữa bờ bên này chuyền sang bờ bên kia và ngược lại. Những cây cổ thụ cũng răng rắc chuyển mình như đang chuẩn bị cho trận chiến một mất một còn sắp xảy ra giữa đại ngàn đầy quyền uy với con người ngập ngụa tham lam. Trong đoàn quân, đã có người ngần ngại bước chân và muốn quay lui nhưng lúc này người Kinh xấu bụng vừa mua chuộc vừa đe dọa: “Không được lùi bước! Chỉ vượt qua con suối này là ta đã có cả kho vàng!”. Đám trai tiếp tục bước tới. Miệng hang Thoát Y Vũ đã cận kề. Và rồi, một kết cục thảm khốc đã xảy ra...

Ba anh em chúng tôi đứng dậy và bước tới bên bờ con suối Đưng Pú. Quá xế, trời hầm hập nóng. Đặt chân vào lòng suối, con nước ở đây cứ như trôi ngược. Nó trong xanh đến mức khó tin. Nắng rọi qua tán cây rừng chiếu xuống lòng suối lấp lánh những sắc màu. Dòng nước mát lạnh thấm từ ngón chân lên tận đỉnh đầu. Con nước mùa cạn hiền hòa mơn trớn thịt da... (Còn tiếp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/ky-3-hang-thoat-y-vu-su-thach-do-con-nguoi-ta-truoc-nhung-cam-do-vat-chat-tam-thuong-240594.bld