Hang động kỳ bí giữa chốn thâm u nơi đại ngàn cực nam Trường Sơn (kỳ 2): Hang Thoát Y Vũ: Huyền thoại xưa và huyền thoại... nay

Trước khi 3 người chúng tôi (tôi, nhà báo Gia Bình của Báo Thanh Niên và chuyên viên Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Cát Tiên Vũ Văn Tự) lên đường, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu dặn đi dặn lại: “Cố gắng đi về trong ngày nhé! Nếu chiều muộn mới trở ra, gặp trời mưa, nước suối dâng cao thì coi như... đứt bóng giữa rừng!”.

Thả trái bưởi xuống cái lỗ này, vài ngày sau sẽ thấy nó ở biển.

Hai mươi năm trước, tôi đã từng đi dọc theo con suối Đưng Pú ấy rồi. Đi thành đoàn rất đông người, có cả súng ống, nên đỡ hãi. Còn chuyến đi này chỉ có “ba chàng ngự lâm”, thú thực, trong bụng cũng lo lo nhưng không dám nói ra... Bởi vậy, tôi xem lời nhắc của anh Sáu Đẩu không thừa tí nào. Chỉ có riêng Gia Bình vì chưa hình dung được những gì đón đợi phía trước nên anh chàng tỏ ra khá “bình chân...”.

Hai mươi năm trước, sau chuyến vào hang Thoát Y Vũ linh thiêng của người Mạ, người Stiêng ở vùng Đồng Nai Thượng này (Đồng Nai Thượng là tên gọi của Cát Tiên ngày trước), tôi về lại buôn Go (thị trấn Cát Tiên ngày nay) để tìm gặp già làng K’Bá. Có mấy đêm liền ngồi với già làng, tôi nghe được từ ông bao nhiêu là chuyện liên quan đến cái hang nhuốm màu huyền bí mang tên “Thoát Y Vũ” kia. Nay, sau 20 năm, cũng là hành trình đến với Thoát Y Vũ, tôi nhớ ra một nhân vật khác phải tìm gặp cho bằng được, đó là già làng Điểu K’Khen (ông năm nay chắc cũng đã gần 80 tuổi) ở buôn Nhing Tơng, nay thuộc thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Và dĩ nhiên là chúng tôi đã gặp được ông và lại được nghe bao nhiêu là chuyện về cái hang Thoát Y Vũ vô cùng kỳ bí.

Huyền bí câu chuyện về hang Thoát Y Vũ của 2 già làng

Trước hết, xin nói về hai vị già làng mà tôi được nghe chuyện kể về cùng một chủ đề - hang Thoát Y Vũ: Già làng K’Bá là một trong những già làng người Mạ có uy tín bậc nhất ở huyện Cát Tiên, ngày nay khi nhắc đến ông, không một cán bộ đương nhiệm nào không nể phục. Với già làng K’Bá buôn Go, một kiểu “nể phục” khác mà đến tận giờ khi nhắc đến, ai cũng phải... kinh ngạc. Ông là người từng hạ thủ 2 con tê giác ở rừng Cát Tiên (thời ấy, việc bắn một con thú rừng cứ như thể là chuyện rất đỗi bình thường; riêng với tê giác, ai hạ được nó phải là một xạ thủ được cả cộng đồng tôn phục).

Còn với già làng Điểu K’Khen, ông không chỉ là một cán bộ cách mạng lão thành rất uy tín với đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương nhiệm (và cả những người đã hưu) với “3 cái huân chương là nhớ nhất thôi” (theo cách nói của già làng) mà còn là “công dân số một” của cả vùng người dân tộc thiểu số Mạ, Stiêng ở cả vùng Nhing Tơng rộng lớn (theo khái niệm của người Mạ và người Stiêng bản địa thì Nhing Tơng là một vùng rừng núi rộng lớn trải dọc theo sông Đồng Nai chứ không chỉ bó hẹp ở phạm vi thôn 4 kiểu hành chính ngày nay) nhờ ở cái tài “nói già già nghe, nói trẻ trẻ theo” như câu ngạn ngữ của người dân tộc thiểu số dùng để chỉ các già làng có một uy tín rất đặc biệt trong cả cộng đồng xã hội.

Ăn sáng xong, chúng tôi ghé lại chợ trung tâm huyện Cát Tiên để mua sắm nhiều thứ (thức ăn, nước suối, giày vớ, áo đi mưa, mũ nón, thuốc bôi chống vắt...). Ba người chúng tôi bon bon trên 2 “con ngựa sắt” vượt qua địa phận xã Quảng Ngãi, xã Phước Cát 1 rồi đến Phước Cát 2. Qua khỏi trung tâm xã Phước Cát 2 khoảng vài cây số, con đường bắt đầu gồ ghề sỏi đá; tuy nhiên, vẫn có thể chạy được xe máy. Càng vào sâu, đường càng kinh khủng với những con dốc dựng đứng mà người đi bộ phía sau chỉ nhìn thấy gót chân người đi trước. Con đường xuyên rừng, xuyên qua những vườn điều của bà con dân tộc thiểu số. Có lúc, lối mòn chỉ vừa đủ lọt bánh xe máy và nghiêng hơn bốn lăm độ khiến cho tay lái vốn được mệnh danh là “lụa” của nhà báo Gia Bình cứ rung lên bần bật. Rừng nguyên sinh ở đây còn... đặc quánh những cây gỗ to đến vài người ôm không xuể. Một cây gỗ to vừa đổ chắn ngang lối mòn. Đã thấm mệt, cả 3 chúng tôi ngồi nghỉ ngay bên thân cây đại thụ chắn ngang.

Trong hang Thoát Y Vũ tối đen.

“Có cái đứa con trai người Mạ vì không nghe lời Yàng nên phải chết trong ân hận”

Rồi chúng tôi vào làng (thôn 4, xã Phước Cát 2) gặp già làng Điểu K’Khen, ông nói ngay khi biết chúng tôi tìm hiểu chuyện về hang Thoát Y Vũ: “Ngày xưa đó, có cái đứa con trai người Mạ vì không nghe lời Yàng (thần linh - PV) nên phải chết trong ân hận đó nghe!”.

Tôi hỏi già: “Người thanh niên ấy cũng ở buôn Nhing Tơng mình hả già?”. Ông gật đầu: “Đứa con trai đó là người Mạ, tên là K’Wuoài, là ông tổ mấy chục đời của bố thằng K’Băm cũng ở cái làng này này! Thằng K’Băm cách nay mấy cái mùa rẫy lên chơi ở hang Thoát Y Vũ, nó bắt con dơi. Con dơi ở hang Thoát Y Vũ nhiều lắm. Bắt không bao giờ hết đâu. Bắt con này, nó đẻ con khác, hai ba con đẻ cùng một lúc. Nhưng ông bà xưa bảo đó cũng là dơi thần nên không được bắt. Hồi cách nay mấy năm, thằng K’Băm lên hang Thoát Y Vũ bắt cái con dơi, nó rớt xuống hố nước ở trước cửa hang. Lưng thằng K’Băm chạm lên lưng con cá sấu. Dưới cái hố nước ấy luôn luôn có hai con cá sấu thiêng canh giữ nước thần trong hố. Hố nước ấy không có nhiều nước nhưng không bao giờ khô cạn. Nước thần mà! Hai con cá sấu thiêng canh giữ hố nước. Nó chỉ cho nước cho con người mình khi có mang lễ vật vào đó cúng. Bởi vậy nên hố nước có tên là vũng Cá Sấu. Cái lưng thằng K’Băm chạm cái lưng cá sấu thiêng, cá sấu quay đầu nhìn trừng trừng thằng K’Băm. Thằng K’Băm lúc đó chỉ mới mấy tuổi thôi. Nó nhỏ lắm nên mới được con cá sấu thần tha mạng. Nó bò lên khỏi hang rồi chạy một hơi về làng mà không dám quay đầu lại nhìn con cá sấu...”.

Rồi già làng Điểu K’Khen nói thêm: “Mà, cái tục lệ của ông cha là vào hang thì phải bỏ hết mọi thứ trên người ra, trong đầu ra là cái tục lệ của bà con mình có từ trước khi ông tổ K’Wuoài vào hang và chết từ rất lâu, không ai còn nhớ rõ là từ khi nào...”. Theo lời già làng Điểu K’Khen, trong hang, ngoài một hồ nước rộng còn có hai dòng suối ngầm; một dòng chảy về phía đông nhập vào con suối Đạ Tơi đi ngang qua buôn Nhing Tơng, một dòng chảy về phía tây nhập vào suối Đạ Lạch đổ vào sông Đồng Nai.

Hai dòng suối bắt đầu từ hang Thoát Y Vũ đó chảy ngầm trong núi một đoạn rất dài mà theo mô tả của già làng Điểu K’Khen là dài “đến mấy cái xà gạt” rồi mới lộ thiên và hòa vào hai con suối Đạ Tơi và Đạ Lạch. Cũng theo lời già làng Điểu K’Khen thì đến tận giờ, hàng năm, năm nào dân làng Nhing Tơng cũng định ra một ngày để cả làng đưa lễ vật lên hang Thoát Y Vũ cúng thần linh. Lễ vật không có gì to tát cả, lớn thì con dê, vừa thì con heo, ít thì con gà. Nhưng ở hang Thoát Y Vũ còn có điều đặc biệt là lễ vật bằng hình nộm những con voi, con hổ, con tê giác... - những thứ “chúa sơn lâm” của đại ngàn Nam Cát Tiên - thì luôn luôn phải có. Người làm lễ phải là một ông thầy cúng thông tuệ thiên thời địa lợi của vùng Đồng Nai Thượng.

Già làng Điểu K’Khen nói: “Cái lễ ấy là cúng thần hang Thoát Y Vũ, cúng thần núi Chúa, thần suối Đưng Pú, thần suối Đạ Tơi, thần suối Đạ Lạch... Và cái lễ ấy còn để cúng thần làng K’Wuoài kể từ khi K’Wuoài bỏ xác trong hang và “được thần hang Thoát Y Vũ cho trôi theo suối Đạ Tơi trả xác về cho dân làng buôn Nhing Tơng”.

Ông còn cho biết thêm, kể từ khi chàng thanh niên K’Wuoài chết trong hang Thoát Y Vũ, xác trôi về làng theo suối Đạ Tơi và trở thành một vị thần thường hay báo mộng nhắc nhở dân làng thì không chỉ có lễ trọng mỗi năm một lần của cả làng mà ở những lễ khác như lễ ăn trâu, lễ mổ heo, hay lễ đặt tên cho đứa bé mới sinh..., trước khi “xin nước” (lấy nước từ vũng Cá Sấu) đều phải vái thần K’Wuoài.

Tôi hỏi già làng Điểu K’Khen: “Ngày nay, bà con mình có còn vào hang Thoát Y Vũ để “xin nước” không, thưa già?”. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi và nghiêm giọng: “Có chớ! Còn chớ! Cái lễ con heo, con dê cho qua thì nay tạm chấp nhận, còn cái ăn trâu với cái đặt tên cho đứa bé thì ai không làm lễ xin nước Yàng phạt cho thì chết!”. “Ôi, bao nhiêu là chuyện! Nơi thâm sơn này còn cả một vỉa trầm tích vô cùng giàu có về nguyên thể văn hóa của người dân tộc thiểu số bản địa mà tôi cần tiếp cận, khám phá!”. Tôi hẹn già làng Điểu K’Khen vào một dịp “lần thứ 3” gặp ông để tiếp tục nghe ông kể chuyện. Còn bây giờ, cả 3 chúng tôi phải tiếp tục hành trình đến với hang Thoát Y Vũ!

Kỳ 3: Sự thách đố con người ta trước những cám dỗ vật chất tầm thường

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/hang-thoat-y-vu-huyen-thoai-xua-va-huyen-thoai-nay-238336.bld