Háng Đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Vượt tuyến đường nhựa dài hơn 35 km, từ trung tâm huyện, chúng tôi lên xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Con đường uốn lượn bên sườn núi cao, được tô điểm bởi màu xanh của cây sơn tra và những nương chè, nương lúa, nương ngô; lưng chừng núi là những bản đồng bào dân tộc Mông với những mái nhà lợp bằng gỗ độc đáo.

Nhân dân bản Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên chăm sóc cây thảo quả.

Háng Đồng được tách ra từ xã Tà Xùa năm 2008, có diện tích tự nhiên hơn 14.148 ha, có 5 bản, 508 hộ với 3.143 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những ngày mới thành lập xã, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp, các ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nên đã tạo sự chuyển biến tích cực về diện mạo nông thôn, làm thay đổi nhận thức, tư duy và cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã Háng Đồng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với những giải pháp cụ thể để thực hiện, nhằm đưa xã thoát nghèo. UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát chất đất ở các bản để đánh giá mức độ phù hợp đối với các loại cây trồng. Đến nay, xã đã đưa một số loại cây dược liệu và thảo quả trồng dưới tán rừng tại các bản Háng Đồng C và Làng Sáng với diện tích được trồng thử nghiệm ban đầu khoảng 3 ha; phát triển cây chè tại các bản Háng Đồng và Háng Đồng C; trồng cây sơn tra, cây lê tại các bản Háng Bla, Háng Đồng… Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ từ điểm du lịch “Sống lưng khủng long” để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.

Trong sản xuất, UBND xã tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân; phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư sản xuất; triển khai hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động.

Ở bản Háng Đồng, bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng vào sản xuất để tăng thu nhập. Trưởng bản Mùa A Pềnh nói: Ngày trước, người dân trong bản chúng tôi chỉ biết trồng lúa nương, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, nhân dân sản xuất đa dạng các loại cây có giá trị kinh tế. Cả bản hiện có 66 ha cây sơn tra, 105 ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng, 19,5 ha cây chè tự nhiên và cây chè trồng mới, 173 ha lúa ruộng, nương và đang trồng trên 5 ha cỏ voi để nuôi 1.144 con gia súc các loại...

Là hộ có diện tích trồng cây chè nhiều nhất bản Háng Đồng, ông Mùa A Lồng, bản Háng Đồng, cho biết: Nhà tôi có gần 2 ha cây chè. Trước đây cứ để cây phát triển tự nhiên, nên năng suất, chất lượng kém, giá bán thấp. Bây giờ, được hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, nên năng suất, chất lượng cao hơn hẳn, trừ chi phí, mỗi năm thu trên 150 triệu đồng, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện hơn trước nhiều lắm.

Hiện nay, toàn xã gieo trồng trên 1.300 ha cây lương thực. nuôi gần 3.000 con gia súc, trên 4.500 con gia cầm các loại; có hơn 15 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi; 185 ha cây sơn tra, gần 350 ha cây chè. Hoạt động du lịch được đẩy mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay, đã đón gần 30.000 lượt khách, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trên địa bàn xã có 5 tuyến đường liên bản, nội bản với chiều dài gần 30 km đã được bê tông hóa; 11 công trình thủy lợi được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kiên cố; 30 km mương nội đồng được bê tông hóa đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%/năm; 5/5 bản có nhà văn hóa; trên 98% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; xã đạt 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới... Tuy đã có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Háng Đồng vẫn là xã còn nhiều khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, tích cực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hang-dong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-53307