Hàng đa cấp len lỏi vào cổng trường đại học

Mặc dù nhiều công ty đa cấp lừa đảo bị phanh phui, nhưng thời gian gần đây, những chiêu dụ dỗ của các công ty này đã tiến gần hơn đến nhiều cổng trường đại học, “đánh” vào những sinh viên nhẹ dạ cả tin.

Vì sự cả tin của sinh viên

Dọc theo tuyến đường Xuân Thủy nối liền từ Đại học Quốc gia - Sư phạm - Báo chí không ít những nhóm người chủ động chặn đường, tiếp cận dưới nhiều hình thức. Từ những câu làm quen như “Nhìn bạn quen quá, chúng mình hình như đã gặp nhau rồi thì phải”…, nhiều cá nhân còn chủ động giới thiệu bản thân là thành viên của một công ty với nhu cầu tuyển dụng nhân sự với nhiều ưu đãi hấp dẫn về “lương, thời gian, cơ hội”.

Đa cấp tiến quân vào các cổng trường đại học. Ảnh minh họa.

Một số sinh viên nhận ra sự lừa đảo muốn tránh trò lừa bịp lập tức bị bám riết không thôi, thậm chí còn bị chúng ngang ngược chặn đường. Một số phản ứng gay gắt trước những hành động của nhân viên bán hàng đa cấp mới có thể thoát thân.

Với những chiêu cũ không còn hiệu quả như lôi kéo bạn bè, tư vấn công việc với sản phẩm đặc thù… thì giờ đây, giới đa cấp đã thay vỏ bọc mới bằng cách đánh vào lòng tin và nhu cầu thiết yếu của nhiều sinh viên như kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, định hướng về nghề nghiệp. Ngoài việc lấy tư cách là những người tham gia hội thảo, hoạt động đa cấp còn biến tướng dưới nhiều hình thức: Nhân viên đa cấp đóng vai là những người tuyển dụng lao động, chủ cửa hàng, công ty đang cần tuyển nhân viên bán hàng trong 1-2 ngày khuyến mại, bán hàng từ thiện mua đồ với mức giá cao ngất ngưởng.

Bạn Nguyễn Thị Hiền (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhớ lại: “Vào buổi trưa đi học, tôi đang đứng đợi bạn tại cổng trường thì có một bạn nam qua hỏi tên tuổi, quê quán. Anh ta giới thiệu cho tôi công việc bán hàng không cần bỏ vốn với mức lương hấp dẫn. Rồi hẹn tôi tầm cuối giờ chiều sẽ dẫn tôi ra công ty. Sau đó, tôi được đưa qua tầng 2 một tòa nhà trên đường Đại Kim, vì cả tin nên tôi bỏ 7,5 triệu đồng mua máy ozon để làm thành viên với ước mong một tháng không cần làm gì cũng được lời 2,5 triệu đồng".

Muôn cảnh chào mời

Theo chia sẻ của nhiều nạn nhân, khi đã lấy được lòng tin, dụ dỗ được “con mồi” đến “động” của mình, những nhân viên đa cấp này sẽ dùng mọi chiêu trò nhằm “con mồi” sập bẫy. Từ việc tư vấn công việc, những ưu đãi khủng cho thành viên mới, giới thiệu những tấm gương làm giàu không khó, đến việc đánh đòn tâm lý với rất nhiều khâu ải, nhiều sinh viên không tỉnh táo sẽ bị sập bẫy. Bạn Đặng Thị Châu Ngọc ( sinh viên năm 2, Đại học Ngoại ngữ) cho biết: “Vì tin tưởng đứa bạn thân và muốn tìm một công việc kiếm thêm thu nhập, nên tôi có đi theo nó dự một hội thảo. Tại đó, tôi được nghe những lời đường mật về công ty, giải thưởng, thu nhập. Lúc đó, bản thân tôi như bị mê hoặc, chấp nhận đi cắm thẻ sinh viên cùng với một anh quản lý lấy 10 triệu đồng để mua bộ sản phẩm của họ”.

Khi sinh viên đã bỏ tiền, thứ duy nhất các bạn nhận được là một sản phẩm giá trị thực thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Điển hình như với một máy ozon, trung bình ngoài thị trường giá chỉ tầm 1 triệu – 2 triệu đồng, thì ở đây, các bạn trẻ bị “móc túi” lên tới hơn 7 triệu đồng. Hoặc với bộ sản phẩm kem đánh răng, sữa rửa mặt chiết suất tự nhiên ăn được của một công ty quảng cáo, giá trị chỉ đáng hơn 1 triệu đồng thì thành viên phải bỏ hơn 5 triệu đồng để mang chúng về. Và nếu như ai đó muốn từ chối làm thành viên, trả lại sản phẩm, thì chắc chắn số tiền đã đóng không bao giờ hoàn lại.

Luật sư Hải Anh cho biết: “Hình thức kinh doanh đa cấp, về bản chất không phải là lừa đảo. Nó là một phương thức kinh doanh hợp pháp, từng rất phát triển ở nước ngoài. Bản thân các công ty đa cấp tại Việt Nam không có gì sai trái, nhưng những người hoạt động tại đó, do làm không đúng, không đủ sẽ thành lừa đảo. Trường hợp những người quảng cáo sai công dụng của sản phẩm, nhằm áp đặt khách hàng mua chúng hoặc dẫn dắt đi cắm thẻ sinh viên, chứng minh thư, xét trên phương diện pháp luật đều thuộc vào hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Thông thường, để thành một phần trong mạng lưới đa cấp, các bạn trẻ sẽ cần bỏ ra một số tiền mua sản phẩm của công ty: Máy ozon, kem đánh răng, sữa rửa mặt, son môi... Nếu “con mồi” không có sẵn tiền tại đó, sẽ được nhân viên trong công ty dẫn ra cửa hiệu cầm đồ quen cắm chứng minh thư, hoặc thẻ sinh viên với lãi suất “cắt cổ”. Bình thường, sẽ chẳng hiệu cầm đồ nào nhận cắm chứng minh thư, thẻ sinh viên với giá cao ngất ngưởng, thì đến đây, mỗi tấm thẻ bỏ ra, các bạn trẻ nhận về đúng số tiền cần gia nhập hệ thống. Và để tồn tại được với nghề đa cấp, sẽ có 2 cách cho sinh viên kiếm thu nhập: Một là bán hàng như thông thường để “ăn” chênh lệch, hai là giới thiệu thêm người vào mạng lưới để nhận hoa hồng. Trong đó, cách thứ 2 là phương thức nhiều đàn anh chỉ bảo thêm cho những thành viên mới.

Và khi đã là thành viên của công ty, cũng có nghĩa là các bạn sinh viên mang gánh nợ trị giá lớn, lãi suất nợ lớn và để hồi lại số tiền bỏ ra, bắt buộc thúc đẩy tâm lý nhiều bạn phải kiếm tiền bù lại: Vay mượn, trộm cắp, quay vòng lừa đảo… Có nhiều bạn sinh viên chia sẻ, đã từng nhìn thấy cảnh đứa bạn thân gom góp hết tiền mua sản phẩm, cả tháng chỉ biết mang kem đánh răng đi bán nhưng không ai mua, rồi lại cố nuốt chính những thứ sản phẩm đó. Châu Ngọc cho biết thêm: “Công việc nhiều tiền đến đâu không biết, tôi chỉ biết là sau đó 2 ngày, bố mẹ biết tin đã phải lên chuộc thẻ sinh viên về cho tôi với lãi suất 2 ngày cả mấy trăm nghìn. Thực sự, khi biết bản thân bị lừa, thì cũng quá muộn”.

Mặc dù một số trường đại học đã có văn bản, cảnh báo, nhắc nhở sinh viên tránh bị chiêu dụ vào mớ bòng bong đa cấp nhưng mỗi năm học tới, vẫn có nhiều trường hợp sinh viên rơi vào bẫy lừa đảo.

Hồng Hải

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hang-da-cap-len-loi-vao-cong-truong-dai-hoc-44381.html